Lo cho con, ổn định tâm lý cho mẹ
Ngày Chủ nhật cuối tuần, trong ngày hội trẻ em do các đoàn thể Q.10 (TP.HCM) phối hợp tổ chức, bé Q.N. hớn hở chạy chơi khắp sân Trường THCS Nguyễn Văn Tố. Chị Hồng - mẹ bé - nhìn con mỉm cười nói: “Gần một năm qua, kể từ ngày ba mất vì COVID-19, hôm nay con mới có một ngày vui”.
Lúc còn sống, anh là lao động chính, còn chị Hồng ở nhà làm nội trợ, đưa đón con đi học, chăm con và mẹ chồng đã 80 tuổi bị bệnh tiểu đường. Tháng 8/2021, chồng đột ngột qua đời, cuộc sống hai mẹ con chị bị đảo lộn. Con gái mới chín tuổi có thể sớm nguôi ngoai nỗi nhớ cha, nhưng với chị Hồng, mỗi khi nhắc đến chồng, chị không khỏi cảm thấy chạnh lòng.
|
Bé Q.N. luôn quấn quýt bên má Hoa, chị cũng xem bé như con gái |
Thấy chị Lâm Quỳnh Hoa, bé Q.N. gọi “má Hoa” rồi chạy đến ôm chầm. Chị Hồng nói: “Cô Hoa là mẹ đỡ đầu của bé. Cô thương con tôi như con mình, kết nối nhiều tấm lòng, chính quyền địa phương chăm lo cả về vật chất, tinh thần cho hai mẹ con”. Chị Hoa ôm con gái vào lòng, nhẹ nhàng hỏi: “Sáng giờ con chơi có vui không? Con nhận quà chưa?”. Rồi chị nói với chúng tôi: “Q.N. là một cô bé hoạt bát, dễ gần”. Tôi cảm nhận được lời nhận xét của chị Hoa ngay lần đầu gặp bé. Chỉ trong chốc lát trò chuyện, bé tỏ ra thân thiện. Ngồi vào lòng tôi, bé khoe: “Con và mẹ sẽ đi Đà Lạt chơi. Con đi cùng với nhà dì con”.
Chị Hoa luôn đồng hành cùng mẹ con bé Q.N., giúp đỡ vật chất cũng như tư vấn tâm lý, giúp chị Hồng sắp xếp lại cuộc sống. Chị nói: “Tôi nhận làm mẹ đỡ đầu cho bé Q.N., nhưng điều làm tôi trăn trở nhất là làm cách nào để chữa lành vết thương tâm lý cho chị Hồng, giúp chị sắp xếp và ổn định lại cuộc sống”.
Gần một năm từ ngày chồng mất, chị Hồng và con gái trang trải cuộc sống nhờ tiền tiết kiệm, sự giúp đỡ của chị Hoa và các đơn vị tài trợ. Sau thời gian dài giúp hai mẹ con ổn định tâm lý, cuộc sống, chị Hoa đang tìm kiếm một công việc phù hợp cho chị Hồng. Chị Hồng mong muốn có một công việc thời vụ để có thể vừa đi làm vừa chăm sóc con.
|
Hội LHPN Q.10 ra mắt câu lạc bộ “Mẹ đỡ đầu - chắp cánh ước mơ” |
Vun vén cho năm đứa con đỡ đầu
Ngoài bé Q.N., chị Hoa nhận đỡ đầu thêm bốn đứa trẻ mồ côi cha, mẹ do COVID-19. Trong năm trẻ, đứa lớn nhất đang học lớp 12, đứa nhỏ nhất học lớp Ba. Là mẹ của hai đứa con 13, 14 tuổi nên khi nhìn những đứa trẻ mất đi tình yêu của cha mẹ, chị không đành lòng. Chị dang tay đón nhận, đỡ đầu mấy đứa trẻ để các con có thêm tình thương, kết nối nhiều tấm lòng cùng chăm lo cho các con được học tập, phát triển toàn diện.
Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN Q.3 ra mắt câu lạc bộ “Mẹ đỡ đầu - Kết nối và sẻ chia”, nhận đỡ đầu 50 trẻ em mồ côi do dịch COVID-19 trên địa bàn. Hội LHPN Q.10 ra mắt câu lạc bộ “Mẹ đỡ đầu - Chắp cánh ước mơ” với 27 thành viên. Tại Q.Tân Phú, có 33 cán bộ Hội LHPN quận, phường và Hội Phụ nữ Công an quận đăng ký chương trình “Mẹ đỡ đầu”. Các mẹ đỡ đầu sẽ chủ động phối hợp cùng nhau chăm sóc, vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho trẻ, kết nối hỗ trợ tư vấn tâm lý, pháp lý, chăm sóc sức khỏe và cam kết lâu dài với tinh thần tự nguyện đến khi trẻ trưởng thành. Thực hiện hai chương trình “Mẹ đỡ đầu” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và chương trình “Vòng tay yêu thương” do Hội LHPN TPHCM phát động, từ đầu năm đến nay, các cấp Hội tại TPHCM đã thực hiện ký kết, phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân đồng hành hỗ trợ 924 trẻ mồ côi do dịch COVID-19 đến năm 18 tuổi, trao tặng hơn 5.000 phần quà, 40 phương tiện học tập, 16 xe đạp, 171 sổ tiết kiệm... với tổng kinh phí hơn 28 tỷ đồng. |
Tất cả các con đều ở cùng tổ dân phố 30 nơi chị làm tổ trưởng và chi hội phó phụ nữ (khu phố 5, P.14, Q.10) nên chị biết rõ từng hoản cảnh. Thời điểm dịch bệnh, chị Hoa tham gia tổ phòng, chống dịch cộng đồng, kết nối các nhà hảo tâm, phân phát lương thực thực phẩm đến từng nhà. Khi các gia đình có người mắc bệnh, chị Hoa lo đưa họ đi lấy mẫu xét nghiệm, theo dõi, kiểm tra rồi chứng kiến cảnh từng gia đình mất đi người thân.
Nói về hoàn cảnh năm đứa trẻ mồ côi, chị cho biết, các con đều rất ngoan nhưng vấn đề tâm lý thì vẫn cần thời gian. Như trường hợp bé Q.N., tuy vui vẻ, hoạt bát nhưng khi nghe nói mẹ sẽ đi làm thì con quay lại quấn quýt vì cảm thấy bất an. Hay như trường hợp của hai anh em D.L. và T.L., từ sau khi cha mất, em gái T.L. trở nên trầm tính, ít nói và không chịu giao tiếp với ai. Anh trai D.L. đã trưởng thành, đi làm thêm để phụ mẹ gánh nặng kinh tế. Tuy nhiên, chị H. - mẹ của hai cháu lại không được xốc vác, chị Hoa phải từng bước hướng dẫn cách quản lý chi tiêu...
Đặc điểm chung ở gia đình các cháu là những người mất đi đều là trụ cột chính. Người còn lại chủ yếu là nội trợ, không có việc làm… “Ở tuổi các chị có thể nói không còn quá trẻ để đi làm và cũng chưa đủ già để nghỉ ngơi. Khi chồng mất, các chị rơi vào khủng hoảng, lo sợ, co cụm lại… khiến cuộc sống càng thêm rối bời” - chị Hoa nhận định.
Trong thời gian qua, chị Hoa đã kết nối các đơn vị chăm lo cho các con từ tiền học phí, sinh hoạt, học bổng, phương tiện học tập. Hướng dài lâu, chị cho biết: “Ngoài vật chất để đảm bảo chăm lo cho các con, tôi cùng với chính quyền địa phương sẽ tìm cách giúp các chị việc làm, phương tiện sinh kế để ổn định cuộc sống, tự chủ với cuộc sống của gia đình mình”.
Song An