Ẵm bà đi xem đại lễ

30/04/2025 - 08:30

PNO - Dìu đỡ, có đoạn phải ẵm, bế thốc bà len vào dòng người, anh Hoài Nhân vẫn phấn chấn khi tâm nguyện đưa ngoại đi xem đại lễ đã được thực hiện.

Hình ảnh anh cảnh sát cơ động ẵm gọn bà lão U80 mặc áo bà ba, quấn khăn rằn đặt lên xe máy cho người nhà chở về đã lay động lòng nhiều khách tham quan đại lễ 30/4. Người hỏi han, người sửa giúp bà cái nón, người lấy nước mời bà uống cho dịu cái nắng cuối xuân vàng ươm trên đầu.

Dù bị tai biến hơn 2 năm nay, đi yếu và không nói chuyện, nữ cựu chiến binh Đinh Thị Thu (quận 4, TPHCM) vẫn được con cháu xốc ra đường, hòa cùng không khí chào mừng đại lễ 30/4. Hành trình tuy chỉ có vài km nhưng đã kết hợp nhiều phương tiện: khi xe lăn, khi taxi và đi xe máy để bà cảm nhận rõ nhất từng con đường, góc phố rực rỡ cờ hoa. Anh Lê Hoài Nhân, cháu ngoại bà cột thêm đai để bà ngồi vững vàng, an toàn sau yên xe.

Nhờ chiếc xe lăn, bà cháu bắt đầu hành trình từ hẻm sâu - Ảnh: DH
Nhờ chiếc xe lăn, bà cháu bắt đầu hành trình từ hẻm sâu - Ảnh: DH

Tuy ánh mắt không được lanh lợi vì tác dụng phụ của thuốc nhưng những hình ảnh máy bay biểu diễn trên bầu trời hay hàng pháo ở bến Bạch Đằng vẫn làm cuộn lên trong lòng bà những ký ức hào hùng thời tham gia kháng chiến. Ánh mắt bà dừng lại lâu ở những chiếc nón tai bèo, những áo bà ba đen du kích, những khẩu pháo. Đôi môi mấp máy, chợt bật ra những âm thanh nho nhỏ.

Dìu đỡ, có đoạn phải ẵm, bế thốc bà len vào dòng người, anh Hoài Nhân vẫn vui vẻ, phấn chấn khi tâm nguyện xốc ngoại đi đã được thực hiện. Âu yếm lau mồ hôi trên trán bà, anh tươi cười hỏi: “Xem lễ vui không ngoại? Nhớ thời chiến đấu không ngoại? Ngoại cười đi ngoại. Cười cái coi, ngoại! 50 năm mới có một ngày ngoại ơi! Ráng chịu nắng nôi, đông đúc chút nghen!”.

Các con cháu đưa bà đi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của TPHCM những ngày rực rỡ cờ hoa - Ảnh: DH
Dù khó nhọc, các con cháu vẫn đưa bà đi chiêm ngưỡng vẻ đẹp của TPHCM những ngày rực rỡ cờ hoa - Ảnh: DH

Bà không nói được nhưng nghe được và hiểu tương đối. Các con cháu vẫn sưu tầm những clip hay, có hình ảnh đẹp từ sự kiện chào mừng đại lễ cho bà xem. Ánh mắt bà thể hiện vẻ thích thú và khâm phục những màn trình diễn ấn tượng, được tập luyện công phu.

Đợt chào mừng này, hễ đọc báo, thấy những bài viết lịch sử hay hoặc khai thác những gương đồng chí đồng đội của ông bà, con cháu đều đọc cho bà nghe. Nghe đến những địa danh thân quen từng ngủ bụi nằm hầm thời kháng chiến, bà lộ vẻ vui mừng như gặp lại người quen và dòng nước mắt lại chực trào. Để tránh cho bà xúc động, anh Hoài Nhân chọc: “Con nhớ ngoại kể, hồi 30/4/1975, ngoại đang đóng quân ở Tiền Giang. Nghe tin quân ta toàn thắng, ngoại ẵm mẹ con chạy ra đường mừng chiến thắng. Lúc đó con ở đâu, sao ngoại không chịu ẵm con theo luôn?”.

Bà hơi mỉm cười, vẫn lặng im, anh Hoài Nhân tiếp tục độc thoại. Anh kể cho bà nghe nào là tình thế cách mạng đầu năm 1975, tên người chỉ huy chiến dịch, ý nghĩa lịch sử của sự kiện trọng đại này. Những điều đó ngày xưa bà kể cho anh nghe, giờ anh kể ngược lại cho bà nghe. Cũng như bà từng ẵm con, cháu rồi giờ đây, con cháu lại ẵm bà đi xem đại lễ. Dừng lại ở những dấu ấn lịch sử, anh hỏi bà có nhớ không, bà nhè nhẹ gật đầu trong thinh lặng nhưng ánh mắt dội lên những tia nắng ấm.

Cảnh sát cơ động giúp ẵm bà lên xe - Ảnh: DH
Cảnh sát cơ động giúp ẵm bà lên xe - Ảnh: DH

Chị Nguyễn Thị Yến Quyên, con gái bà đỏ mắt chia sẻ: “Ba mẹ tôi đã dành trọn cuộc đời cho cách mạng, nên ngày vui này, đâu thể đứng ngoài. Ba tôi đã qua đời, giờ chỉ còn mẹ, chúng tôi đưa mẹ đi xem đại lễ, xem luôn phần cho ba. Mong niềm hạnh phúc, tự hào hôm nay sẽ cho mẹ tôi thêm sức mạnh để sống vui, sống khỏe cùng con cháu”.

Tô Diệu Hiền

 
TIN MỚI