Ai tập xe đạp mà không ngã?

11/03/2022 - 11:34

PNO - Muốn có được thành tựu trong một việc gì đó thì đừng sợ ngã, sợ đau. Bài học lớn ấy của nhân sinh tôi cũng đã “ngộ” ra từ vụ tập đi xe.

Ngày nhỏ, tôi học chữ không đến nỗi nào, nhưng kỹ năng vận động chân tay lại thuộc hàng… siêu dở. Tổng kết cuối năm tôi cứ bị thiếu điểm môn thể dục dài dài. 

Mẹ mắng, mẹ có lý của mẹ, nhưng nào phải do tôi làm biếng. Thầy hướng dẫn thế nào, tôi theo đó tập mà vẫn không được thì biết làm sao? Sau này lớn lên nghiên cứu sách vở tôi mới biết mình thuộc tạng người bị khiếm khuyết “trí thông minh vận động”. Đó là thứ trí thông minh mà các vận động viên tài ba luôn sở hữu dư thừa trong khi mấy đứa vụng về hậu đậu như tôi lại rất… thiếu.

Hậu quả của cái thiếu ấy không chỉ “hành” tôi môn thể dục ở trường mà còn khiến tôi học những kỹ năng khác vất vả, đặc biệt là vụ tập đi xe đạp.

Năm tôi học lớp Năm, nhà có duy nhất chiếc xe đạp nữ (sườn đầm) nhỏ, cỡ vành 600. Kiểu xe này rất khó cho con nít tập đi, do chiều cao… lỡ cỡ: ngồi lên yên chân chống không tới đất còn ngồi dưới sườn xe thì chân lại không thể đạp bởi nó thấp tè. Thấy bạn bè cùng lứa biết đi xe đạp, tôi ham quá nên tính kế… liều mạng tập đại.

Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy
Thời chúng tôi, rất hiếm những chiếc xe đạp dành cho trẻ em như bây giờ (Ảnh mang tính minh họa - Phùng Huy)

Xe thấp, ngồi dưới sườn mà đạp như lũ bạn có xe cao là không thể, tôi nghĩ ra cách dắt xe lại tựa cột rào. Tay cầm lái, tay đu cột, tôi phóc lên yên ngồi, bỏ chân lên hai bàn đạp xong là… tôi xô cột, buông tay cho xe có đà chạy tới và dùng hai chân đạp đi luôn. 

Ban đầu xe loạng choạng nhưng rồi tôi cũng đi được. Tuy nhiên có cái vụ dừng, xuống xe là gay go: chỉ còn cách để cho ngã oạch cả người lẫn xe vào bờ rào hoặc bãi cỏ. Ngã kiểu này đau điếng, có lúc còn toạc cả da chân, nhưng tôi đành chịu. Cái khó ló cái khôn, ngã đau hơn chục lần tôi mới nghĩ được kiểu xuống xe bằng cách bỏ hai chân sang cùng bên, phóng gọn xuống đất…

Đi xe được, nhưng điều khiển xe chưa vững, tôi vẫn phải lái hai tay. Thấy người ta lái xe chỉ bằng một tay, thích quá tôi bèn… thử. Vừa buông tay trái ra chiếc xe lập tức nghiêng sang bên, không bẻ lái kịp. Con đường làng nơi tôi đang tập xe khá hẹp, một bên còn là con mương nước rộng rinh. Mất thăng bằng, cả người cả xe rơi tòm xuống mương. May mà có ông bác đi ngang thương tình lội xuống kéo tôi và xe lên. Không bị thương nhưng quần áo tôi ướt như chuột lột, dở cười dở khóc.

“Tai nạn” nhiều vậy; nhưng cuối cùng tôi cũng biết đi xe đạp, và đi vững. Với tôi, đây quả là một phần thưởng xứng đáng.  Từ ngày “làm chủ” được chiếc xe, tôi có thể tự mình thực hiện những chuyến đi chơi xa không còn phải phụ thuộc, nhờ vả ai. Quan trọng hơn, biết đi xe đạp còn khiến tôi mạnh mẽ, tự tin hơn. Xe đạp đã đồng hành, mở ra cho tôi những chân trời mà trước kia tôi chưa hề biết. Từ “hậu đậu”, tôi có thể điều khiển xe vững vàng bằng đủ kiểu: đạp chậm, đạp nhanh, lái một tay, thậm chí… buông cả hai tay vẫn không sao. 

Còn nữa; muốn có được thành tựu trong một việc gì đó thì đừng sợ ngã (đau); bài học lớn ấy của nhân sinh tôi cũng đã “ngộ” ra từ vụ tập đi xe. Bằng chứng: Chị Tư tôi lúc nhỏ tập xe bị té một lần chống tay xuống đất sai khớp. Từ đó chị sợ, không bao giờ dám leo lên xe thêm lần nữa. Kết quả: Đến già chị vẫn không thể điều khiển xe đạp hay xe máy, đi đâu cũng phải nhờ người chở hoặc đi xe ôm. 

Y Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI