Ấm lòng nồi bánh canh nấm mối

01/12/2024 - 21:32

PNO - Nhắc nồi bánh canh nấm mối nghi ngút khói khỏi bếp, mẹ rắc lá ném và ít tiêu xay, vậy thôi cũng đủ làm thơm nức cả nhà.

Nấm mối do bà nhổ
Bà tìm nấm mối để con cháu có món ngon

Khoảng tháng Mười Âm lịch, khi tiết trời ẩm ướt cũng là lúc nấm mối Quảng Trị quê tôi bắt đầu mọc. Đã gần 10 buổi sáng sớm, mọi người, kể cả bà tôi đều tranh thủ đi tìm nấm mối. Dường như năm nay, nấm mối trễ mùa, bà tôi vẫn cứ dạo miết quanh vườn hy vọng sẽ thấy nấm mối. Và "lộc trời ban" đã giúp bà tôi tìm được nấm mối vào ngày mùng Một - ngày ăn chay của gia đình tôi.

Sau những cơn mưa rả rích đầu mùa, tới những trận mưa như trút, nấm mối mọc ra rồi nghịch ngợm “trốn” dưới những tán tre, tán cây rậm rì. Nấm mối tự nhiên có màu trắng, mặt trong mũ nấm màu trắng còn mặt ngoài màu xám, phần gốc hơi ngả vàng. Khi ăn, nấm mối có vị ngọt, tính mát.

Đi kiếm nấm mối là một niềm vui đặc biệt của bà tôi. Ngay sáng thức dậy, bà lo đi cắt nhón chè, nấu ấm nước để pha nước chè cho cả gia đình. Xong đâu đấy, bà cắp cái rá nhỏ và bắt đầu công cuộc đi tìm nấm.

Nấm mối được mẹ tôi làm sạch
Nấm mối được mẹ tôi làm sạch

Thông thường những ổ nấm hình thành vào mùa mưa năm trước, đến năm sau chắc chắn nấm sẽ mọc lại chỗ cũ, không nhiều thì ít. Người có kinh nghiệm như bà tôi luôn tìm lại vị trí năm trước có nấm. Sau hơn 10 ngày tìm không có nấm, bà nói như "dỗi": "Thôi. Chả cần nấm niếc gì nữa hết. Ăn có tí nấm không béo bở gì mà mệt người quá".

Nói thì nói vậy, chứ sáng sớm bà lại nhanh chân rảo qua các vị trí quen thuộc, vẫn câu nói cũ của những ngày trước: "Không có, nấm chưa mọc".

Thật ra nếu “hạp” nấm thì không để ý nó cũng sẽ hiện ra trước mắt, còn không “hạp” thì kiếm cả ngày chỉ mất công.

May sao sáng mùng Một, bà tôi nhổ được một rá nhựa đầy, thế là sau khi ăn sáng xong, bà huy động cả ông và ba tôi đi tìm nấm. Mẹ tôi được phân công gọt nấm. Bà còn dặn mẹ tôi: "Điện thoại cho con dâu mua bột mì nhé. Trưa nay nhà chúng ta ăn bánh canh nấm mối chay". Nói xong bà cắp rá đi tìm nấm.

Nấm mối nấu món gì cũng ngon từ nấu cháo, đổ bánh xèo, nấu canh, xào với thịt, kho với nước dừa...

Nấm mối được mẹ chọn nấu bánh canh như lời bà căn dặn. Mẹ cạo gọt chân nấm cho bớt đất, ngâm nấm vào nước muối 5-10 phút. Sau đó mẹ kỳ cọ nhẹ nhàng từng tai và thân nấm, rồi nhẹ nhàng rũ nước. Thay vài lượt nước, mẹ rửa đến khi nấm sạch hẳn, vớt ra để ráo rồi xé cây nấm ra làm ba, làm tư để dễ ăn. Một phần, mẹ để nấu ăn, còn một phần mẹ cất trong tủ lạnh ăn dần.

Phần ăn trưa nay, mẹ vắt nấm thật ráo nước mới cho vào rá. Mẹ bắt đầu trổ tài nấu bánh canh nấm mối. Mẹ nhanh tay bắc chảo lên bếp, cho vào ít dầu ăn để phi thơm hành và nấm mối.

Tô bánh canh nấm mối chay
Tô bánh canh nấm mối chay

Sau khi xào chín nấm mối, mẹ bắc nồi lên bếp và xào cà chua để nó lên màu, rồi đổ nước vào. Khi nước sôi thì cho bánh canh, đậu khuôn và nấm mối vào rồi nêm nếm gia vị cho vừa miệng. Nhắc nồi bánh canh nghi ngút khói xuống bếp, mẹ rắc lá ném và ít tiêu xay, vậy thôi cũng đủ làm thơm nức cả nhà. Vậy là đã có một món ăn trưa cho cả nhà.

Ở quê tôi, nấm mối khó kiếm hơn nấm tràm nên giá của nó cũng cao hơn, thường là 200 đến 400 ngàn đồng/kg.

Nấm mối là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, ăn ngon như thịt gà (có lẽ là hơn) nên cứ mỗi năm lại ngóng chờ nấm mối yêu thương của bà.

Vân Trình

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI