Ai thực sự muốn được kéo dài tuổi hưu?

24/04/2018 - 19:00

PNO - Một khảo sát của Tổng LĐLĐ Việt Nam cho kết quả: 70 công nhân lao động trực tiếp muốn giữ nguyên tuổi hưu như hiện nay (nam 60, nữ 55). Nhưng tại nhiều nhà máy, công nhân quá tuổi 40 đã có nguy cơ bị “thải loại”.

Hai phương án nâng tuổi hữu lên 62/65 đối với nam và 60 đối với nữ đang được Bộ LĐ-TB&XH đề xuất nhưng thực lòng mà nói, đối với những người lao động – cả công chức và viên chức nhà nước (khoảng 4 triệu người) – thực sự lao động chứ không phải “sáng vác ô đi tối vác ô về” thì chẳng mấy người thích thú với việc bị kéo dài tuổi hưu thêm 2 năm chứ đừng nói là 5 năm.

Đối với những người có chuyên môn cao hay giỏi, thường được gọi là chuyên gia, thì nhà nước cũng đã có chính sách tận dụng chất xám của họ (chế độ ưu đãi và tuổi hưu lên đến 65) rồi. Thay vì kéo dài tuổi hưu để tận dụng chất xám của họ, có nhiều cơ chế theo kiểu như cộng tác, hợp tác, ký hợp đồng có thời hạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Ai thuc su muon duoc keo dai tuoi huu?
Thay vì kéo dài tuổi hưu để tận dụng chất xám, có nhiều cơ chế theo kiểu như cộng tác, hợp tác, kí hợp đồng có thời hạn sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Bộ LĐ-TB&XH từng đưa ra 7 lý do nâng tuổi hưu, tuy nhiên lý do lớn nhất được dư luận quan tâm bàn tán nhiều chính là khả năng vỡ quỹ BHXH nếu không nới tuổi về hưu. Kéo dài tuổi hưu, cũng có nghĩa là người lao động phải đóng nhiều hơn và thành ra hưởng ít hơn so với chính sách tuổi hưu hiện hành. Có chăng, đa phần những người có quyền chức và nhiều bổng lộc mới muốn kéo dài tuổi về hưu.

Việc muốn kéo dài tuổi hưu đã được Bộ LĐ-TB&XH bày tỏ ý định từ năm 2016 nhưng ngay thời điểm đó, rất nhiều ý kiến trong dư luận đặt ra rằng để tránh tình trạng vỡ quỹ BHXH thì trước hết cơ quan BHXH Việt Nam phải nâng cao quản lý, tiết giảm chi phí và tinh giảm biên chế, nâng cao năng suất lao động để cho bộ máy hoạt động hiệu quả hơn, sau đó mới nên tính đến việc kéo dài tuổi về hưu.

Tuy nhiên, cứ nhìn vào các khoản chi phí để cải cách thủ tục BHXH lên đến hàng trăm tỉ đồng mỗi năm đã đủ cho thấy cơ quan BHXH Việt Nam khá “rộng tay” trong việc chi tiêu tiền đóng bảo hiểm của người lao động.

Chi phí này trong năm 2018 là 511 tỉ đồng, năm 2019 là 431 tỉ đồng, năm 2020 sẽ là 491 tỉ đồng và đến năm 2021 là 526 tỉ đồng. Những chi phí này được trích từ khoản thu khổng lồ lên đến hàng trăm ngàn tỉ đồng (năm 2017 thu từ các loại bảo hiểm đạt 291.321 tỉ đồng).

Ai thuc su muon duoc keo dai tuoi huu?
Kéo dài tuổi hưu, cũng có nghĩa là người lao động phải đóng nhiều hơn và thành ra hưởng ít hơn so với chính sách tuổi hưu hiện hành. 

BHXH Việt Nam chỉ cần tiết giảm các loại chi phí hành chính, chi thường xuyên.v.v… ở mức 1% nguồn thu mỗi năm thôi đã có thể tiết kiệm được tới vài ngàn tỉ đồng.

Vâng, hầu hết những người lao động cả trí óc và phổ thông đều không muốn nới rộng tuổi về hưu mà muốn BHXH Việt Nam – cơ quan có vai trò, nhiệm vụ giữ hộ tiền bảo hiểm của người lao động Việt Nam – cần luôn ghi nhớ rằng tiền họ giữ là của người khác chứ không hề do họ làm ra, và càng không phải muốn tùy tiện chi tiêu thế nào cũng được.

Và điều chúng ta cũng không mong muốn là còn hơn 200.000 cử nhân, thạc sĩ bị thất nghiệp không tiếp tục rơi vào tình trạng thất nghiệp dài dài do bị “ùn tắc” vì cô, bác, cha chú… của họ cực chẳng đã phải lao động thêm 2 hay 5 năm nữa mới được rời khỏi vị trí công việc và về hưu. Một sự kéo dài mà người lớn tuổi không mong muốn trong khi người trẻ thì không được trao cơ hội việc làm sớm hơn.

Cần khẳng định ngay rằng, nếu xét về cơ cấu dân số và độ tuổi của nguồn lao động tại Việt Nam, nước ta chưa tới mức cần kéo dài tuổi về hưu. Bởi vẫn còn đó hàng trăm ngàn cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp; và cũng còn đó hàng triệu thanh niên vùng nông thôn chưa đi vào guồng máy lao động công nghiệp.

Diệu Tiên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI