Ai về Bình Định nhớ... nhâm nhi tré

06/03/2024 - 06:12

PNO - Rẻ tiền mà vẫn thơm ngon, đó chính là tré. Tré buộc sẵn từng chùm dễ cầm, nên khách thập phương ghé lại nếm qua mà vương vấn, người xa quê thương nhớ vị quê, đều muốn có chùm tré mang theo.

Mỗi món ăn thường mang hương vị đặc trưng của vùng miền, nhưng nhiều khi vượt qua giới hạn của một địa phương mà gây thương nhớ cho người đến từ những vùng đất khác. Tré Bình Định là một món ăn như vậy. Nhớ đến quê hương của những món ăn đậm vị ngon lành, ngoài nem, bún chả cá, bánh xèo tôm nhảy… không thể bỏ qua món tré bình dị, gần gũi, rẻ hết mức mà cũng thơm ngon vô cùng.

Dọc theo quốc lộ Bắc Nam, từ đèo Bình Đê suốt đến đoạn quanh co thơ mộng ven biển Quy Nhơn - Sông Cầu, nếu bạn thấy những cây rơm vàng óng ngăn ngắn được thắt buộc rất khéo hai đầu bằng lạt tre hoặc dây nhựa màu đỏ treo hai bên đường thành từng chùm, thì đó là tré.

 Cây tré rơm vàng óng gói khéo, cầm nhẹ tay, xách tưởng nhẹ hều mà lại nặng biết mấy hồn quê hương xứ sở
Cây tré rơm vàng óng gói khéo, cầm nhẹ tay, xách tưởng nhẹ hều mà lại nặng biết mấy hồn quê hương xứ sở

Tré, tiếng địa phương gọi là bì, là món ăn dân dã rẻ tiền, dễ làm, được làm từ nguyên liệu chính là tai heo, da heo. Chính phần tai và da khiến cho tré có vị giòn giòn, lựt sựt rất đặc trưng mà không quá béo.

Nguyên liệu mua về được rửa sạch, luộc chín, xắt theo dạng sợi, sau khi xắt nhỏ được ướp với đầy đủ gia vị hành, tỏi, ớt, gừng, thính… Đặc biệt không thể thiếu mè rang và riềng, là hai loại mang lại mùi thơm đặc trưng cho tré.

Sau khi ngấm gia vị, bì sẽ được bọc trong một lớp lá ổi, ngoài quấn lá chuối hoặc nhựa mỏng thật kín, ngoài cùng là một lớp rơm, buộc kỹ hai đầu cho kín gió. Các cây tré được buộc thành chùm treo lên, sau vài ba ngày là tré chín. Vậy là ăn được.

Cách làm tré tưởng chừng đơn giản vậy nhưng không phải ai cũng làm được tré thật sự ngon. Bì luộc không được quá mềm, phải vừa đủ độ giòn dai. Gia vị cũng không được thiếu thừa, khiến tré mau chua hay bị ướt, không ngon. Tré ngon phải vừa ráo, dùng đũa tách các miếng bì rời ra dễ dàng, ăn thơm giòn, không chua quá không mềm quá.

Ở Bình Định, tré và nem thường đi cùng nhau, vì vậy nem Chợ Huyện nổi tiếng thì tré Chợ Huyện cũng thơm ngon rất mực.

Tính ra, phần thịt làm nem, phần da làm tré, nem đắt hơn, tré bình dân hơn, âu cũng là sự khéo léo tài hoa của những người thợ dân gian xưa khi biết tận dụng nguyên liệu sẵn có mà làm ra những món ăn độc đáo. Nhưng không nhất định cứ phải thợ mới biết làm, những người dân bình thường vẫn có thể tự làm ra món tré.

Tré dân dã mà
Tré là thức ăn dân dã mà nồng đậm của người quê Bình Định

Khách đến nhà, câu chuyện đang rôm rả, muốn giữ khách ở lại chuyện trò lâu hơn, cần có món gì đó đưa cay cho câu chuyện thêm phần nồng đậm, thì chỉ cần xuống bếp, lấy cây tré cắt lạt tháo rơm, cho ra dĩa đem lên.

Nếu sợ khách đói, thì thêm dĩa dưa kiệu, rau sống, đọt đinh lăng mới hái từ vườn, dĩa bánh tráng là món nhà nào cũng trữ sẵn. Vậy là, dùng bánh tráng, cuốn một ít tré với rau sống, dưa chua, mặn ngọt chua cay gồm đủ, no bụng mà không ngấy chút nào.

Nhà nào có trữ thêm ít rượu Bàu Đá, thứ rượu trong vắt như nước mắt mà đằm say, cũng là thức uống nổi tiếng của địa phương, thì dư vị lại càng không quên.

Khách thập phương có ghé về Bình Định, nhớ nhâm nhi món tré, bảo đảm sẽ thích cho mà xem. Rồi, tiện tay, mang tré làm quà, thêm chai rượu Bàu Đá, dân dã thế mà gây thương nhớ biết bao!

An Duyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI