Âm nhạc cho hy vọng và cứu rỗi

15/04/2020 - 13:05

PNO - Tối Chủ nhật 12/4 vừa qua, một buổi hòa nhạc Phục sinh đặc biệt chưa từng có đã diễn ra tại thánh đường Duomo, trung tâm thành phố Milan, vùng Lombardy nước Ý - nơi đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong các thành phố của châu Âu trước đại dịch COVID-19.

Buổi biểu diễn kéo dài vỏn vẹn 25 phút, được phát trực tiếp qua YouTube với phần thể hiện của nam ca sĩ nổi tiếng người Ý Andrea Bocelli - giọng tenor (nam cao) danh giá nhất hiện nay - đã làm rung động hàng triệu trái tim trên khắp hành tinh. Trong bối cảnh thế giới đã có hơn 100.000 người thiệt mạng vì đại dịch, gần hai triệu người nhiễm bệnh và con số đó vẫn không ngừng tăng mỗi ngày, thì buổi biểu diễn đặc biệt này đã truyền đi bao nhiêu yêu thương, sự an ủi, và chữa lành trái tim rệu rã của tất cả chúng ta trong thời khắc ảm đạm nhất của lịch sử nhân loại.

Giữa không gian tôn nghiêm bên trong giáo đường Duomo, Andrea Bocelli bắt đầu với Panis angelicus trích từ Messe angelicus của nhà soạn nhạc người Pháp César Franck, một khúc thánh ca tôn vinh đức Chúa như một nghi thức trong thánh lễ.

Ngay sau đó là Ave Maria vô cùng nổi tiếng của Bach và Gounod. Không phải ngẫu nhiên mà nhạc trưởng, nghệ sĩ piano xuất sắc người Đức Hans von Bülow gọi tập “Bình quân luật” cho đàn claver (hình mẫu của đàn piano ngày nay) của Bach là kinh Cựu ước, và các bản sonata của Beethoven là kinh Tân ước của âm nhạc. 

Ave Maria là tác phẩm đầu tiên trong tuyển tập Prelude và Fuga (Khúc dạo đầu và Phức điệu) cho đàn claver được Bach gọi là “Bình quân luật”. Hơn 100 năm sau (1859), vì quá say mê và ngưỡng mộ tinh thần của khúc nhạc này, nhà soạn nhạc người Pháp Charles Gounod đã đặt giai điệu và lời hát, trở thành bản Ave Maria được yêu mến ngày nay. Khúc cầu nguyện Đức mẹ Maria, xin Người giúp lời cầu nguyện cho con người trước giờ phút lâm chung, qua giọng hát vút cao, thoát tục của Andrea Bocelli giữa thánh đường thênh thang, trở thành một thông điệp yêu thương dành cho những người xấu số, làm dịu đi những đớn đau trên những xác thân đang bị vi-rút hành hạ...

Johann Sebastian Bach là nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức, một trong những người có ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử âm nhạc của nhân loại. Hệ thống hàng âm gồm 7 âm cơ bản được chia đều thành 12 phần bằng nhau như hiện tại của âm nhạc phương Tây, được truyền bá, giảng dạy và sáng tác trên toàn cầu ngày nay, bắt nguồn từ tập “Bình quân luật” của Bach. 

Việc điều chỉnh hàng âm của Bach đã mở ra khả năng sáng tạo vô tận cho hòa thanh và biểu diễn nhạc cụ. Về phần phát triển ngôn ngữ âm nhạc, để thuyết phục người đương thời về âm nhạc viết trên hệ thống hàng âm mới, ông đã xây dựng những tư duy âm nhạc mẫu mực đầu tiên, chắt lọc tinh túy để tạo nên hình tượng âm nhạc. Đây chính là cội nguồn cho phát triển âm nhạc đa âm, đa chiều, đa tuyến, dẫn đến bùng nổ sáng tạo những thể loại âm nhạc lớn nhất sau này. Nó ảnh hưởng tới hầu hết các nhà soạn nhạc vĩ đại nhất như Mozart, Beethoven, Brahms, Liszt, Schumann, Wagner, Bruckner, Shostakovich, Villa Lobos... Vì thế, Ave Maria đưa người ta về khởi thủy của âm nhạc, không có lấp lánh của các màu sắc, mà là sự chân thực nhất, nhưng chứa đựng khả năng ước lệ nghệ thuật đáng kinh ngạc. 

Andrea Bocelli sings live at Milan's Duomo Cathedral on Easter ...
 

Sau Ave Maria cũng là một bản thánh ca với ý nghĩa tương tự, nhưng mang tính chất âm nhạc khác, với giai điệu đẹp, giàu xúc cảm, đặc trưng âm nhạc của Ý. Đây là một aria rất nổi tiếng có tên Sancta Maria, trích từ vở nhạc kịch Cavalleria rusticana, một bi kịch tình yêu của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý Pietro Mascagni. Đây cũng chính là loại âm nhạc thế mạnh của Andrea Bocelli, âm nhạc thấm đẫm trong thẩm mỹ của ông. Nhưng qua giọng hát Andrea Bocelli, nó không quá day dứt, bi thương, mà ngân lên với sự thiết tha, chân thành, đầy cảm xúc.

Tác phẩm tiếp theo tràn ngập niềm tin vào Đức Chúa toàn năng - một trích đoạn mang tên Domine Deus của nhà soạn nhạc người Ý vô cùng nổi tiếng Gioachino Rossini.

Người đệm đàn duy nhất cho Andrea Bocelli lúc đó là Emanuele Vianelli, ông sử dụng cây đàn organ của nhà thờ. Đây là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất, cũng là nhạc cụ đầu tiên có khả năng diễn tả những thể loại âm nhạc đa âm, đa chiều một cách hoàn chỉnh nhất, trước khi người ta xây dựng được một dàn nhạc giao hưởng với hàng trăm nhạc cụ khác nhau.

Andrea Bocelli không thể nhìn thấy ánh sáng từ năm ông 12 tuổi. Vì vậy ông cũng không thể nào chứng khiến khung cảnh vắng lặng đến sửng sốt trước Thánh đường Doumo, nơi ông phải dò dẫm để tiến từng bước chậm rãi đến vị trí đặt micro, trong tiếng nhạc dạo của bản Amazing Grace, một tác phẩm rung động lòng người được lấy cảm hứng từ âm điệu dân ca những người dân bản địa Mỹ, lòng trắc ẩn của một tâm hồn được chạm vào ân sủng Chúa, trước những thân phận nô lệ, yếu đuối, lầm than... Có cảm giác âm thanh của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng được thu sẵn ấy, cùng với tiếng hát được cất lên từ thẳm sâu tâm hồn của người nghệ sĩ trứ danh ấy, đã làm đúng sứ mệnh lan tỏa của nó, vượt qua biên giới giáo đường, vượt ra khỏi nước Ý, để đến với hàng tỷ con người trên khắp địa cầu. 

Giữa hoang tàn, âm nhạc trỗi lên. Giữa thành phố chết, niềm tin vào một sự hồi sinh được gieo xuống. Có lẽ, những thanh âm hy vọng chính là thứ tinh khiết nhất từ bên trong mỗi con người. Âm nhạc của sự cứu rỗi, mang lại những le lói của ánh sáng phục sinh giữa những đau thương, tang tóc - tựa hồ một phương thuốc chữa lành biết bao tâm hồn đang rệu rã bởi sức tàn phá kinh hoàng của đại dịch. 

“Đây không phải một buổi hòa nhạc, cũng không là một buổi trình diễn. Mà thực sự là những lời cầu nguyện” -  Andrea Bocelli đã trả lời trên NBC News. Trong cơn khát nguồn năng lượng tích cực đang ngày một cạn kiệt, con người lại càng cần hơn bao giờ hết những phương thuốc chữa lành - dù chỉ bằng niềm tin, không chỉ để nhằm xoa dịu đớn đau cho riêng mình, mà còn để chở che, an ủi, và động viên lẫn nhau… 

 Duy Tân

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI