Nỗi niềm nơi đất khách
Năm ngoái, chị Nguyễn Thị Vân - thủ kho một công ty xây dựng ở quận 12 - đón tết ở TPHCM, năm nay cũng vậy. Tròn 3 năm rồi, chị không ăn tết ở quê nhà Đắk Lắk. Từ khi dịch COVID-19 bùng phát, chồng chị nghỉ làm thủ kho, ra ngoài chạy xe ôm công nghệ. Họ gửi 3 con (4 đến 15 tuổi) về quê để ông bà nội chăm sóc. Tết này, các con chị sẽ ngược về TPHCM cùng ăn tết với vợ chồng chị.
Tranh thủ mấy ngày cận tết, chị Vân nhận dọn dẹp nhà cửa theo giờ để kiếm thêm thu nhập: “Nếu tiền nong dư dả thì về quê vẫn vui hơn. Nhưng con cái đang cần mình chu cấp đầy đủ chi phí để học hành nên mình phải đi làm thật nhiều”.
|
Mẹ con chị Đào Thị Kim Thơm tham dự chương trình “Tết sum vầy” do các đoàn thể của quận Gò Vấp phối hợp tổ chức |
Năm nay, y sĩ Nguyễn Thị Thùy Dung có 7 năm gắn bó với công tác y tế cộng đồng ở Trạm Y tế phường Phước Bình, TP Thủ Đức. Ngoài lý do xa xôi, tiền nong eo hẹp, các nhiệm vụ ở cơ quan khiến Dung nhiều lần lỡ hẹn ăn tết với bạn bè ở tỉnh Quảng Bình, năm nay cũng không ngoại lệ. Cũng đã 2 mùa xuân rồi, Dung một mình nuôi con sau khi chồng mất do tai biến. Tết này, chỉ chú nhóc Jerry 6 tuổi được về với ông bà ở quê.
Chị Dung tâm sự: “Ngày thường, cứ tan học là tôi đón cháu, chở vào cơ quan, chờ hết ca rồi mẹ con cùng về. Kỳ này không có nó, chắc là mình cô đơn lắm”. Nhớ chồng, chị ngậm ngùi: “Ngày xưa, có ông xã thì đón tết ở đâu cũng hạnh phúc. Tầm 29 tháng Chạp, vợ chồng cùng về quê gói bánh chưng, bánh tét với bà con họ hàng, làm mứt gừng với mẹ, dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, mua trái cây. Giờ ở lại đây, thấy mọi người sum họp, tôi chỉ thầm mong gia đình mình ai cũng khỏe mạnh, mọi người đừng nhớ mình quá. Hạnh phúc của tôi là con ngoan, học giỏi”.
Nhấp ly bia tất niên trong khí trời TPHCM mát mẻ, họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Giám đốc mỹ thuật Công ty Văn hóa Văn Lang - nhớ những mùa gió lạnh Hà Nội bên mẹ: “Cận tết, mẹ thường chở 2 anh em tôi về nhà ngoại bằng xe đạp. Bố tôi phải lấy thêm một miếng gỗ nối vào yên sau để cho đủ chỗ ngồi, không quên buộc thêm chiếc làn trong đó có gạo nếp và con gà trống. Mẹ chở anh em tôi qua nhiều đoạn đường gồ ghề sỏi đá, cứ lên dốc thì mẹ đẩy bộ, xuống dốc thì mẹ lại lên yên để xe tự chạy, đỡ phải đạp. Đi mãi rồi cũng thấy ánh đèn đường của thị xã quê ngoại”.
Hiếm khi cha con anh Hùng ăn tết ở TPHCM như năm nay. Con gái 7 tuổi của anh chỉ mong bố luôn ở bên cạnh con, bố có sức khỏe để làm việc nuôi con khôn lớn và ngày nào bố cũng vui. Tết này, họa sĩ Nguyễn Mạnh Hùng sẽ đón giao thừa ở TPHCM trong ước nguyện đó của con gái.
Ấm lòng "phố cũng như quê"
Quê ở tỉnh Long An nhưng đã nhiều năm rồi, bà Nguyễn Thị Huệ Hường không trở về quê do có những “lấn cấn gia đình”. Bà chọn TPHCM làm quê hương thứ hai, thuê phòng trọ ở phường 6, quận Gò Vấp và đi làm tạp vụ. Bà nói: “Ở riết rồi thành phố cũng như quê, tết cũng rộn ràng, vui lắm. Mấy hôm nay, các con hẻm ở khu nhà trọ được trang trí cờ, hoa đẹp lắm”.
Mỗi cái tết ở TPHCM, bà đều được chính quyền, đoàn thể các cấp tặng quà, tiền mặt: “Tôi rất trân trọng tình cảm mà các tổ chức của thành phố này dành cho mình, nên hễ ban điều hành khu phố, chi hội phụ nữ, chi hội chữ thập đỏ phát động gì, tôi cũng tham gia. Chủ nhật này, tôi sẽ ra trụ sở ban điều hành khu phố phụ nấu thịt kho hột vịt để tặng cho người nghèo. Nếu mình hòa đồng với mọi người thì tết ở đâu cũng đều vui”.
Có mặt trong một bữa cơm dành cho những người lao động xa quê tối 14/1 do Liên đoàn Lao động, Hội LHPN, Đoàn Thanh niên quận Gò Vấp phối hợp tổ chức, anh Nguyễn Thương vừa ôm bé trai 3 tuổi, vừa chỉ lên sân khấu, giải thích rằng anh đang giữ giùm đứa bé để mẹ bé lên nhận quà xuân.
|
3 năm nay, cô thủ kho Nguyễn Thị Vân ở lại TPHCM đón tết |
Vợ chồng anh Thương quê ở tỉnh Quảng Ngãi, đang sống trọ ở phường 13, quận Gò Vấp, làm nghề bếp và tạp vụ, lương ổn định nhưng chỉ đủ chi tiêu cho gia đình 4 người, gồm vợ chồng và 2 đứa con. 4 năm qua, gia đình anh Thương đều đón tết ở TPHCM. Anh chia sẻ: “Tết ở Sài Gòn vui lắm, phố phường đều được trang hoàng đẹp đẽ. Mình cũng chở con đi chơi đây đó nhưng thời gian chính vẫn là nghỉ ngơi ở nhà trọ”.
Ở trong căn phòng trọ nhỏ, ngày 30 tết năm nào, anh Thương cũng làm mâm cơm cúng tổ tiên, ông bà. Sáng nay (23 tháng Chạp), vợ chồng anh cũng đi chợ sớm, mua đồ về cúng đưa ông Táo rồi mới đi làm. Buổi tối, họ tham gia buổi họp mặt mừng xuân dành cho người lao động không có điều kiện về quê đón tết. “Gặp những người cùng cảnh ngộ nên chúng tôi dễ làm thân, chuyện trò vui lắm” - anh nói thêm.
Từ sân khấu, chị Đào Thị Kim Thơm - mẹ của bé trai mà anh Thương đang giữ giúp - bước xuống với 2 túi quà to: “Cây quà to này để dành chưng trong phòng cho đẹp, còn bánh, gạo, đường thì để ăn dần trong mấy ngày tết”.
Chị Thơm quê ở tỉnh Khánh Hòa, thuê phòng trọ ở phường 6, quận Gò Vấp. Gần 5 năm qua, chị không thể về quê đón tết cùng gia đình do chi phí đi lại tốn kém, chị lại có 2 con nhỏ (hiện 3 tuổi và 3 tháng). Chồng chị quê ở tỉnh Quảng Ngãi, phụ sửa xe máy ở TPHCM, là nguồn thu nhập chính của gia đình chị. Chị Thơm dự đoán: “Tết năm nay sẽ vui hơn mọi năm vì có nhiều người trong khu trọ của tôi cũng không về quê”.
Thiên Ân - Quốc Ngọc
Với phương châm “Tất cả mọi đoàn viên, người lao động đều có tết”, Liên đoàn Lao động TPHCM đã phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp tổ chức chương trình “Gia đình công nhân vui tết cùng thành phố” lần thứ hai. Theo đó, 5.000 gia đình công nhân không có điều kiện về quê đón tết sẽ được tham quan, trải nghiệm 32 trò chơi, ăn uống miễn phí trong công viên văn hóa Đầm Sen trước, trong và sau tết Quý Mão (từ ngày 12/1 đến 19/2). Ông Phạm Chí Tâm - Phó chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM - cho biết, ngoài chương trình này, trong dịp tết Quý Mão, các cấp công đoàn của TPHCM còn tổ chức chương trình “Tết sum vầy - Xuân tri ân” cho 10.000 gia đình đoàn viên; tổ chức và vận động các doanh nghiệp hỗ trợ vé tàu, xe cho 30.000-35.000 công nhân về quê dịp tết; tổ chức các phiên chợ công nhân… với tổng kinh phí khoảng 140 tỉ đồng. Thu Lê |