Âm ngữ trị liệu - “chìa khóa vàng” cho trẻ tự kỷ

25/04/2021 - 09:32

PNO - Những nỗ lực kiên trì ngày qua ngày đã làm đôi mắt cậu bé lấp lánh tia sáng. Tia sáng đó quay sang mẹ, tìm nguồn sáng từ đôi mắt mẹ. Hai đôi mắt gặp nhau và nụ cười nở trên khuôn mặt hai mẹ con. “Lần đầu tiên con nhìn tôi mà cười đó cô ơi”, ngước sang nữ điều dưỡng, người mẹ gần như reo lên.

 

Bé M.K. đang được can thiệp bằng âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM)
Bé M.K. đang được can thiệp bằng âm ngữ trị liệu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM)

M.K. là con thứ ba của chị N.T.T. (30 tuổi, Q.5, TPHCM). Hai con đầu của chị hoàn toàn bình thường. Chỉ M.K. không biết nói dù đã hai tuổi rưỡi. Khám tai mũi họng, bác sĩ nói bình thường. Khám tâm lý, bác sĩ nói bé có nguy cơ tự kỷ cao. Ba tuần trước, chị T. đưa K. vào Phòng Âm ngữ trị liệu, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TPHCM) với ao ước duy nhất: con nói được.

Nhiều năm qua, chị đã chờ mong tiếng gọi “mẹ ơi”. Những điều tưởng chừng bình thường với mọi đứa trẻ khác, K. không có, từ tiếng gọi thân thương đến cái nhìn và nụ cười hồn nhiên. Hai mẹ con được xếp lịch trị liệu ba lần/tuần, mỗi lần kéo dài khoảng một giờ đồng hồ. Làm việc với hai mẹ con là chuyên viên âm ngữ trị liệu Trần Thị Minh Diễm. 

Những người dẫn đường trong tâm trí trẻ tự kỷ

Lần trị liệu này, biết K. thích xe hơi, cô Diễm cho cậu bé thả chiếc xe đồ chơi chạy lên xuống trên những con dốc gỗ nhiều màu sắc. Khi cậu bé thực hiện xong một lượt xe chạy, cậu được khuyến khích bằng những câu ngắn gọn như “Đúng rồi”, “Giỏi lắm”, “Con làm được rồi”… Sau lượt chơi của K. sẽ đến lượt của cô Diễm, lần lượt như vậy cho đến khi K. quen dần với luật chơi. 

Được khen, K. cười sung sướng rồi bất ngờ quay sang mẹ cười thật tươi. Đây là điều lần đầu tiên chị T. được chứng kiến bởi bấy lâu nay, cậu bé thường tránh né những giao tiếp bằng mắt với mẹ. Những thay đổi nhỏ ấy khiến chị T. rất mừng rỡ. 

11 năm trước, trường quyết định đưa mô hình Âm ngữ trị liệu về Việt Nam với mong muốn điều trị cho trẻ mổ hở hàm ếch, trẻ cấy ốc tai có thể nói bình thường.

Sau đó, trường nhận ra âm ngữ trị liệu có thể cải thiện ngôn ngữ, hành vi, khả năng giao tiếp cho trẻ tự kỷ. Từ cuối năm 2017 đến 2020, chương trình Âm ngữ trị liệu đã giúp 75 trẻ tự kỷ hòa nhập cộng đồng, 255 trẻ hiện đang được can thiệp bằng phương pháp này.

 Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Y học TPHCM,
 nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch

Chuyên viên âm ngữ trị liệu Trần Thị Minh Diễm lý giải: “Tập cho K. biết cách chơi lần lượt chính là tập cho em biết cách tương tác với người khác, tạo mối quan hệ xã hội vì trẻ tự kỷ thường sống trong thế giới riêng của các em.

K. đang chơi với cô nhưng quay sang mẹ để cười là dấu hiệu của sự sẻ chia cảm xúc, của những liên hệ xã hội đang dần được hình thành”. 

Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên - chuyên viên âm ngữ trị liệu, Kỹ thuật viên trưởng, Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1 - là một trong 33 người đầu tiên tại Việt Nam hoàn thành khóa đào tạo và được cấp chứng chỉ về âm ngữ trị liệu do Đại học Newcastle - Úc, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và tổ chức Trinh Foundation - Úc tổ chức trong hai năm (2010-2012). Trước đó, ông cũng được Bệnh viện Nhi Đồng 1 cử sang Úc tìm hiểu âm ngữ trị liệu để tập nói cho trẻ sau phẫu thuật sứt môi, hở hàm ếch. 

Cô bé Mio (8 tuổi) bị tự kỷ sau thời gian được can thiệp âm ngữ trị liệu đã viết được tên, làm đươc bài tập nối hình.
Bé Mio (8 tuổi) bị tự kỷ sau thời gian được can thiệp âm ngữ trị liệu đã viết được tên, làm đươc bài tập nối hình.

Thạc sĩ Hoàng Văn Quyên cho biết, âm ngữ trị liệu được nhiều nước trên thế giới công nhận là một trị liệu liên quan đến chẩn đoán, tư vấn và điều trị cho những người đang gặp khó khăn về giao tiếp, ngôn ngữ, lời nói, giọng nói, tật nói lắp, nghe, khó khăn về ăn, rối loạn nuốt… Những đối tượng được trị liệu bằng phương pháp này có trẻ tự kỷ, trẻ bại não, trẻ tăng động giảm chú ý, hội chứng Down, trẻ chậm phát triển toàn bộ…Tuy nhiên, tại Việt Nam, đây là một lĩnh vực rất mới, được xếp trong đơn vị về phục hồi chức năng tại các bệnh viện chuyên khoa nhi. 

Quan điểm hiện nay xem rối loạn phổ tự kỷ Autism Spectrum Disorders (ASD) không phải bệnh mà là một khuyết tật phát triển suốt đời, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp với người khác, khả năng hiểu được thế giới xung quanh mình. Vì không phải là bệnh nên không có thuốc điều trị. Trẻ tự kỷ yếu kém các kỹ năng giao tiếp xã hội; khó khăn trong giao tiếp; các kiểu hành vi hạn chế và lặp đi lặp lại. 

Mỗi trẻ tự kỷ có một liệu trình can thiệp riêng, được đưa ra sau khi có sự tham gia của các nhà chuyên môn (chuyên viên âm ngữ trị liệu, tâm lý gia, bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng, bác sĩ thần kinh học, điều dưỡng vật lý trị liệu, chuyên viên giáo dục đặc biệt…).

Một “phác đồ” hỗ trợ trẻ tự kỷ kéo dài ít nhất sáu tháng. Bắt buộc phải có mặt cha hoặc mẹ trong quá trình can thiệp bởi chính họ sẽ tiếp nhận các phương pháp này để giúp con mình. Mục tiêu của âm ngữ trị liệu là giúp trẻ tạo những kết nối xã hội giản đơn như biết chơi với trẻ khác, biết thể hiện cảm xúc, biết yêu cầu người khác giúp đỡ… xa hơn là giúp trẻ hòa nhập với bạn ở trường mầm non, tiểu học…

Ước vọng về một xã hội giúp trẻ tự kỷ

Sau khi được đào tạo về âm ngữ trị liệu, thạc sĩ Hoàng Văn Quyên và các đồng nghiệp bắt tay xây dựng các phòng âm ngữ trị liệu tại Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Nhi Đồng 1. Đồng thời, ông và những chuyên viên âm ngữ trị liệu đầu tiên tại Việt Nam quyết định cùng hỗ trợ Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch hình thành một hệ thống âm ngữ trị liệu bài bản, quy mô đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. 

Mô hình can thiệp âm ngữ trị liệu tại Trường đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch có ba lớp: can thiệp cho trẻ dưới năm tuổi; can thiệp cho trẻ sau năm tuổi chuẩn bị đi học (lớp tiền học đường); lớp dạy kỹ năng sống dành riêng cho trẻ bị tự kỷ nặng. Việt Nam hiện có 250 chuyên viên âm ngữ trị liệu nhi; 400 chuyên viên âm ngữ trị liệu cho trẻ tự kỷ. 

Phó giáo sư Nguyễn Thị Ly Kha đang hướng dẫn bé K.L. học vần qua bài tập tìm đường đi
Phó giáo sư Nguyễn Thị Ly Kha đang hướng dẫn bé K.L. học vần qua bài tập tìm đường đi

Phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM gặp phó giáo sư Nguyễn Thị Ly Kha - chủ biên sách giáo khoa lớp Một (Chân trời sáng tạo) hiện đang được dùng trong nhiều trường tiểu học tại Việt Nam - tại lớp tiền học đường cho trẻ tự kỷ ở Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Phó giáo sư Ly Kha cùng một nữ điều dưỡng đang hỗ trợ sáu trẻ mắc các khuyết tật như tự kỷ, bại não, chậm phát triển… 

Ở tuổi 61, phó giáo sư Ly Kha vẫn tràn đầy nhiệt huyết với các bé trong lớp tiền học đường. Bà cùng một giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM sáng tạo nên những bức tranh dạy cho trẻ tự kỷ. Thời gian để các em tốt nghiệp lớp học này lên đến vài năm bởi chỉ việc tập cho trẻ tự kỷ có thể tập trung thực hiện một nhiệm vụ nào đó như ngồi vào bàn, đứng lên ngồi xuống hay giới thiệu tên, viết tên… cũng đã mất vài tháng. Nếu tốt nghiệp lớp học này, các em sẽ dễ dàng khi học hòa nhập với các bạn nhỏ bình thường. 

Sự khác biệt của âm ngữ trị liệu so với các phương pháp can thiệp trẻ tự kỷ khác còn ở chỗ dùng môi trường sống hằng ngày để can thiệp cho trẻ như tập cho trẻ ăn uống, ngủ, chơi, học, đi vệ sinh; tập cho trẻ biết đưa ra yêu cầu với cha mẹ, thầy cô, bạn bè…

Kỹ thuật chính yếu trong âm ngữ trị liệu là dạy cho trẻ qua tranh ảnh, qua làm mẫu để trẻ bắt chước do trẻ tự kỷ học qua mắt tốt hơn qua tai. Trong can thiệp bằng âm ngữ trị liệu, cha mẹ được huấn luyện các kỹ năng để có thể trở thành một chuyên gia thực thụ. Ngay cả chơi với trẻ cũng cần kỹ năng: biết con thích gì, chơi để tập cho con biết cách chia sẻ đồ chơi, chia sẻ cảm xúc khi chơi. Bản thân cha mẹ phải là bạn chơi của con, vừa làm mẫu để con chơi, vừa trở thành bình luận viên phát triển ngôn ngữ cho trẻ… 

Những dấu hiệu bất thường về hành vi, ngôn ngữ của trẻ 

- Không cười tươi hay có các cách biểu cảm nồng nhiệt tươi tắn khác ở độ sáu tháng tuổi hoặc lớn hơn. 

- Không trao đổi qua lại về âm thanh, nụ cười hay biểu cảm khuôn mặt với người đối diện ở độ tuổi chín tháng hoặc lớn hơn. 

- Đến 12 tháng tuổi vẫn chưa bập bẹ.

- Đến 16 tháng tuổi vẫn chưa nói được từ.

- Đến 24 tháng tuổi vẫn chưa nói được các cụm hai từ có nghĩa (không phải do bắt chước hay lặp lại).

- Bất kỳ dấu hiệu mất tiếng nói hay mất kỹ năng xã hội ở bất kỳ lứa tuổi nào. 

 

Hiếu Nguyễn

 

 


 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI