Nói chuyện trong giờ học, em Phạm Phương Anh (lớp 3A5, Trường tiểu học An Đồng, H.An Dương, TP.Hải Phòng) bị cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Minh Hương phạt uống cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Phương Anh cho rằng, vì sợ nên không nói với ai. Mãi đến hai tuần sau, ông nội em mới biết thông qua một bạn học của cháu.
|
Phương Anh tái hiện việc uống cốc nước bẩn |
Khi trăm ngàn mũi tên đổ về vị chủ nhiệm hay ngành giáo dục nói chung với đủ chuyện lố bịch là một sự tất yếu; thì với hành trình của đứa trẻ: không dám từ chối cốc nước bẩn, thỏa hiệp, chấp nhận cái ác, cái xấu đến nỗi sợ không thể chia sẻ cùng ai sau sự việc, bậc cha mẹ có thấy lỗi của mình?
1. Trong vở kịch Gaslight, người chồng ra sức thuyết phục nhiều người và chính vợ mình rằng, cô ta bị điên, bằng cách thay đổi vị trí các vật dụng trong nhà rồi khăng khăng vợ có vấn đề tâm thần khi cô cố gắng chỉ ra sự khác biệt. Sau dần, người vợ cũng tin mình điên, bị ảo giác trước cái bóng đèn trên gác mái cứ bật tắt vô chừng.
Trong khi đó, trên gác mái, người chồng dễ dàng đạt mục đích bật đèn lên vài lúc để truy tìm báu vật… Thuật ngữ “Gaslighting” - sự thao túng tinh thần ra đời sau thành công của vở kịch, trở nên phổ biến để nói về một kiểu bạo lực bắt nguồn từ sự lạm dụng và điều khiển cảm xúc, hành vi, nhận thức của người khác.
Trong cuộc sống, quan hệ giữa con cái - cha mẹ, học trò - giáo viên, người mạnh - kẻ yếu vốn dĩ là quan hệ ít có sự công bằng khi mọi quyền lực luôn nghiêng về một phía - thứ quyền lực dễ dẫn đến sự lệ thuộc tinh thần. Những đứa trẻ luôn bị kiểm soát, thao túng bởi người lớn thông qua hàng loạt quy tắc buộc phải tuân theo. Nỗi sợ trước những hình phạt hoặc đe nẹt của người lớn khiến đứa trẻ rụt rè, nhút nhát đến mức chấp nhận và im lặng nếu phải đối diện với thiên vị, bất công hoặc điều gì khiến cảm thấy… sai sai. Chúng không dám thể hiện chính kiến.
Từ nhỏ, chúng tôi được dạy rằng, để trở thành một “trò giỏi, con ngoan”, đồng nghĩa với phải học cho thật giỏi và biết nghe lời người lớn, không được cãi lại thầy cô, cha mẹ. Tuân thủ nguyên tắc này, năm lớp Bốn, trong một lần bị dò bài không thuộc, để không nhận điểm 1, cô bạn tôi đồng ý yêu cầu thầy đưa ra: mỗi ngày đi học, bạn phải mang đủ 10 gốc cây môn đem trồng cho đến khi lấp đầy khoảnh vườn của thầy. Nhà thầy nuôi rất nhiều heo, mà môn là loại rau dùng để nấu cho heo ăn.
Ngoài uy quyền của thầy, nỗi sợ bị gia đình biết không thuộc bài, rồi sợ thành tích kém của bạn tôi có khác nào nỗi sợ của Phương Anh: bị người thân phát hiện hay nói chuyện trong lớp. Sau đó, dẫn đến nỗi hèn nhát, mặc cảm phải giấu kín “chuyện đã rồi”, nói ra thêm nhục nên không muốn nhắc lại.
Một người bạn khác của tôi cũng vì tuân thủ nguyên tắc “trò giỏi, con ngoan”, đã không dám cãi lại dù nhiều lần bị đổ oan lấy trộm viết, thước kẻ của anh bằng sự thao túng của quyền lực người lớn: “Tao nói mày lấy thì đừng chối”. Trong khi đó, mẹ bạn quán triệt một tinh thần: “Nhà chỉ hai anh em, cãi nhau hàng xóm nghe được cười cho đó”.
Bạn chia sẻ, tuổi thơ mang sợ “cãi anh”, bị hàng xóm chê cười nên mặc nhiên chấp nhận tất cả thiệt thòi ngay trong chính gia đình. Trưởng thành, bạn nhạy cảm đến mức luôn cố gắng giấu mình, không muốn tranh cãi với ai, làm vừa lòng được ai mừng chừng đó!
|
Kiểm điểm của cô giáo sau sự việc |
2. Sau này, trải nghiệm cuộc sống giúp các bạn tôi hiểu rằng: đối phó với chứng lo sợ uy quyền, không cách nào khác là mạnh mẽ chạm tay vào nó. Nhưng việc đương đầu, đối phó ấy hoàn toàn khác với dám lên tiếng trước một chuyện tương tự không xảy ra với mình. Tệ hơn, đôi khi chất chứa nỗi sợ này trong tiềm thức, họ còn có thể tin rằng, nó hoàn toàn bình thường hoặc trở nên vô cảm.
Anh bạn tôi chưa bao giờ cho con mình tự chọn lấy đồ chơi. Thằng bé 5 tuổi thích mô hình xe ô tô nhưng trong giỏ đồ chơi không có lấy một chiếc, ngược lại, đầy ắp những món đồ không muốn đụng vào như siêu nhân, mô hình lắp ráp chữ, số... Bạn bảo, không muốn con lớn lên thành đứa trẻ mê tốc độ… như anh!
Và rồi, thằng bé sớm bị gắn mác đứa trẻ hư khi hễ nhìn thấy mô hình ô tô của ai là giật phăng hoặc lấy trộm. Cho đến năm lớp Tám, nó mặc nhiên tin rằng, không có gì xấu vì ăn cắp là bù đắp cho sự thiếu thốn; nên, nó lơ đễnh ngay khi phát hiện một người bạn mở cặp trộm tiền của giáo viên.
Quyết liệt nói không và biết chống trả cái ác, cái xấu ít khi là bản năng có sẵn, mà là quá trình được rèn luyện, dạy dỗ để tạo thành kỹ năng và nhận thức.
Muốn trang bị cho một đứa trẻ những kỹ năng, nhận thức này, phụ huynh cần có sự ý thức, kiên trì trong quá trình dạy con. Chở con đến ngã tư, bạn phê phán ai đó vượt đèn đỏ, rồi dạy con không nên, thậm chí vẽ ra những nguy hiểm từ hành vi mang lại. Nhưng, việc dạy con này sẽ “phá sản” nếu chỉ trong một lần, bạn để con chứng kiến mình là người không dừng trước tín hiệu đèn đỏ. Hoặc, bạn thờ ơ bảo rằng “kệ họ đi, chuyện đó không phải của mình” khi thấy con tò mò vì sao người hàng xóm rượt đuổi tên cướp vừa giật lấy dây chuyền của cô gái đi đường…
“Cắt không ngay không ăn, chiếu trải lệch không ngồi” - để một đứa trẻ biết “phát hiện”, từ chối, lên tiếng với cái ác, cái xấu phải bắt đầu từ những chuyện giản đơn; bằng sự kiên trì và ý thức của người lớn. Đừng để một ngày con thỏa hiệp với cốc nước bẩn đầy độc tố, cảm giác đau thương kia sẽ không chỉ một mình con nếm trải.
Tuyết Dân