edf40wrjww2tblPage:Content
Nhà thơ - họa sĩ Lê Thị Kim (thứ 3, từ phải sang) và một số thành viên của đại gia đình
* PV: Hàng năm, gia đình chị đón Tết như thế nào?
DV Trịnh Kim Chi: Theo nếp, không chỉ các gia đình nhỏ của bốn chị em tôi đón Tết riêng lẻ, mà phải tổ chức được cái Tết đoàn tụ, quây quần cho cả đại gia đình tại nhà mẹ tôi.
Ngày Tết, không thể thiếu cây mai. Từ 12 năm nay gia đình tôi đã gửi cho nhà vườn "nuôi" một cây mai, khoảng 25-26 Tết thì “đón” mai về nhà. Điều thứ hai không thể thiếu là gói bánh chưng. Năm nào cũng vậy, đại gia đình tôi và bạn bè, hàng xóm, đôi khi còn có cả fan của tôi tụ họp lại gói bánh. Sáng 26 Tết chúng tôi bắt đầu gói, tầm 15g thì nấu bánh và cả đêm hôm đó, trên 30 người quây quần canh lửa cho nồi bánh chưng. Không khí và hương vị ấm cúng của Tết đã bắt đầu ngay từ lúc đó. Sáng 27 Tết vớt bánh, ép bánh, sau đó phân chia cho các nhà…
Sau khi đón giao thừa tại nhà riêng của mỗi người, các gia đình nhỏ tụ họp tại nhà mẹ tôi. Mọi người mừng tuổi, chúc Tết, lì xì cho nhau. Tôi thường đi chùa vào sáng mùng Một Tết, sau đó qua thăm nhà nội, nhà ngoại. Ngày mùng 2 Tết thăm viếng bà con… mùng Chín Tết gặp mặt bạn bè. Lịch diễn của tôi cũng phủ kín những đêm Tết.
NT-HS Lê Thị Kim: Chín anh chị em chúng tôi đều đã có gia đình riêng. Suốt hơn 50 năm nay, từ thời bà nội tôi còn tại thế, đại gia đình tôi năm nào cũng đón Tết theo truyền thống dân tộc. Mấy năm gần đây, tuy ba mẹ tôi đã qua đời nhưng chín anh chị em chúng tôi vẫn quây quần tại nhà ba mẹ vào những ngày Tết. Chúng tôi vừa chuẩn bị Tết cho gia đình riêng, vừa chung tay chuẩn bị Tết cho đại gia đình do anh Hai tôi chủ trì.
Thông thường, năm nào chúng tôi cũng tụ họp gói bánh chưng - những chiếc bánh nặng 2kg. “Tay nghề” gói bánh của tôi từng được bà nội tôi khen. Khoảng hai năm nay, do mọi người quá bận nên không gói bánh mà mua ở một cửa hàng quen. Anh chị em tôi cúng ông Táo, cúng ông bà, cúng giao thừa không chỉ ở nhà riêng của mỗi người, mà còn ở nhà ba mẹ với đông đủ thành viên.
Tôi thường đi chùa xin lộc vào tối 30 Tết để kịp về nhà trước giờ đón giao thừa. Tôi cũng chọn người xông đất (hoặc là chính tôi) cho nhà mình để cầu may mắn, an lành cho cả nhà. Từ 30 đến mùng Bốn Tết, mỗi ngày anh chị em chúng tôi đều tụ về nhà ba mẹ để họp mặt cúng ông bà; lì xì và chúc Tết nhau.
Diễn viên Trịnh Kim Chi đang gói bánh chưng
* Việc tổ chức đón Tết theo truyền thống có ý nghĩa như thế nào với chị?
DV Trịnh Kim Chi: Những ngày cận Tết và trong Tết tôi vừa phải tham gia phim Những ngọn nến lung linh, vừa đảm bảo lịch diễn ở sân khấu kịch Phú Nhuận, vừa lo tổ chức tiết mục cho sân khấu KC của mình nên rất bận rộn, nhưng tôi vẫn muốn có cái Tết đầm ấm, trọn vẹn và ý nghĩa theo truyền thống dân tộc. Đó cũng là cách tôi dạy con cháu mình ý thức và biết trân trọng giá trị, nét đẹp của Tết truyền thống Việt Nam. Tôi nghĩ, phải có nếp nhà, mọi thành viên trong gia đình phải thật sự có tình cảm yêu thương gắn bó thì mới có thể cùng nhau tổ chức được một cái Tết đoàn viên đúng nghĩa.
NT-HS Lê Thị Kim: Giữ gìn cái đẹp và ý nghĩa thiêng liêng của ngày Tết, để gắn kết tình thân trong đại gia đình là điều chúng tôi quan tâm. Một cái Tết sum vầy, đầm ấm theo truyền thống dân tộc sẽ hóa giải mọi lo âu, phiền muộn, mắc mứu của năm cũ, để mọi thành viên trong đại gia đình yêu thương, gắn kết với nhau nhiều hơn; để khởi đầu một năm mới tốt đẹp và tràn đầy hy vọng.
* Đón Tết theo truyền thống có đi ngược lại nhịp sống hiện đại?
DV Trịnh Kim Chi: Không hề có chuyện đó. Đón Tết theo truyền thống là một nét đẹp ý nhị cần có giữa nhịp sống hối hả của xã hội hiện đại.
NT-HS Lê Thị Kim: Không có gì mâu thuẫn. Bên cạnh không khí đón Tết đầm ấm của gia đình, mùng Hai Tết là ngày tôi họp mặt cơ quan, đồng nghiệp chúc Tết nhau. Nếu có kế hoạch du lịch thì phải sau ngày mùng Bốn Tết. Tôi dự định mùng Tám Tết năm nay sẽ tổ chức họp mặt các nhà thơ trẻ và bạn hữu trong giới văn nghệ tại nhà mình. Tất nhiên tôi cũng sẽ đi chợ hoa, đi ngắm đường hoa, tham dự những lễ hội ngày Tết…
* Hình như chị Lê Thị Kim đã sớm nhận được lời chúc Tết đặc biệt từ con trai mình?
NT-HS Lê Thị Kim: Ngày Tết, tôi và hai con trai vẫn có lệ trao cho nhau những mảnh giấy ghi những lời chúc Tết và những mong ước của bản thân đối với người thân yêu. Hôm nay, tôi đã nhận được lời chúc Tết và mong ước của con trai út Trọng Hiếu (20 tuổi). Tôi rất vui và xúc động, con đã trưởng thành, là một chàng trai chân thành và sâu sắc.
Tôi mong ước trong năm 2014 sẽ tổ chức được một cuộc triển lãm tranh chung cho hai mẹ con, bởi Trọng Hiếu có năng khiếu hội họa, cháu vẽ nhiều và vừa qua mới được kết nạp vào Câu lạc bộ Mekong Art.
Nguyễn Diễm (thực hiện)