Ám ảnh, hoảng loạn vì bệnh về da kéo dài

29/09/2023 - 18:20

PNO - Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận 2, 3 trường hợp bệnh nhân bị các vấn đề về da kéo dài, sinh ra hoang tưởng cho rằng bản thân bị ung thư.

Mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận 2, 3 trường hợp bệnh nhân bị các vấn đề về da kéo dài, sinh ra hoang tưởng cho rằng bản thân bị ung thư.

“Tôi bị ung thư mà bác sĩ ơi”

Lời cầu cứu của bà N.T.T. (56 tuổi, ở Sóc Trăng) làm mọi người tò mò nhìn vào phòng khám bệnh tại Bệnh viện Da liễu TPHCM. Bà liên tục nài nỉ bác sĩ cho nhập viện rồi chuyển đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM để... kịp trị ung thư, mặc dù bác sĩ chẩn đoán bà chỉ bị viêm da, nhiễm trùng.

Bác sĩ  chuyên khoa 2  Nguyễn Trúc Quỳnh -  Khoa Lâm sàng 1 Bệnh viện  Da liễu TPHCM  đang khám  và tư vấn  cho bệnh nhân
Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trúc Quỳnh - Khoa Lâm sàng 1 Bệnh viện Da liễu TPHCM đang khám và tư vấn cho bệnh nhân

Đợi tâm trạng bà T. dịu xuống, bác sĩ phân tích do bà làm nông, ngâm người trong nước lâu ngày dẫn đến tình trạng viêm da nặng, vết lở loét cũ, mới chằng chịt. Khi đó, bà T. vẫn làm việc nên bị nhiễm trùng nặng, nhất là da vùng chân, tay. Bệnh chỉ thuyên giảm nếu bà tuân thủ điều trị, ngưng làm việc thời gian dài. 

Tuy nhiên, bà T. không chấp nhận: “Nhiều người làm ruộng, làm nông nhưng chỉ ngứa ngáy vài ngày là khỏi. Tôi biết mình bị ung thư da, bác sĩ thương tôi nên giấu mà thôi”. Nói đoạn, bà lại cho rằng ngoài ung thư da, bản thân cũng bị ung thư gan nên mới ngứa nhiều và sưng người. Bà T. khóc lóc, xin bác sĩ chuyển mình đến Bệnh viện Ung Bướu TPHCM. “Nếu không chuyển tôi đi, bác sĩ hãy dùng thuốc ung thư tốt nhất, dù đắt tiền tôi cũng sẽ trả” - bà T. nói.

Mấy ngày nay, chị T.M.B. (32 tuổi, ở tỉnh Bình Thuận) cứ vào ra Bệnh viện Da liễu TPHCM để xin điều trị... ung thư dạ dày. Khai thác bệnh sử, bác sĩ mới hay trước đó chị B. bị bệnh nấm da, nấm móng đã được điều trị khỏi. Tuy nhiên, do bệnh kéo dài, kèm theo nhiều sang thương gây ngứa ngáy, sẹo xấu nên chị B. bị ám ảnh một thời gian dài. Trong đợt điều trị trước đó, chị B. đã có dấu hiệu rối loạn lo âu, căng thẳng kéo dài, bác sĩ phải vừa điều trị thực thể vừa hỗ trợ tâm lý.

Hơn 7 tháng sau, dù đã hoàn toàn hết bệnh nấm da, chị B. vẫn bị các vấn đề tâm lý. Chị nài nỉ bác sĩ: “Lúc tôi bị nấm móng, khi ăn đã sơ suất không mang bao tay nên vi khuẩn vào dạ dày rồi. Cả tháng nay, tôi cứ thấy nóng dạ dày liên tục, ngứa nữa. Bác sĩ sinh thiết dạ dày giúp, tôi bị ung thư rồi”.

Nhìn vào hồ sơ bệnh chị B. cung cấp, bác sĩ biết được chị đi khám ở nhiều bệnh viện, phòng khám, đa số đều khám theo yêu cầu nội soi dạ dày, sinh thiết. Tuy nhiên, tất cả đều chẩn đoán chị bị trào ngược dạ dày, viêm xước hang vị nhẹ và các xét nghiệm đều âm tính. 

Bác sĩ Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp tục cho chị B. xét nghiệm nấm móng, nấm da, kết quả chị hoàn toàn khỏi bệnh. Còn da tay bị xướt, rướm máu là do chị quá căng thẳng, cảm thấy ngứa ngáy nên cào cấu để giải tỏa tâm lý. Bác sĩ đã dành hơn 1 giờ đồng hồ để phân tích tình trạng bệnh, cuối cùng chị B. đã đồng ý đến bệnh viện có chuyên khoa tâm thần để điều trị.

Đừng để ám ảnh bệnh kéo dài

Theo thống kê, mỗi ngày, Bệnh viện Da liễu TPHCM tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sang thương da. Trong đó, khoảng 2 đến 3 người bị bệnh da hoang tưởng nghi bệnh. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Trúc Quỳnh - Khoa Lâm sàng 1 của bệnh viện - cho biết, hoang tưởng nghi bệnh gặp trong các rối loạn trầm cảm và tâm thần phân liệt, xuất hiện khi người bệnh gặp một vấn đề hay bệnh trước đó. Các hoang tưởng này thường thấy ở người cao tuổi, người ám ảnh, quan tâm nhiều về sức khỏe…

Do quá lo lắng, ám ảnh, bệnh nhân dễ rơi vào rối loạn lo âu, rối loạn cảm xúc, nặng hơn là hoang tưởng nghi bệnh. Bệnh nhân luôn tin rằng mình đang bị một căn bệnh nhất định rồi sợ hãi và tự cảm giác bản thân đau nhức, ngứa ngáy. Mặc dù các chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm đều không có bệnh về thực thể. Đa số người mắc hoang tưởng nghi bệnh thường liên quan đến bệnh ung thư, bệnh về da liễu, hoặc hình dạng của các thành phần trên cơ thể, đặc biệt là mũi. Nếu không được phát hiện, điều trị kịp thời, những bệnh nhân có chứng hoang tưởng này đôi khi đòi được phẫu thuật tạo hình, tự uống thuốc điều trị. 

Vì vậy, trong thăm khám, bác sĩ lưu ý để nhận ra vấn đề này. Tiếp cận bệnh nhân có rối loạn da tâm thần nói chung và bệnh hoang tưởng nói riêng cần thông qua quá trình trò chuyện, hành vi của bệnh nhân, sang thương da… Qua đó nhằm phát hiện kịp thời những bệnh nhân có rối loạn tâm thần, chuyển đến các bệnh viện có chuyên khoa tâm thần, để các bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ bệnh từ đó đề ra phương pháp điều trị kịp thời, tránh sinh ảo giác làm hại mình và người xung quanh.

Bệnh nhân cũng không nên quá lo lắng, nếu đột nhiên cảm thấy hồi hộp, nghi ngại bản thân mắc bệnh lặp đi lặp lại, dù các kết quả thăm khám đều khỏe mạnh. Hãy mạnh dạn nhìn về vấn đề của mình để chữa trị sớm.
Ngoài ra, nếu nhận thấy người thân hay bồn chồn, lo lắng, chán ăn, rối loạn giấc ngủ, không muốn đến nơi đông người, sống thu người, nhốt mình trong phòng... trò chuyện không nhanh nhẹn như thường ngày, hoặc có than phiền về sức khỏe bản thân, gia đình hãy đưa người thân đến các cơ sở y tế có chuyên khoa tâm lý, tâm thần để được thăm khám và điều trị sớm. Điều trị đúng cách giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng của bệnh, giúp bệnh nhân phục hồi. 

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI