Ai 'trị" được... muối?

10/02/2025 - 07:33

PNO - Ai hay tiếp xúc với muối? Câu trả lời sẽ là: phụ nữ, vì họ thường là người chế biến các loại thực phẩm, cũng là người nội trợ bỏ muối vào thức ăn khi nấu nướng cho cả nhà. Thông thường, chỉ ai thận yếu mới kiêng muối, vì thế nên số đông người thường không quan tâm.

Báo chí Anh, trong bài viết “sự thật về muối” đã đưa ra khuyến cáo về một trong những kẻ giết người tiềm ẩn lớn nhất thế giới - chính là muối, đồng thời cho biết dân chúng hầu hết đã tiêu thụ muối quá nhiều. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo mức hợp lý là người lớn chỉ được dùng 5gr/ngày, nhưng người Anh đang dùng bình quân 6gr/ngày. Nếu người mắc bệnh huyết áp, chỉ cần giảm nửa số muối dùng hằng ngày là đã có thể giảm bệnh.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Nước Anh từng có Chương trình giảm muối toàn quốc từ năm 2002 và là nước dẫn đầu phong trào này. Argentina và một số nước châu Âu đều có chương trình bắt buộc giảm muối, vì 85% lượng muối đã truyền vào cơ thể người thông qua thực phẩm, khi thói quen ăn uống các món qua chế biến sẵn như thịt xông khói, bánh mì, khoai chiên, gia vị, đồ hộp… đã thành lối sống.

Còn tại Việt Nam thì sao? Theo Bộ Y tế, có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Trung bình 1 người trưởng thành tiêu thụ 8,1gr muối/ngày - cao hơn khuyến cáo của WHO.

Cũng theo Bộ Y tế, khoảng 59% dân số ăn thiếu rau và trái cây so với khuyến nghị là mỗi người cần ăn ít nhất 5 suất (tương đương với 400gr) mỗi ngày.

Bên cạnh đó, tỉ lệ dân số thường xuyên thêm muối, mắm hoặc gia vị mặn vào thức ăn khi nấu hoặc trong khi ăn là 78,2%. Có 8,7% số người luôn luôn hoặc thường xuyên ăn thức ăn chế biến sẵn có hàm lượng muối cao. Những thông tin trên có trong kết quả Điều tra quốc gia yếu tố nguy cơ bệnh không lây nhiễm (STEPS) năm 2021 do Bộ Y tế chủ trì thực hiện.

Muối nguy hiểm là vậy nhưng vẫn hằng ngày hằng giờ âm thầm phá hoại sức khỏe con người, ảnh hưởng đến tương lai của cả dân tộc. Trong khi đó, nhiều người vẫn vô tư ăn mặn với lý lẽ: “Ăn mặn mới đậm đà”, “Lao động nặng nhọc lại ăn lạt… làm sao sống?”.

Tôi cho rằng, đã đến lúc cần bàn tay gác cửa hữu hiệu của các bà nội trợ trong cuộc chiến với muối để đảm bảo sự lành, sạch của các bữa ăn. Khi phụ nữ, đặc biệt là các bà nội trợ, ý thức rõ điều này thì hiệu quả mang đến còn cao hơn mọi lời kêu gọi.

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI