1. Thời còn bé xíu, có lần tôi nghe mợ tôi nói: “Nếu kiếp sau được đầu thai thành đàn ông thì sung sướng biết bao nhiêu”. Tôi chẳng hiểu tại sao. Sau này, khi lớn lên, tôi mới biết, sở dĩ nhiều phụ nữ cũng thốt ra câu ấy còn do nghĩ đến lúc sinh nở. “Người chửa cửa mả” kia mà! Mỗi lần vượt cạn không khác gì “đi biển mồ côi một mình” với bao nhiêu bất trắc, sóng gió riêng mình phải gánh lấy, chứ bấy giờ làm gì có người chồng nào chia sẻ cảm giác “đau như đau đẻ”!
Dù muốn hay không, đã là đàn ông, một khi lập gia đình phải trở thành “trụ cột” nhưng rồi vẫn có người “bám váy vợ” đó thôi! Không thành “cột”, chỉ là “kèo”. Thiên hạ có chê bai rẻ rúng gì đâu, đơn giản còn do quan niệm cũ rích trút xuống đôi vai người vợ trách nhiệm “dạy con ngoan, nuôi chồng khỏe”. Không phải ngày xưa mà bây giờ trong nhiều nhà vẫn còn suy nghĩ “bình đẳng” trong sự phân chia, đại khái vợ làm việc nhỏ, chồng làm việc lớn.
Việc nhỏ là gì? Là thức khuya dậy sớm lo toan tất tần tật mọi việc trong nhà từ chợ búa, bếp núc, nuôi dạy con đến quán xuyến cửa nhà; đã thế, còn phải lao ra ngoài xã hội kiếm tiền phụ lo cho gia đình. Còn việc lớn? Xuân thu nhị kỳ trôi qua, làm quái gì có việc lớn! Cứ thế, người đàn ông tận hưởng ngày tháng thong dong trôi qua, cứ ỷ lại vào sự tháo vát của vợ.
Tuy nhiên, “vàng son” ấy không còn hoặc chỉ còn sót lại rất ít trong đời sống hiện đại. Tôi dám nói rằng một khi xã hội ngày càng phát triển, thân phận người phụ nữ đã được thừa nhận theo chiều hướng tích cực, tạm gọi “nam nữ bình đẳng” thì bấy giờ, người đàn ông không còn được hưởng những “đặc quyền” như trước nữa.
2. Thời buổi bây giờ, đàn ông phải chịu nhiều áp lực. Tại sao thế? Vô lý thế?
Thiên hạ bảo “đèn nhà ai nấy sáng”, “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, vậy, việc nhà mình thì hà cớ gì thiên hạ phải xía vào, ý kiến ý cò? Nói như vậy không sai nhưng đừng quên rằng quan niệm về người đàn ông/người chồng đã thay đổi. Một trong những thay đổi căn bản nhất: đã “trụ cột” thì họ phải là người đóng vai trò chủ động về kinh tế. Sự thành đạt của họ, nếu muốn xã hội thừa nhận, vẫn chính là đủ khả năng nuôi được vợ con.
Theo tôi, đây là một trong những dấu hiệu cho thấy sự thay đổi trong quan hệ bình đẳng vợ chồng. Một khi đàn ông chịu nhiều áp lực trong việc lo toan cho mái ấm của mình, đó là sự tiến bộ xã hội. Nói ra điều này hoàn toàn không hề chủ quan. Đã có lần, với vai trò nhà báo, tôi phỏng vấn hàng loạt cô lấy chồng ngoại hầm bà lằng quốc tịch. Tôi hỏi tại sao các cô lại chịu “lên xe hoa” với người đàn ông lạ hoắc lạ huơ, dung mạo “dưới điểm 5”, bất đồng ngôn ngữ, lại phải sống nơi đất khách quê người mà mình không hề biết gì. Thật bất ngờ, hầu hết các câu trả lời vẫn là, chẳng lẽ các cô lấy người cùng quê cùng làng suốt ngày “nhậu nhẹt xả láng sáng về sớm”, không làm ra một xu lại “chồng chúa vợ tôi”? Lấy “của nợ” đó làm gì?
Nghe ra chua chát quá.
Sự chua chát trên sẽ không còn nếu đàn ông trong mỗi nhà tự ý thức về áp lực của chính mình trong việc lo toan cho mái ấm. Có như thế, phụ nữ mới tin cậy “trao thân gửi phận”. Hóa ra chỉ có người nghèo mới chịu áp lực còn người giàu thì không? Không đâu. Dù giàu hay nghèo, áp lực cũng không tha.
3. Nếu là người nghèo, trong túi không tiền, tất nhiên họ còn phải chịu áp lực từ nhiều phía. Tôi có quen vợ chồng người bạn, thỉnh thoảng khi gặp tôi, cô vợ thở dài: “Anh thấy đó, nhà giàu có gì đâu mà thỉnh thoảng chồng tôi lại mời bạn kéo bè về đãi đằng phát khiếp; ấy là chưa kể những lúc rủ nhau ra quán”. Nói xong, cô ấy nhẩm tính cho tôi thấy nếu không “chén chú chén anh”, số tiền đó sẽ làm được biết bao việc: từ tiền chợ đến sữa, tã cho con…
Ái ngại thật.
Tôi khuyên can bạn, hắn ta bảo: “Tớ biết, tiếc tiền lắm chứ nhưng nếu không như thế, liệu có tạo được mối quan hệ thân thiết với cấp trên, đồng nghiệp, bạn bè…?”. Đó chính là một áp lực không nhỏ. Cô vợ không hiểu việc làm “tích cực” này, cằn nhằn mãi đâm ra gấu ó. Áp lực từ nhà đến công ty là thế, vậy mà họ đâu bỏ cuộc bởi mục đích hướng đến vẫn là lo cho vợ con một cuộc sống sung túc, khấm khá hơn. Tôi lại nhớ đến một chi tiết trong truyện ngắn của Nam Cao, khi ở trong hoàn cảnh nghèo, bị quá nhiều áp lực phải kiếm tiền, người chồng không thể nào lo cho vợ con nên tự chì chiết: “Anh… anh… chỉ là… một thằng… khốn nạn”. Cô vợ an ủi: “Không!… Anh chỉ là một người khổ sở! Chính vì em mà anh khổ”.
Với câu trả lời chan chứa sự cảm thông này, tôi nghĩ, người đàn ông/người chồng không còn thấy gánh nặng của áp lực nữa. Nó trở nên nhẹ hơn. Nói như thế vì trên đời này, một trong những nỗi khổ tâm lớn nhất của đấng mày râu không phải thu nhập cao hay thấp, giàu hay nghèo mà chính là lúc người đầu ấp tay gối không cảm thông, đem mình ra so sánh với “chồng người ta”.
Điên tiết nhất vẫn là những câu nói dù thật, dù đùa, dù dịu dàng, dù cà khịa thì nghe cũng cáu tiết. Đại khái: “Anh xem kìa, cô X. may phước quá, chắc kiếp trước có tu hay sao mà được chồng sắm cho nhiều thứ ghê”. Nói xong, vợ bèn kể ra hàng loạt thứ rồi chép miệng thở ngắn than dài: “Phải chi anh cũng tài ba lỗi lạc như chồng cô X. thì mẹ con em sung sướng biết bao nhiêu!”.
Câu nói ấy đúng hay sai?
Tôi nghĩ không sai. Chỉ có điều tội nghiệp cho người đàn ông nếu họ đã nỗ lực hết sức. Và, biết đâu họ cũng ao ước như thế, cũng mơ như thế nhưng rồi “lực bất tòng tâm”. Câu nói ấy càng không sai khi người chồng không có chí tiến thủ, nó sẽ tác dụng như một “cú hích” để “trụ cột” nhìn lại.
Nói đi cũng phải nói lại, sự việc này không đơn giản bởi có những phụ nữ/người vợ không biết đâu là “điểm dừng”, không biết đâu là đủ. Mà, cái sự đòi hỏi ấy sẽ trở nên “trầm trọng” nếu không đồng hành cùng sở thích, tính cách của người chồng. Có câu chuyện mà tôi đã chứng kiến và biết rõ, đại khái cô A. cực kỳ sung sướng khi trở thành vợ một người ăn nên làm ra. Này nhé, vào dịp sinh nhật, ngay lập tức cô nhận được món quà là chiếc xe hơi do chồng trao chìa khóa.
Cô thích lắm, sung sướng lắm nhưng rồi chỉ mới nửa năm sau, cô thẽ thọt: “Kìa anh, bạn em vừa mới được chồng tặng cho chiếc xe còn “ngon” hơn xe của em nữa. Chồng người ta hào phóng có khác”. Người chồng nghe lùng bùng lỗ tai, không phải vì tiền thiếu hụt mà điều anh muốn hướng tới, mong đợi ở vợ là thứ khác. Anh mong có thể tìm thấy ở vợ những sở thích, sinh hoạt liên quan đến đời sống nội tâm, về nghệ thuật như mình, chứ không phải lúc nào cũng canh cánh nỗi niềm vì vợ cứ đem “chồng người ta” ra so sánh. Như thế, ngay cả “người giàu cũng khóc”.
4. Quan điểm của tôi vẫn là nên tạo áp lực cho người đàn ông/người chồng nhưng nếu cứ đem “chồng người ta” làm “chuẩn mực” thì áp lực đó trở nên quá hớp - dù trong hoàn cảnh giàu hay nghèo, người đàn ông nào cũng méo mặt như chơi. Không khéo lúc đuối quá, họ bèn “bỏ của chạy lấy người” khiến mất “cả chì lẫn chài”. Ai thiệt?
Lê Minh Quốc