Ám ảnh của bác sĩ chứng kiến thiếu niên chết vì hen suyễn

24/06/2019 - 07:00

PNO - Lên cơn hen suyễn trong lúc đang đá bóng, cậu bé 15 tuổi đổ gục khi mẹ vừa mang thuốc đến. Bác sĩ ra sức cấp cứu, nhưng cậu đã chết não.

Mẹ trên đường đến, con không kịp chờ

Một chiều mùa hè, khoảng 16g, cậu bé N.T.N. (15 tuổi, ở Q.3, TP.HCM) cùng bạn đi đá bóng. Trận cầu diễn ra được khoảng 30 phút, N. mệt nên ra hiệu cho bạn khác vào sân thay.

Chưa kịp lau mồ hôi, thời tiết đang nắng nóng bỗng kéo mây rồi đổ mưa, hơi đất bốc lên, N. bắt đầu khó thở. Cậu cố gắng hít dài hơi hơn nhưng không thể chịu thêm được, N. càng lúc càng khó thở vì lên cơn hen suyễn. Những người bạn không biết N. mắc bệnh gì, sợ hãi.

Am anh cua bac si chung kien thieu nien chet vi hen suyen
Chỉ cần thuốc tới kịp, cậu sẽ không tử vong

17g, được báo tin, mẹ của N. chạy đến, cố gắng dìu con trai ngồi dậy, xịt liên tục thuốc hen suyễn cho con, nhưng vô ích, N. đã lịm đi. 17g30, cậu được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng, người tím tái, môi nhợt nhạt, bác sĩ thông báo N. đã chết não. 5 phút sau, cậu ngưng tim, ngưng thở. Người mẹ gào lên thảm thiết.

Đưa cậu vào cấp cứu, bác sĩ liên tục ra y lệnh để hồi sức tích cực, đổi lại, chỉ có tiếng máy móc tít tít liên hồi. Sau hơn 2 giờ cấp cứu, bác sĩ đành bất lực nhìn lên đồng hồ, báo giờ tử vong cho gia đình. 

19g45, mẹ cậu gào thét tên đứa con trai duy nhất, bà ném mạnh dụng cụ xịt định liều xuống nền đất. Bình thuốc trị hen suyễn rơi ra, lăn qua từng bậc tam cấp. 

Chứng kiến mẫu tử chia ly, phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM, Giám đốc phòng khám Bệnh viện Đại học Y Dược 1, không khỏi ám ảnh: “Hiện nay, trên thế giới chưa có thuốc trị hen suyễn, cũng chưa có một bệnh nhân nào bị hen suyễn được chữa khỏi. Khi bác sĩ chẩn đoán một người bị hen, có nghĩa căn bệnh sẽ theo suốt đời. 

Tôi muốn nhắc nhở những bệnh nhân đang bị hen, dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn mang thuốc xịt định liều bên mình. Bởi vì, người bệnh suyễn cho dù cơn hen “vắng bóng” nhiều năm, nhưng vẫn sẽ lên cơn bất kỳ lúc nào.

Một khi bệnh nhân lên cơn hen suyễn, nếu không được sử dụng thuốc xịt định liều ngay thì hậu quả rất khó lường. Hen suyễn liên quan đến hô hấp, mạng sống chỉ tính bằng giây. Trường hợp N., chỉ cần thuốc tới kịp, sẽ không tử vong”.

Ngưng thuốc, trẻ ho trở lại phải nghĩ đến hen suyễn

Theo bác sĩ Lan, mỗi năm Việt Nam có hơn 2.000 người tử vong vì hen suyễn. Bệnh hen chưa có thuốc chữa nên cha mẹ rất sợ con mình mắc phải. Nhiều người không chấp nhận khi bác sĩ nghi ngờ trẻ bị hen. 

Am anh cua bac si chung kien thieu nien chet vi hen suyen
Nếu nghi ngờ trẻ bị hen suyễn, nên cho trẻ thực hiện hô hấp ký hoặc dao động sinh ký để chẩn đoán chính xác và điều trị

Ngay cả bác sĩ, nếu không thực hiện hô hấp ký trên trẻ, khả năng chẩn đoán nhầm hen suyễn với viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm đường hô hấp trên… rất cao. Mỗi lần như vậy, trẻ được chỉ định uống kháng sinh, uống thuốc có thành phần corticoid, thuốc long đàm, phun khí dung. Tuy nhiên, khi hết thuốc, trẻ sẽ ho tái đi tái lại.

Bác sĩ Lan cho hay: toa thuốc ho thông thường bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ uống trong ba ngày, nhưng nếu trẻ thật sự bị hen, hết thuốc sẽ ho tiếp và tiếp tục uống thuốc. Thuốc có rất nhiều tác dụng phụ, nhất là những thuốc có thành phần corticoid. 

Sau một thời gian sử dụng, trẻ sẽ bị phù, sau đó da nứt do bị giữ nước trong thời gian dài. Bé có thể gặp nguy hiểm khi lên đường huyết, rối loạn tim mạch, teo cơ, mỏng da, cườm mắt, loãng xương… rất khủng khiếp.

“Tôi rất ám ảnh câu nói hễ con tôi dứt thuốc thì trẻ ho trở lại, những trường hợp như vậy 90% là hen suyễn. Lúc này, cha mẹ đừng chần chừ, hãy yêu cầu bác sĩ cho con mình kiểm tra bằng hô hấp ký hoặc dao động sinh ký để tầm soát hen càng sớm càng tốt. Hen suyễn chỉ cần thực hiện đúng chỉ định của bác sĩ, bất kỳ ai mắc phải vẫn có cuộc sống bình thường, vui vẻ, hạnh phúc, thậm chí chơi thể thao như vận động viên”, bác sĩ Lan nói thêm.

Hầu hết mọi người đều ngộ nhận chỉ có thời tiết lạnh, hen suyễn mới phát bệnh, nhưng mùa hè cũng là “mùa của hen”. Bác sĩ phân tích, sau thời gian học tập căng thẳng, được nghỉ hè, trẻ tha hồ vui chơi, chạy nhảy, chơi quá nhiều, cười nhiều, xúc động, thay đổi thời tiết, bụi, mưa, lạnh… đều khiến trẻ rất dễ bị lên cơn hen. 

Cha mẹ cùng con kiểm soát bệnh tật

Bác sĩ Tuyết Lan cho biết: “Bác sĩ chỉ chẩn đoán, tìm yếu tố nguy cơ, kiểm soát được 50%, còn lại 50% cha mẹ phải kiêng cữ tác nhân gây bệnh, theo dõi bệnh cho bé. Hen có nhiều cấp bậc từ nhẹ đến nặng, nếu kiêng cữ đúng cho con, chỉ cần hai tuần sau các cơn hen sẽ được đẩy lùi.

Lưu ý, trẻ ít lên cơn suyễn không có nghĩa trẻ hết bệnh. Vì vậy, cha mẹ không nên chủ quan, mà hãy là thầy thuốc của con, cùng con kiểm soát bệnh. Khuyến khích trẻ tập thể dục, phơi nắng, bổ sung cam, quýt, bưởi, 700ml sữa mỗi ngày, chích cúm mỗi năm một lần”.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI