PNO - NSƯT Nguyễn Thị Thanh Thúy - Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM - cho biết đời sống của âm nhạc giao hưởng, hàn lâm tại TP.HCM đang dần khởi sắc. Người dân đã quan tâm hơn đến việc thưởng thức âm nhạc cổ điển.
Liên hoan nghệ thuật Giai điệu mùa thu lần thứ 13 đang diễn ra tại TP.HCM với nhiều hoạt động nổi bật. Mỗi dịp Giai điệu mùa thu được tổ chức, người dân, du khách và giới nghệ sĩ quan tâm đến âm nhạc hàn lâm (art music) lại có cơ hội đắm mình trong âm nhạc với những vở thanh xướng kịch đặc sắc. Cho đến nay, Giai điệu mùa thu đã được UBND TP.HCM chọn là một trong 19 sự kiện văn hóa nghệ thuật tiêu biểu của thành phố. Quyết định này cho thấy hiệu quả, uy tín của sự kiện trong những năm qua.
Giai điệu mùa thu được chọn để phát triển thành hoạt động thương hiệu của thành phố - Ảnh: Đông A
Nhưng không dừng lại ở quy mô của một sự kiện “đến hẹn lại lên”, ngay từ năm đầu tiên được tổ chức, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM đã xác định mục tiêu phải xây dựng Giai điệu mùa thu trở thành thương hiệu của thành phố. Từ đây, âm nhạc hàn lâm sẽ được lan tỏa nhiều hơn với người dân ở một đô thị văn minh, giàu bản sắc. Và cũng từ đây, TP.HCM sẽ được biết đến như một điểm hẹn của âm nhạc hàn lâm đặc sắc tại Việt Nam.
“Đêm khai mạc liên hoan Giai điệu mùa thu lần thứ 13, khán giả ngồi kín hết ba tầng lầu. Đó là minh chứng cho thấy sức hấp dẫn của sự kiện. Nhưng nói để nhìn lại, việc xây dựng một thương hiệu, không chỉ dừng ở hiện tượng. Tại sao chúng ta dùng từ “hiện tượng”? Bởi khoảng vài năm trở lại đây, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch đã có những đêm diễn “cháy” vé. Khán giả phải xếp hàng rất dài dọc theo hành lang để mua vé xem các chương trình. Mỗi tháng ba lần vào các ngày 9, 19, 29, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM tổ chức những buổi biểu diễn thường xuyên với các loại giao hưởng, nhạc, vũ, kịch. Các nghệ sĩ trình diễn tác phẩm cổ điển của thế giới, bên cạnh đó là những tác phẩm vượt thời gian hay đương đại, để tiếp cận gần hơn với khán giả”, NSƯT Thanh Thúy chia sẻ. Chị cũng nhận định âm nhạc cổ điển tại TP.HCM đang phát triển với những tín hiệu cho thấy sự khởi sắc rõ rệt.
Với nhạc sĩ Dương Thụ, sau nhiều năm quan sát, ông khẳng định âm nhạc giao hưởng tại TP.HCM tồn tại trong đời sống của giới trí thức. “Sức sống của nhạc giao hưởng ngoài sức tưởng tượng, không như một số người nói rằng nhạc cổ điển kén người nghe. Đương nhiên, âm nhạc hàn lâm không thể đòi hỏi được chào đón nồng nhiệt như âm nhạc thị trường được. Nhưng đời sống của chúng sôi động, chỉ là nhiều người không biết rõ”, nhạc sĩ Dương Thụ cho biết.
Mục tiêu đưa âm nhạc cổ điển trở thành thương hiệu của thành phố đang có những điều kiện thuận lợi nhất định về đối tượng khán giả, năng lực nghệ sĩ, chính sách từ thành phố... Nhưng như NSƯT Thanh Thúy khẳng định, không có mục tiêu nào dễ dàng đạt được nếu thiếu sự chung tay từ nhiều cá nhân, đơn vị.
Điều kiện thuận lợi để xây dựng thương hiệu
Những tháng qua, tại TP.HCM, nhiều đêm nhạc hàn lâm được tổ chức với quy mô khác nhau, thu hút đông đảo khán giả tham dự. Vào một tối cuối tuần tháng Ba, ca sĩ opera Thế Huy tổ chức đêm nhạc mang tên The Recital: Thế Huy, Tenor.
2. Giai điệu mùa thu được trở thành hoạt động thương hiệu của thành phố. Ảnh: Đông A
Tại sự kiện, dù không có được một sân khấu hoành tráng, hệ thống âm thanh, cách âm đúng chuẩn của những nhà hát lớn, nhưng Thế Huy - với câu chuyện và năng lực cá nhân - vẫn chinh phục được khán giả. Thế Huy nói, không chỉ anh, mà nhiều người trẻ khác đam mê âm nhạc hàn lâm vẫn đang tìm cách để đưa âm nhạc bị mặc định là “kén tai” này đến gần hơn với khán giả đại chúng. Từ những đêm diễn nhỏ, những hạt mầm yêu thích nhạc cổ điển sẽ được gieo xuống.
Đêm nhạc Thế Huy tổ chức tương tự hình thức của Salon âm nhạc thính phòng mà nhạc sĩ Dương Thụ đã làm nhiều năm qua. Với ông, âm nhạc không nên vạch ra những giới hạn trong cách tiếp cận, mà nên tìm hình thức phù hợp nhất, hiệu quả nhất để đến với khán giả. Từ nghe mới đi đến các bước tiếp theo của hiểu, biết, thích. Nhạc sĩ Dương Thụ lấy ví dụ về việc kết hợp giữa dân ca Việt Nam và nhạc thính phòng. Điều này là hoàn toàn có thể, chưa kể nếu làm khéo, tiết mục ấn tượng sẽ ra đời.
“Không chỉ làn điệu dân ca, những thể loại âm nhạc khác, hay một số ca khúc nổi tiếng cũng có thể phối theo dàn nhạc giao hưởng. Việc thính phòng hóa các giai điệu quen thuộc của nhạc Việt giúp tạo ra hướng mới cho tác phẩm, dễ tiếp cận khán giả, cũng dễ giới thiệu được văn hóa. Có như vậy, thế giới mới biết âm nhạc Việt Nam có gì", nhạc sĩ Dương Thụ cho biết.
NSƯT Thanh Thúy cho biết trong thời gian tới, có nhiều vấn đề cần sự chung tay của các cá nhân, đơn vị. Trong đó, phía Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch cần làm việc với các đơn vị giáo dục, đơn cử như Nhạc viện TP.HCM, để nâng cao năng lực hiện có, qua đó cung cấp nguồn nhân lực trẻ cho nghệ thuật thành phố. Ngoài ra, các cơ sở giáo dục cũng cần có những giải pháp để đào tạo được thế hệ khán giả có hiểu biết cơ bản, yêu nghệ thuật hàn lâm. Riêng về sự đầu tư cho chất lượng từng đêm diễn, quy mô và kịch bản chương trình nghệ thuật cũng cần được quan tâm. “Ngay thời điểm khán giả yêu thích nhạc hàn lâm ngày càng tăng, chúng ta cần nhanh chóng hơn với các giải pháp căn cơ, quyết liệt để đến gần hơn mục tiêu đưa nhạc giao hưởng trở thành thương hiệu của TP.HCM” - NSƯT Thanh Thúy chia sẻ.
NSND Trần Ngọc Giàu cho biết, Liên hoan Cải lương toàn quốc 2024 có thêm giải thưởng cho tác giả chuyển thể là bước tiến lớn, động viên lực lượng sáng tác.