Ám ảnh ngáo đá

13/04/2019 - 06:00

PNO - Ma túy đá kích thích sự hung hăng, liều lĩnh và nguy hiểm nhất là gây ra ảo giác (ngáo đá)... khiến người sử dụng cảm giác xung quanh mình toàn dị nhân, ác quỷ... dù đó là người thân và họ sẽ tấn công, giết hại mình.

Những vụ mua bán ma túy với số lượng lớn được phát hiện, thông tin về những thanh niên ngáo đá với những hành vi bất thường liên tục xảy ra trong cộng đồng, tất cả làm dấy lên những lo ngại và cả cảm giác bất an. Ma túy đá đang len lỏi vào từng khu dân cư, từng gia đình…

Am anh ngao da
Những tình huống ngáo đá làm náo loạn xã hội

Ngáo đá nhiều đến… quen mắt

Cô gái M.Y. nổi bật ở khu nội trú nữ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM bởi khuôn mặt ưa nhìn và làn da trắng trẻo. Mới nhìn, Y. giống người đi nuôi bệnh hơn là bệnh nhân, cô không hề quậy phá, la hét, nhưng lạ một điều, hiếm khi thấy Y. có người nhà bên cạnh. 

Đây là lần thứ ba Y. được người thân đưa vào nhập viện do biểu hiện bất thường sau khi sử dụng ma túy đá. Lần này dù bệnh tình đã ổn định, bác sĩ đã cho xuất viện nhưng gia đình vẫn chưa làm thủ tục đưa con về với lý do “cho Y. về, nhà gia đình không thể quản lý được việc Y., tiếp tục sử dụng ma túy đá và bỏ đi lang thang”. 

    Đến tháng 12/2017 cả nước có hơn 222.000 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý (tăng gần 12.000 người so với cùng kỳ năm 2016). Trong đó, hơn 67,5% người đang sinh sống ngoài xã hội; 13,5% người trong cơ sở cai nghiện, 19% người đang trong trại tạm giam, tạm giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng.     Tình hình sử dụng ma túy tổng hợp (ATS) tiếp tục gia tăng ở các địa phương. Ước tính tỷ lệ sử dụng ATS chiếm khoảng 60-70% trên tổng số người nghiện, riêng khu vực miền Trung và miền Nam tỷ lệ sử dụng ATS lên đến 70-85%. 

    (Báo cáo của Bộ Công an tại hội thảo “Tư vấn, điều trị cai nghiện ma túy trong tình hình mới” tổ chức tại Hà Nội tháng 6/2018)

Y. không phải là trường hợp duy nhất phải vào bệnh viện tâm thần điều trị do có biểu hiện loạn thần vì sử dụng ma túy đá, chỉ may mắn rằng, Y. là kẻ ngáo hiền lành, chưa gây ra những hành vi nguy hiểm cho bản thân, gia đình và cộng đồng.  

Từ đầu năm 2019 đến nay, hàng loạt hành vi gây rối do các đối tượng sử dụng ma túy đá gây ra, từ trần truồng chạy nhảy, leo đầu xe lưu thông trên đường tới đu cột điện, đốt tư trang, đồ đạc nhà hàng xóm, ôm xăng cố thủ; ôm con leo lên mái nhà… khiến cộng đồng hoảng loạn.

Báo chí đưa tin: ngày 1/4, một đối tượng vừa ra trại cai nghiện cách đây hai tháng tiếp tục ngáo đá làm náo loạn một nhà nghỉ trên đường Nguyễn An Ninh (TP.Vũng Tàu). Chiều cùng ngày, một người đàn ông ngáo đá cầm dao leo lên mái nhà khu vực chợ Cồn (TP.Đà Nẵng) suốt ba giờ. Trước đó, liên tiếp những vụ việc liên quan đến ma túy đá gây xôn xao dư luận: nghi án thanh niên ngáo đá sát hại bốn người trong gia đình ngày 15/3 tại Hóc Môn và Long An. 

Am anh ngao da
Nam thanh niên (TP.HCM) và cô gái (Hà Nội) không kiểm soát được hành vi nghi do ngáo đá gây xôn xao dư luận

Tháng 2/2019, một đối tượng ở Nghệ An đã siết cổ vợ, rồi rút kiếm tự sát sau khi sử dụng ma túy gây ảo giác. Ngày 22/3, một nam thanh niên ngáo đá tại Bến Tre dùng vật sắc tự cứa cổ. Ngày 14/3, thanh niên ngáo đá gây tai nạn ô tô liên hoàn tại TP.Đà Lạt, khi lực lượng chức năng đến anh ta vẫn ca hát, lắc lư theo nhạc… 

Thực tế tại nhiều bệnh viện tâm thần cho thấy, số người nhập viện điều trị tâm thần do sử dụng ma túy đá đang gia tăng đến mức báo động và có tuổi rất trẻ. Nhiều bệnh viện địa phương hầu như ngày nào cũng phải tiếp nhận bệnh nhân có vấn đề về thần kinh do dùng ma túy đá. 

    Trẻ bất ổn tâm thần tìm tới ma túy
Tại hội thảo “Sức khỏe tâm thần và sử dụng ma túy trong thanh thiếu niên: Thấu hiểu và hỗ trợ” tổ chức tại Hà Nội tháng 10/2018, trong báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNICEF) về tình hình sức khỏe tâm thần của trẻ em, thanh thiếu niên Việt Nam cho thấy: tỷ lệ thanh thiếu niên mắc các rối loạn tâm thần chiếm 12% - tương đương khoảng 3 triệu thanh thiếu niên. Biểu hiện phổ biến là trầm cảm, rối loạn lo âu, sợ cô đơn và tăng động, giảm chú ý. 
    Chỉ khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Một bộ phận thanh thiếu tìm kiếm và sử dụng rượu, thuốc lá, ma túy để “tự chữa”, tự xoa dịu các dấu hiệu của rối loạn tâm thần.

Gặp người ngáo phải làm gì?

Ma túy đá hay còn gọi là hàng đá, chấm đá được tổng hợp từ các loại hóa chất gây ảo giác có khả năng chi phối thần kinh của đối tượng sử dụng. Ma túy đá tác động vào thần kinh trung ương của người sử dụng gây cảm giác hưng phấn, tự tin... nhưng đồng thời cũng kích thích sự hung hăng, liều lĩnh và nguy hiểm nhất là gây ra ảo giác (ngáo đá)... khiến người sử dụng cảm giác xung quanh mình toàn dị nhân, ác quỷ... dù đó là người thân và họ sẽ tấn công, giết hại mình.

Một số người sẽ chạy trốn nhưng cũng có những người có hành vi nguy hiểm như tự sát hoặc điên cuồng tấn công. Các vụ ngáo đá gây hậu quả nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây cho thấy tác hại khôn lường của loại ma túy cực độc này.

Nguy hiểm và độc hại gấp nhiều lần so với ma túy truyền thống, nhưng nhiều người cho rằng ma túy tổng hợp không gây nghiện, mức độ lệ thuộc không cao như heroin, thuốc phiện. Quan niệm sai lầm này là nguyên nhân khiến việc  sử dụng, lạm dụng ma túy tổng hợp ngày càng gia tăng.

Theo thạc sĩ - bác sĩ Đinh Hữu Uân - Giám đốc Phòng khám chuyên khoa tâm thần Bác sĩ Uân, thành viên Hiệp hội Tâm thần Mỹ: “Người ngáo đá thường có hành vi khác thường, “kịch tính” như nhảy lên cây, trèo lên mái nhà, cột điện...  nét mặt, ánh mắt đằng đằng sát khí, gào thét liên tục... Nếu người bệnh có hoang tưởng và ảo giác đi kèm thì rất dễ đe dọa tính mạng bản thân và những người xung quanh. 

Am anh ngao da
Sau khi gây tai nạn liên hoàn tại Đà Lạt, thanh niên vẫn ung dung ngồi trên ô tô lắc lư theo nhạc

“Khi gặp người ngáo đá, đừng cố gắng tiếp cận để lấy dụng cụ sát thương trong tay họ mà phải tránh xa ngoài tầm sát thương (ngoài tầm ném đá hoặc những vật có thể gây thương tích), đồng thời thông báo cho cảnh sát 113 địa điểm và trạng thái người ngáo đá để cảnh sát chuẩn bị dụng cụ giải cứu.

Nếu người thân ngáo đá, thái độ tiếp xúc của người nhà phải bình tĩnh, tránh dùng ngôn từ gây hấn, chỉ trích. Người ngáo đá rất thích nghe những lời nói ngọt ngào và đồng cảm, nên cần sử dụng ngôn ngữ phù hợp với tâm trạng của họ, thậm chí phù hợp với ảo giác của họ để người ngáo coi mình là bạn. Vừa trò chuyện vừa quan sát, tránh xa những dụng cụ có tính chất sát thương và nhanh chóng thoát khỏi nhà. Khi đã thoát, nếu có điều kiện nên khóa cửa, giữ người ngáo trong nhà, tránh gây sát thương cho người khác. Gọi cho cảnh sát 113, đồng thời liên hệ với bệnh viện tâm thần gần nhất để được hỗ trợ.

Trong trường hợp bị người ngáo đá khống chế, tốt nhất hãy làm theo yêu cầu của họ. Người ngáo đá rất dễ mất tập trung và lơ đãng nên vừa làm theo yêu cầu vừa tìm cách thoát khỏi tầm khống chế để thoát ra ngoài” - bác sĩ Hữu Uân hướng dẫn.

Dấu hiệu nhận biết người nghiện ma túy đá

    Nhiều người bắt đầu sử dụng ma túy đá do muốn có khả năng tỉnh táo trong thời gian dài. Do vậy, nếu thấy một người không hề ngủ mà vẫn có vẻ tỉnh táo, phải hết sức lưu ý khả năng người đó sử dụng ma túy đá. Sử dụng ma túy đá lâu dài có thể dẫn đến lệ thuộc, khiến người sử dụng không thể duy trì được các hoạt động hằng ngày.      Chán ăn đến mức giảm cân nhanh chóng là một dấu hiệu thường gặp. Sử dụng ma túy đá theo đường hút sẽ có thể có vết bỏng trên môi hoặc ngón tay do thủy tinh hoặc ống kim loại. Nếu sử dụng đường tiêm chích, sẽ có dấu kim tiêm trên cánh tay. Chảy máu cam có thể là dấu hiệu của sử dụng ma túy đá theo đường hít qua mũi. Rối loạn hoạt động thể chất thần kinh như cực kỳ bồn chồn, có thể kèm nhiều vết trầy xước trên da cũng là các dấu hiệu.     Việc phục hồi nghiện ma túy đá mất một thời gian dài và một số tổn thương não có thể không hồi phục hoàn toàn được. Những cải thiện đáng kể có thể đạt được sau một hoặc hai năm, nhưng để giữ sạch với ma túy đá trong một hoặc hai năm là một cuộc đấu tranh quyết liệt với những cơn thèm nhớ ma túy đá mãnh liệt. Khoảng 45 ngày kể từ sau lần sử dụng ma túy đá cuối cùng, người bệnh rơi vào trạng thái “mất khoái cảm”, mất khả năng cảm nhận bất cứ niềm vui bình thường nào của cuộc sống. Nếu không có sự chuẩn bị tốt, tái nghiện là điều rất dễ xảy ra.

- Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương

Thảo Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI