Ám ảnh căn bệnh phải “dọn vảy” mỗi sáng khiến nhiều người rơi vào trầm cảm

21/10/2022 - 09:51

PNO - Tự ti, khổ sở vì căn bệnh mỗi sáng dậy phải “dọn vảy”, không ít bệnh nhân trở nên trầm cảm, u uất...

 

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm khám cho bệnh nhân mắc bệnh vảy nến
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm khám cho bệnh nhân mắc bệnh vảy nến

Bùng phát bệnh sau stress tâm lý

Sinh con thứ hai được hơn một tháng, chị N.T. (sinh năm 1993, Hưng Yên) bỗng có hiện tượng hai bầu ngực đỏ rực mỗi lần căng sữa. Chị mua thuốc bôi vài lần thì đỡ nên không nghĩ ngợi gì. Tuy nhiên, càng bị cương sữa và tâm lý căng thẳng thì triệu chứng này càng thể hiện rõ ràng.

Đến mùa đông, cùng với các vấn đề căng thẳng trong cuộc sống, các tổn thương của chị bùng phát nặng hơn. “Các vết rộp, ngứa lan rộng từ ngực chạy ra sau lưng và dưới bụng. Cảm  giác đau rát, không thể cựa quậy khi nằm trên giường”, chị kể lại.

Nghe lời bạn mách, chị tìm tới một thầy thuốc chữa bệnh tại nhà. Sau khi uống một tuần, các triệu chứng của chị thuyên giảm hẳn. Sau một tháng duy trì, sang tháng thứ 2, bệnh bỗng dưng lại bùng phát. Chị được kê thêm thuốc nam nhưng các vết ngứa nặng hơn, chứa mủ, khiến chị đau đớn, khổ sở.

Lúc này, chị T. tới Bệnh viện Da liễu Trung ương thăm khám và được chẩn đoán mắc bệnh vảy nến. Bệnh nhân được quản lý trong nhóm điều trị bệnh vảy nến chuyên đề, có bảo hiểm y tế chi trả. Tới nay, sau ba năm kể từ ngày phát hiện bệnh, chị đã hiểu và chấp nhận sống chung với bệnh. Tình trạng bong tróc, sưng rát cũng đã cải thiện rất nhiều.

“Nhiều người cho rằng ăn tanh có thể khiến bệnh nặng nhưng với bản thân tôi, stress tâm lý là nặng nề nhất. Rất may tôi luôn lạc quan, được sự động viên của gia đình nên những gánh nặng tâm lý ngày càng vơi đi, điều này cũng khiến bệnh đỡ tiến triển nặng”, chị T. nói.

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Phó trưởng khoa Điều trị nội trú ban ngày, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, chị T. bị vảy nến thể mủ. Đây là một thể nặng nên rất đau rát, bệnh nhân còn có thể bị sốt. Vảy nến thể mủ đáp ứng rất tốt với thuốc chứa corticoid, đó cũng là lý do uống thuốc của thầy lang một tuần chị có cảm giác đỡ nhưng sau đó, vì thuốc nhiều tác dụng phụ, bệnh bùng phát mạnh hơn.

Sau khi uống tiếp đợt thuốc thứ 2, nữ bệnh nhân này còn bị phù hết mặt. Theo bác sĩ Tâm, đây là hội chứng cushing do sử dụng thuốc chứa corticoid.

Bệnh khiến chất lượng cuộc sống thấp 

Bệnh nhân vảy nến nặng có thể mưng mủ, da bong tróc, đau rát khiến chất lượng cuộc sống rất thấp
Bệnh nhân vảy nến nặng có thể mưng mủ, da bong tróc, đau rát khiến chất lượng cuộc sống rất thấp

Bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho hay, trên thế giới, ước tính có từ 1-3% dân số mắc vảy nến. Tại Việt Nam, dù chưa có con số thống kê đầy đủ song tỷ lệ bệnh nhân được cho là tương đương. Người mắc vảy nến thường có yếu tố gen di truyền, có yếu tố tâm lý, căng thẳng tác động khiến bệnh bùng phát. Các bệnh nhân vảy nến có thể bùng phát bệnh sau khi tiêm phòng virus, bị nhiễm khuẩn, bị chấn thương, mắc các bệnh lý khác…

Vảy nến thể mủ không phổ biến như thông thường, chiếm dưới 10% nhưng về mức độ thì rất nặng nề. Bệnh nhân có thể rối loạn mất nước, điện giải, bị nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, có nguy cơ tử vong cao.

Vấn đề đáng lưu tâm nhất, theo bác sĩ Tâm, là tác động của tâm lý đối với bệnh nhân mắc vảy nến do căn bệnh này ảnh hưởng nghiêm trọng tới chất lượng cuộc sống của họ. Những bệnh nhân vảy nến nặng phải đối mặt với tình trạng bong tróc da đầu, da toàn thân hay làn da đỏ ửng như tôm lột, cảm giác đau rát, khó chịu…

Bác sĩ Tâm chia sẻ thêm, điều ám ảnh nhất với nhiều bệnh nhân mắc căn bệnh này là mỗi buổi sáng thức dậy, việc đầu tiên cần làm là “dọn vảy”. Các vảy da có thể bong tróc, rơi khắp giường. 

Quá căng thẳng, khổ sở về căn bệnh mắc phải, có những bệnh nhân đã rơi vào trầm cảm. Thậm chí, theo bác sĩ Tâm, trước đây, có những bệnh nhân tự tử vì quá chán nản, bi quan.

“Tuy nhiên, đây là câu chuyện của những người thầy của tôi chia sẻ. Trước đây, chưa có thuốc điều trị tốt. Hiện đã có thuốc điều trị sinh học, bệnh nhân được quản lý tốt hơn nên chất lượng cuộc sống đã được cải thiện”, bác sĩ Hoàng Văn Tâm nói.

Do đó, bác sĩ Tâm khuyên những người nghi ngờ hoặc mắc vấn đề vảy nến nên được khám và điều trị, quản lý theo các nhóm để theo dõi sát sao. Vấn đề tâm lý vô cùng quan trọng nên những người trong gia đình, bạn bè xung quanh nên quan tâm, động viên, tránh có thái độ kỳ thị, xa lánh...

H.Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI