Ai về phố chợ làng nghề thủ đô?

11/11/2018 - 06:00

PNO - Thường mỗi phố 'Hàng' của Hà Nội đều bắt nguồn từ một làng nghề. Mỗi phố nghề đều có gốc gác riêng, có đền thờ ông tổ nghề, có đình, miếu và những dòng họ dựng nghiệp cho làng.

Nhắc đến Hà Nội, hẳn nhiều người chẳng thể quên câu ca dao về 36 phố phường kinh đô cổ kính: “Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Khoai/ Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Bài, Hàng Khay…”. Thường mỗi phố “Hàng” đều bắt nguồn từ một làng nghề. Mỗi phố nghề đều có gốc gác riêng, có đền thờ ông tổ nghề, có đình, miếu và những dòng họ dựng nghiệp cho làng.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Từ các bà, các chị đến những bé gái đang từng ngày giữ gìn truyền thống nghề nón làng Chuông

Trăm năm trước người ta có cái thú rủ nhau đi khắp Long Thành (kinh thành Thăng Long) chơi phố “Hàng”, chơi chợ, ăn quà và mua sắm đồ dùng. Ngày nay, thú vui ấy đã được thay thế bằng các cuộc “phượt” chợ làng nghề. Đó là những cuộc tìm về cái gốc của mỗi phố “Hàng” năm xưa.

Gọi “phượt” bởi lẽ nhiều chợ làng nghề cũng xa xôi lắm, tới hơn 50 cây số như chợ hàng Khảm ở Chuôn Ngọ, huyện Phú Xuyên, hay sáu – bảy chục cây số lên huyện Ba Vì, vào làng nghề làm thuốc Nam của người Dao dưới chân núi Tản với bao điều bất ngờ và bí ẩn.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Phú Vinh những ngày này đang tất bật cho vụ hàng đầu xuân

Khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có đến hàng trăm làng nghề (Hà Tây xưa vốn được “mệnh danh” là đất trăm nghề) đã được thành phố công nhận, cùng đó là vài ba trăm cái chợ bán sản phẩm của làng, cứ xếp lịch đi chơi chợ theo thứ tự chữ cái của tên chợ thôi cũng đã quanh năm suốt tháng. Mà mỗi chuyến “phượt” làng nghề lại luôn gợi mở điều mới lạ, đó là kho tàng văn hóa hình thành mỗi vùng đất, phát triển từ hình ảnh “buôn thúng bán mẹt” của làng quê. 

Bây giờ sức “ganh đua” ở các làng nghề đã tạo được một không khí thi đua sôi nổi của những người thợ trẻ. Bước vào làng Chuông (huyện Thanh Oai) là đã thấy sự tất bật. Những cháu gái đang tuổi chanh cốm, rồi những cô thôn nữ mười tám, đôi mươi là lực lượng lao động chính của làng; họ chính là những người giữ lửa nghề nón làng Chuông.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Thành phẩm mây tre đan từ đôi tay người thợ đang dang nắng

Hỏi mấy cô thôn nữ sao không ra phố làm ăn mà chọn ở quê nhà dựng nghiệp? Đôi má ửng hồng trong cái nắng hanh hao, các cô bảo là con cháu làng Chuông thì phải biết giữ được cái nghề mà tổ đã truyền, ai cũng trìu mến, cảm phục khi nhắc đến các lão nghệ nhân khéo tay đã dày công giữ gìn cái nghề của làng. Chị Hương cười giòn: “Xưa, nón làng Chuông đã từng cung tiến để Hoàng Hậu, công chúa dùng. Không lẽ con cháu lại làm mất đi cái nghề đã tồn tại hơn 500 năm”.

Chị Hương tự hào nhắc lại hồi 2006, biểu tượng chiếc nón khổng lồ được bày trước cửa Hội nghị APEC diễn ra ở thủ đô Hà Nội do bàn tay các nghệ nhân làng Chuông làm nên để trưng bày trước hàng ngàn khách quốc tế. Cái hình chóp giản đơn che trên đầu các bà, các chị đã nhấn thêm nét đặc trưng của nền văn hóa lúa nước bao đời. 

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Những người phụ nữ Làng Chuông với các công đoạn làm nón

Dịp cuối năm dưới cái nắng thu vàng như rót mật, theo QL6 đến vùng “Gò Đậu” (tên cổ của làng Phú Vinh, huyện Chương Mỹ) thì tha hồ chụp ảnh và dạo quanh những món hàng mây tre đan óng ả đang dang nắng khắp làng. Những tháng cuối năm là dịp dân làng Phú Vinh đưa ra hàng loạt sản phẩm phục vụ ngày xuân rất đa dạng. Tính ra làng nghề đã hình thành và phát triển hơn 400 năm. Nếu căn cứ vào những sản phẩm được ghi dấu qua các triều đại phong kiến, có thể nói đất “Gò Đậu” là một trong những xứ sở đầu tiên làm nghề mây tre đan ở phía Bắc, sau đó mới lan truyền đi các nơi.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh cho biết, hiện Bảo tàng Cung đình Huế đang lưu giữ một tác phẩm thư pháp chữ Hán, đan năm 1712 bằng mây của các cố nghệ nhân làng Gò Đậu. Người ta còn bắt gặp những bức hoành phi câu đối đan mây của nghệ nhân Phú Vinh ở tận Cộng hòa Chile, được làm từ năm 1840. Hiện chúng được lưu giữ bởi một số quan chức Chile giàu có thích chơi đồ cổ Á Đông.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Những sản phẩm của làng nghề Phú Vinh

Tài liệu mà làng còn lưu giữ ghi rõ, vào thời vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 9 nghệ nhân đã được phong sắc. Bố ông Tĩnh là cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905-1983), người nổi tiếng trong làng vì đã thành công trong việc đan tranh chân dung Bác Hồ đầu tiên, với hai màu đen trắng của dây mây truyền thống. Hơn nửa thế kỷ qua, nghề mây tre đan ngày càng phát triển và trở thành phương tiện kiếm sống ổn định, đưa dân Phú Vinh thoát nghèo và còn làm giàu cho đời sống dân sinh.

Ngược lên xứ Đoài, trên núi Câu Lậu là “các vị La Hán chùa Tây Phương”; dưới chân núi, trải dài theo lũy tre là “vương quốc” chuồn chuồn làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất). Nhìn những chú chuồn chuồn tre đầy màu sắc, hoa văn khéo léo “đậu” ở bất cứ đâu, trẻ con thì mê mẩn trước thế giới đầy sắc màu như cổ tích, người lớn cũng theo cánh chuồn tre mà ngược về ký ức tuổi thơ.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Những cánh chuồn của tuổi thơ được tạo ra từ đôi bàn tay khéo léo của người thợ làng nghề

Tre rừng từ nhiều tỉnh miền núi được đưa về, bởi tre rừng tuy mỏng nhưng khá cứng, những cánh chuồn làm từ tre rừng có độ bền cao hơn. Có chứng kiến những công đoạn tỉ mỉ, chính xác đến từng milimet, mới thấy cái giá 5.000-10.000đ cho mỗi chú chuồn chuồn quả là không cân xứng với công sức người thợ: Nào là cạo tinh tre, phơi khô, rồi cắt, xẻ thành từng bộ phận cánh – thân – mỏ chuồn chuồn; nào là vót thân, mài giấy nhám từng phần, uốn cái “mỏ” nhọn hoắt, ghép các bộ phận lại thành chú chuồn chuồn rồi đưa đi sơn, vẽ. Cái khâu lắp cánh vào thân phải chuẩn xác thì chuồn chuồn mới có thể “đậu” vững chãi, cân đối.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Những công đoạn làm chuồn chuồn tre

Nhìn mỗi người thợ chuyên phụ trách một công đoạn, tôi bất giác nhớ đến anh hề Sác-lô chuyên vặn bu-lông, ốc vít trong công xưởng trời Tây (một phần trong sê-ri phim hài nổi tiếng của Charlie Chaplin), chuyên môn hóa đến mức, tới một ngày, hễ thấy bu-lông, ốc vít ở đâu là anh mang cờ-lê mỏ lết ra vặn lấy vặn để. Đến khi thấy cả thế giới tuổi thơ đầy màu sắc hiện lên trên cánh chuồn qua đôi tay người thợ nông dân Thạch Xá, tôi đã bật cười thấy sự liên tưởng của mình sao mà khập khiễng.

Giữa “rừng” chuồn chuồn tre rực rỡ, lưng tựa vào Câu Lậu linh thiêng, trước mặt là bát ngát cánh đồng, bà Nguyễn Thị Chi khoe: “Mấy chục năm trước Thạch Xá làm chuồn chuồn như món quà lưu niệm bày bán cho du khách lễ chùa, chứ không ngờ sức tiêu thụ chuồn chuồn lại lớn đến thế, chúng tôi làm ra bao nhiêu là bán hết bấy nhiêu. Chuồn chuồn tre của gia đình tôi giờ chủ yếu “bay” ra nước ngoài, khắp cả năm châu rồi đấy. Từ công việc lúc nông nhàn, chẳng ngờ chuồn chuồn tre đã trở thành công việc cho thu nhập chính”.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Những sản phẩm tỉ mỉ đòi hỏi sự khéo tay của người thợ

Cứ thế, mỗi chuyến đi vào các làng nghề đều gợi ra bao điều kỳ thú. Bởi tìm cho ra những điều lẩn khuất, bí ẩn phía sau, hay bề dày lịch sử của một làng nghề luôn là cuộc “chơi” văn hóa đầy thi vị. Và càng nghĩ tới những chuyến “phượt” thật dài, tới 1300 “tập” làng nghề trên đất thủ đô lại càng thấy hấp dẫn.

Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Rất nhiều công đoạn đòi hỏi sự tỉ mỉ, chính xác để làm nên thế giới chuồn chuồn tre rực rỡ sắc màu.
Ai ve pho cho lang nghe thu do?
Phiên chợ nón làng Chuông

Thi thoảng tôi lại tự hỏi liệu có ai thực hiện được trọn vẹn 1300 “tập” hay không? Đó là sự thách thức hết sức mơ mộng nhưng không hề viển vông, bởi bộ mặt của làng nghề luôn luôn đổi mới, mà Hà Nội thì đứng trước bao khó khăn trong thời buổi hội nhập kinh tế và văn hóa toàn cầu. Nhưng ngẫm lại, riêng làng nghề Hà Nội thôi đã mở ra một mũi nhọn kinh tế du lịch làng nghề.

Và đó chính là một kênh tiếp thị, giao lưu mở mang thị trường đi khắp thế giới. Đó cũng là nét văn hóa độc đáo đã lưu giữ hàng nghìn năm của Hà Nội – điều mà ít nơi trên thế giới có được: “Thăng Long, Hà Nội đô thành/ Nước non ai vẽ nên tranh họa đồ/ Cố đô rồi lại tân đô/ Nghìn năm văn vật bây giờ vẫn đây”.

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI