Họ cặp bồ chỉ để thấy lại hình ảnh người vợ, người chồng mà mình đã từng yêu thương, để được sống lại cái cảm giác của "thuở ban đầu lưu luyến ấy". Nó nhập nhằng, hừng hực, phiêu lưu, khiến ta quên mất lối về... với một người chẳng phải vợ chồng, nhưng nhuốm màu đam mê, khó dứt.
Níu lại một mảnh tình đã vỡ
Khi phát hiện chồng phản bội, Thảo Uyên đau khổ tột cùng. Cô cứ dằn vặt bởi câu hỏi: “Anh ấy có còn yêu mình không?”. Uyên nghĩ dù anh có hết thương, chị cũng phải giữ cha cho con, đợi khi anh hiểu ra chẳng hạnh phúc nào bằng gia đình, anh sẽ tự động quay về.
|
Hình minh họa |
Suốt mười năm, Uyên một mình nuôi con khôn lớn, chăm lo gia đình hai bên, với hy vọng “vợ có công thì chồng chẳng phụ”, mặc cho con cái tha thiết mong mẹ ly hôn để giải thoát, và tìm một hạnh phúc khác cho riêng mình. Mười năm, rồi hai mươi năm cô vẫn chờ. Có năm anh về thăm con được đôi lần, có năm anh đi biền biệt. Rồi một ngày tháng Bảy, cô nhận được đơn xin đơn phương ly hôn của anh. Giọng anh vọng ra từ đầu dây bên kia, bảo cô đừng níu kéo, vì từ lâu anh đã có gia đình riêng, chẳng còn tình nghĩa gì với Uyên.
Uyên chẳng còn nước mắt để khóc nữa, mảnh tình “hờ” cộng với chút niềm tin “anh sẽ về” đã từng là động lực giúp cô tồn tại. Vậy mà bây giờ cô còn gì ngoài ba tiếng “bị chồng bỏ”? Nó mới xót xa, nghẹn đắng làm sao!
Trước đây anh từng đề nghị ly hôn nhưng Uyên không chấp nhận, vì không muốn con thiệt thòi. Giờ con đã lớn, cô còn gì để níu kéo? Ngoài kia còn bao nhiêu phụ nữ vẫn tiếp tục cam chịu, hy sinh đến sức cùng lực kiệt cho chồng con mà chẳng được ai ghi nhận. Phải chăng chính quan niệm “xuất giá tòng phu” đã cột chặt tư tưởng đàn bà? Và một khi ký vào hôn thú, họ cứ ngỡ đã thuộc về nhau cả đời, mà tình đời đâu có bằng phẳng như ta nghĩ.
“Đơn giản vì tôi không còn yêu cô ấy!”
Cưới vợ được tám năm thì tim Nam có hình bóng người con gái khác. Không muốn mang tiếng phản bội, Nam chọn ly hôn để sống tiếp cuộc đời mình. Với công việc và tiền để dành, Nam hoàn toàn có thể cho vợ con một cuộc sống sung túc, ngoại trừ việc tiếp tục cuộc hôn nhân gượng ép này.
|
Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, Khả Doanh - vợ Nam không đồng ý. Cô nghĩ chồng mình chỉ say nắng nhất thời, và chấp nhận tha thứ nếu Nam hứa không còn tơ tưởng đến cô gái kia nữa.
Nhưng Nam kiên quyết ly hôn, vì nếu tiếp tục chung sống, anh biết sẽ có ngày mình lừa dối vợ. Nam lại không muốn trở thành một người cha tệ bạc trong mắt con cái. Cha mẹ Nam, bạn bè, đồng nghiệp đều bị Khả Doanh thuyết phục, cô nhờ họ nói vào với hy vọng Nam thay đổi ý định.
Không chỉ vậy, Khả Doanh dạy con nói những điều không nên, làm ảnh hưởng rất nhiều đến tình cảm cha con. Thậm chí cô còn dọa tự tử và tìm mọi cách để Nam ân hận. Nhưng những hành xử đó chỉ khiến Nam muốn sớm kết thúc cuộc hôn nhân này.
Nam kể tình cảm vợ chồng đã nguội lạnh từ lâu. Có những ngày họ chẳng nói với nhau câu nào, thậm chí tiếc với nhau cả một lời chào. Liệu tình yêu có là mãi mãi? Với trường hợp của Nam thì câu trả lời chắc chắn là “không”.
Làm sao để đôi bên chung tình?
Rất nhiều bí quyết “níu kéo hôn nhân”, “giữ chồng” được chị em chia sẻ trên các diễn đàn xã hội. Nào là an ủi, khích lệ, động viên, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, quyết bảo vệ hôn nhân đến cùng, không để kẻ thứ ba hưởng lợi… Nhưng mấy ai được nhẹ lòng, viên mãn.
|
Ảnh minh họa |
Có rất nhiều đàn ông không ong bướm trăng hoa, nhưng lại vũ phu, sống vô trách nhiệm với gia đình, cớ gì họ phải thay đổi một khi bạn thỏa hiệp từ đầu và xem đó là chuyện “bình thường” của đời sống hôn nhân. Đừng tin một ai đó sẽ cắn rứt lương tâm khi làm tổn thương bạn, chẳng anh chồng nào “ấp ủ” tình ngoài mà tự trách mình có lỗi, chẳng người đàn ông nào hiểu được nỗi khổ của vợ con là do chính hành vi vô cảm của mình gây ra. Đàn ông biết rất rõ họ không nên làm người mình yêu tổn thương, trừ khi họ hết yêu người đó. Nỗi đau và nước mắt đàn bà không đủ sức níu kéo một thể xác không hồn.
Sẽ chẳng cách nào khiến đàn ông và đàn bà chung tình với nhau mãi mãi, trừ khi cả hai tuân theo những nguyên tắc, và cái giá phải trả sẽ thật đắt nếu một trong hai phản bội. Điều đó sẽ làm họ ít nhiều chùn bước trước cám dỗ và để tâm hơn đến cuộc hôn nhân của mình.
Vậy nên, thay vì tìm mọi cách níu kéo, bạn hãy tự tạo ra những nguyên tắc tôn nghiêm cho bản thân. Để một cuộc hôn nhân hạnh phúc, thì cả hai vợ chồng phải cùng nhau xây đắp, yêu thương, chở che bằng sự tử tế, chân thành và tôn trọng. Cuối cùng, điều còn lại bạn có thể làm cho con cái, là hãy sống thật hạnh phúc cuộc đời của mình. Điều đó sẽ giúp con nhận thức rằng, dẫu tình yêu có thăng trầm, nhưng chính sự kiên định và lòng tự trọng mới là giá trị làm nên hạnh phúc viên mãn.
Mia Nguyễn