Nếu các nghệ sĩ trong nước tìm kiếm cơ hội ra quốc tế để cọ xát, học hỏi thì với biên đạo Alexander Tú, về Việt Nam là hành trình “ra quốc tế” của anh. Tú lớn lên và gầy dựng sự nghiệp tại Mỹ nhưng Việt Nam lại cho anh cơ hội được tìm thấy con người bên trong, tìm thấy một người vợ hiền và một khoảng trời nghệ thuật rộng lớn để vẫy vùng.
Về, để tìm thấy chính mình...
Alexander Tú về Việt Nam vào năm 2014 từ lời mời của một vài chương trình nghệ thuật. Thời điểm đó, anh về nước để làm việc, hoàn toàn không nghĩ những lần trở về lại giữ chân mình gắn bó với quê hương cho đến bây giờ.
Trước khi về Việt Nam, tại Mỹ, Alexander Tú là giám đốc điều hành của nhóm Kaba Modern (Đại học California, Irvine) và nhóm KM Legacy (Los Angeles, California). Trong khoảng thời gian từ năm 2004 - 2010, ngoài vai trò giám đốc điều hành, Tú còn được mời biểu diễn ở các chương trình uy tín tại Mỹ bao gồm lễ trao giải ESPY, World of Dance, Hip-hop International...
|
Alexander Tú trong buổi đào tạo cho các giáo viên vũ đạo |
Về nước, Alexander Tú mang những điều anh đã được học về truyền đạt, biên đạo cho một số chương trình nghệ thuật như Duyên dáng Việt Nam, làm giám khảo cuộc thi Học viện ngôi sao, đảm nhận vai trò đào tạo tại Học viện Âm nhạc và Trình diễn Nghệ thuật Soul... Hành trình trở về của Tú không dễ dàng vì dẫu mang dòng máu Việt, anh cũng “tắm táp” dòng văn hóa của một đất nước khác quá lâu, quê hương giờ đây cũng có phần lạ lẫm.
“Nghệ sĩ Việt mong muốn được ra quốc tế để mở mang đầu óc thì với tôi, về Việt Nam là hành trình tôi “ra quốc tế”, khám phá văn hóa, phong tục của một vùng đất mới. Tôi học lại tiếng Việt, tìm hiểu lại những biểu tượng văn hóa của đất nước, ăn những món ăn đặc trưng của quê hương... Tôi phá vỡ những gì mình đã được thu nạp trong mấy chục năm qua để tiếp nhận một nền văn hóa mà lẽ ra, tôi phải thấu cảm hơn vì Việt Nam mới là quê hương của mình”, Alexander Tú nói.
Hành trình tại Việt Nam của Alexander Tú bắt đầu bằng nhiều dự án, hoạt động nghệ thuật. Anh lao vào cống hiến nhưng không áp dụng toàn bộ những điều được học và không bảo thủ trước những khác biệt văn hóa. “Tôi làm quen với cách vận hành nghệ thuật tại Việt Nam đúng theo câu “nhập gia tùy tục”. Tôi không áp đặt và cho những điều tôi học tại Mỹ là đúng đắn mà tôn trọng sự phù hợp. Đây là giai đoạn khó khăn nhất vì tôi bắt đầu quá nhiều dự án cùng lúc, bên cạnh việc phải hoàn thành luận án tiến sĩ Đại học Loma Linda. Tôi mắc kẹt với ngôn ngữ mẹ đẻ. Khoảng thời gian này thật sự khó khăn”.
... và “mang” Việt Nam đi
Dấu ấn của Alexander Tú tại Việt Nam không chỉ thể hiện qua nhiều chương trình nghệ thuật trong nước mà tại nhiều cuộc thi nhảy quốc tế, anh là người đứng sau thành công của những giải thưởng lần đầu tiên người Việt nhận được.
Alexander Tú là người sáng lập và giám đốc điều hành Công ty Vũ đạo Lyricíst. Trong “gia đình Lyricíst” mà Alexander Tú xây dựng với mục đích “quảng bá nghệ thuật, giới thiệu các nhân tố xuất sắc của Việt Nam ra quốc tế”. Trong nhiều năm qua, các nhóm nhảy đều được Alexander Tú giới thiệu đến sàn đấu/chương trình nghệ thuật quốc tế.
|
Alexander Tú tham gia hoạt động kêu gọi bảo vệ tê giác |
Vào tháng 8/2019, nhóm nhảy Lyricíst của Việt Nam vượt qua các nước trong khu vực Đông Nam Á giành chiến thắng tại cuộc thi Super 24. Đây là lần đầu tiên, đại diện Việt Nam đạt được thành tích này. Cũng trong năm 2019, Little Lyricíst tham gia Liên hoan Nghệ thuật châu Á - Thái Bình Dương tại Singapore và giành huy chương vàng.
Năm 2017, tại một trong số những nhà hát nổi tiếng nhất nước Anh - Royal Albert Hall, Young Lyricíst tham gia trình diễn tại Dance Proms - sự kiện vũ đạo lớn nhất thế giới. Alexander Tú mang gì đến Dance Proms 2017? Young Lyricíst diện áo dài trắng tinh khôi, biểu diễn trên nền nhạc ca khúc Sắc màu (sáng tác: nhạc sĩ Trần Tiến). Khi chậm rãi lúc cao trào, âm nhạc Trần Tiến và vũ đạo của Young Lyricíst truyền tải câu chuyện có nội dung, thông điệp không đơn thuần là các động tác trưng phô kỹ thuật.
“Nghệ sĩ Việt hoàn toàn có cơ hội đứng cùng sân khấu với nghệ sĩ quốc tế. Chúng ta đủ tài năng. Khi đưa bất cứ nhóm nhảy Lyricíst nào ra quốc tế, tùy tính chất từng chương trình, tôi đều tìm cách lồng ghép văn hóa Việt lúc thì áo dài, nón lá, lúc thì kết hợp âm nhạc Việt Nam... Có những hình ảnh, đồ vật quen thuộc mà nghệ sĩ Việt cho rằng không đặc sắc nhưng quốc tế nhìn vào đó để nhận biết Việt Nam so với các quốc gia khác, việc của nghệ sĩ là nâng cấp nó lên”, Alexander Tú cho biết.
Mơ ước của Alexander Tú với thế hệ nghệ sĩ trẻ Việt Nam, nghệ thuật múa Việt Nam không chỉ có thế. Anh mong muốn ngày càng có nhiều bạn trẻ tiếp cận được nghệ thuật trình diễn nhưng không đơn thuần là giỏi kỹ thuật mà phải hiểu được chuyển động cơ thể. Ngoài đam mê nhảy múa, Alexander Tú còn là tiến sĩ vật lý trị liệu.
Khi theo học chuyên ngành y tế cộng đồng tại Đại học Loma Linda, anh muốn tìm hiểu sâu về vật lý trị liệu để biết từng vận động của cơ thể mang lại hiệu quả gì. Với Tú, nhảy múa có tác dụng chữa lành vết thương nếu vũ công thật hiểu về cơ thể. Tại Mỹ, khi giảng dạy bộ môn hip hop tại Học viện Vũ đạo (Tustin, California), anh lồng ghép những kiến thức về vật lý trị liệu trong các bài giảng. Về Việt Nam, hành trình kết hợp giữa vũ đạo và trị liệu của Alexander Tú vẫn được tiếp tục, đặc biệt khi anh nhận nhiệm vụ đào tạo tại Viện giáo dục nghệ thuật Việt Nam (Vietnam Institute for Arts Education - VIA Education).
Nhảy vì chính mình
Lớn lên tại Mỹ, một quốc gia mà công dân khắp thế giới muốn đặt chân đến để đổi đời, Alexander Tú mang theo mình giấc mơ mà bố mẹ anh hằng mong anh thực hiện được - một công việc ổn định, một sự nghiệp được tôn trọng và chẳng bận tâm về thu nhập. Thế nhưng, ước mơ của bố mẹ và hoài bão của Alexander Tú không giao nhau.
|
Với Alexander Tú, hành trình trở về là để tìm thấy chính mình |
Từ nhỏ, Tú yêu thích nghệ thuật đường phố, đam mê hip hop và có thiên hướng gắn bó với âm nhạc. Thả Tú vào âm nhạc, vũ đạo, anh tìm được chính mình, tự tin với những chuyển động cơ thể và biết được mục đích sống. “Tôi không trách mong muốn của bố mẹ vì khi khó khăn, ai cũng mong con mình có được một công việc ổn định, đừng tiếp tục một cuộc đời như thế hệ trước.Từ lâu, giữa đam mê nghệ thuật và học vấn, tôi đều hoàn thành để bố mẹ an tâm. Tôi đạt điểm cao, tôi sẽ được tập luyện vũ đạo. Cứ thế, đến một giai đoạn, tôi hoàn thành việc học và được phép bắt đầu với đam mê đời mình. Giữa các thế hệ thường có xung đột nhưng tôi không muốn đối đầu với bố mẹ mà luôn hiểu cho mong muốn của họ”, Alexander Tú tâm sự.
Thảng hoặc, trong chia sẻ của Tú, anh cho người đối diện thấy được sự xúc động mỗi khi nhắc về gia đình. Ngày trở về Việt Nam, điều anh băn khoăn nhất là không được sống gần gia đình của mình nhưng nếu hỏi có khi nào muốn quay lại, tiếp tục cuộc sống ở Mỹ - thì Alexander Tú lắc đầu. Trước đó, cuộc sống của anh là một đường thẳng thì sau khi về Việt Nam, đoạn đường đã gập ghềnh hơn rất nhiều.
“Mọi người thường hỏi tôi về thu nhập, về câu chuyện liên quan đến tiền bạc và nghệ thuật, tôi vẫn chỉ có một câu trả lời duy nhất: nếu tiền cho tôi một cuộc sống đầy đủ thì đam mê nhảy múa cho tôi được sống là chính mình. Và tôi chọn sống với đam mê để mỗi ngày trôi qua, tôi không thấy buồn chán, không thấy phí thời gian, thấy ngày thật đáng sống. Tôi biết khi từ bỏ điều gì đó ổn định, chấp nhận liều lĩnh hơn, bản thân phải luôn sống hết mình. Nghệ thuật từ lâu như nguồn lửa cháy, đốt tôi từ bên trong để rồi tôi luôn chạy về phía trước”, Alexander Tú nói thêm.
Diễm Mi