PNO - Với những bộ phim được trình làng ở giải Cánh diều 2018, rõ ràng, gương mặt điện ảnh Việt là một gương mặt méo mó, phiến diện, gây cảm giác bất an cho không ít nhà chuyên môn lẫn công chúng.
Tối nay, 12/4, tại Nhà hát Quân Đội (TP.HCM), sẽ diễn ra lễ trao giải Cánh diều 2018 cho bốn thể loại phim: hoạt hình, tài liệu, phim truyện truyền hình và phim truyện điện ảnh. Chỉ 14/35 phim điện ảnh sản xuất trong năm dự giải, trong đó nổi lên quá nhiều thứ để lo âu về tương lai của điện ảnh Việt Nam.
Không có gì ngạc nhiên khi trong hội thảo chủ đề "Sáng tác điện ảnh, phim truyền hình 2018", diễn ra sáng 9/4 vừa qua, nhiều ý kiến của các nhà chuyên môn cho rằng, hầu hết phim truyện dự giải Cánh diều năm nay đều thiếu bản sắc văn hóa dân tộc. Ngoại trừ Song lang - một bộ phim được làm tử tế, rõ nét văn hóa Việt, với nội dung “khóc thương” bộ môn nghệ thuật cải lương, số còn lại gồm một chút hài, một chút trinh thám, một chút phiêu lưu đường rừng và 3 phim mang hơi hướm ngoại lai, vì làm lại từ kịch bản nước ngoài.
Tháng năm rực rỡ thành công về doanh thu, nhưng lại phạm nhiều lỗi của một bộ phim nghệ thuật
Sự lạc quan năm nay nằm ở chỗ: ít còn thấy những phim “thảm họa”, đồng thời có sự tiến bộ ở khâu kỹ thuật, dần tiệm cận với nền công nghiệp điện ảnh thế giới. Mặt khác, việc một số phim kéo được khán giả đến rạp, đạt gần 200 tỷ đồng doanh thu, phá kỷ lục phòng vé của phim 2017 cũng là dấu hiệu tích cực. Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn, chút lạc quan này chẳng thể che hết được những lo âu vốn có từ vài thập niên trở lại đây, về giá trị thực sự của một nền điện ảnh Việt.
Trước đây, những bộ phim làm về đề tài chiến tranh, dẫu đâu đó trên thế giới có những nhà phê bình cho rằng, điện ảnh Việt Nam là một nền điện ảnh “tuyên truyền”, với chúng ta, đó vẫn là một nền điện ảnh rất đáng tự hào. Ở đó, điện ảnh Việt Nam đã khơi dậy được trong lòng khán giả tình yêu đất nước, vẽ nên biết bao chân dung những anh hùng dân tộc, hữu danh lẫn vô danh. Những nghệ sĩ thuở ấy đã làm xuất sắc phận sự của mình và giờ đây, dẫu người còn người mất, các tác phẩm họ để lại vẫn là những “đại sứ” Việt Nam, được các nhà hoạt động văn hóa trên thế giới lựa chọn trong các sự kiện liên quan tới Việt Nam.
Thời kỳ mở cửa - kinh tế thị trường cũng là thời kỳ điện ảnh Việt Nam bước vào thử thách lớn: một lớp khán giả thế hệ mới xuất hiện, với những yêu cầu mới, thị hiếu thưởng thức mới, từ đó nảy sinh hai dòng phim thường được gọi là phim nghệ thuật và phim giải trí. Phim giải trí gần gũi với đời thường, dễ xem, nên có khách. Phim nghệ thuật với đề tài xa lạ, người làm phim chưa đủ tài làm cho nó hấp dẫn, nên khó chen chân vào rạp. Cuộc chạy đua không cân sức giữa hai dòng phim này diễn ra trong một thời gian đủ dài để phim nghệ thuật phải đầu hàng, “chết” tức tưởi trong những năm gần đây và điều này được coi là tất yếu.
Hỏi hiện nay, ai nắm trong tay sinh mệnh của điện ảnh Việt Nam, nhìn qua những bộ phim đã được sản xuất và phát hành, câu trả lời quá rõ: các nhà làm phim tư nhân. Đồng tiền liền khúc ruột. Bỏ tiền túi ra làm phim, ai cũng phải nhắm đến lợi nhuận, nên các nhà làm phim tư nhân có chạy theo thị hiếu số đông cũng là điều đương nhiên.
Từng có những “gương điển hình” tán gia bại sản vì tâm huyết với phim nghệ thuật, phim lịch sử, nên bây giờ không mấy ai còn dám liều. Nhận định lạc quan cho rằng, năm 2018 không còn những phim “thảm họa” là điều đáng mừng, thật ra chỉ là vì sự sinh tồn của chính các nhà làm phim tư nhân - họ phải thay đổi theo gu, tiêu chuẩn thưởng thức mới hoặc là chết. Khán giả hôm nay ngày càng “khôn” ra. Những bộ phim làm ẩu, làm dở, sẽ nhanh chóng bị quay lưng.
Đòi hỏi các nhà sản xuất tư nhân phải làm những phim mang tầm văn hóa cao, đi vào những vấn đề bức xúc của xã hội, thể hiện tính dân tộc… là đòi hỏi vô lý, bất khả thi, bởi ai sẽ lo nồi cơm của họ. Nhưng nếu không có những tác phẩm như vậy, công chúng trẻ sẽ nhận được những món ăn tinh thần gì, nhận thức được gì, học hỏi được gì và sẽ trở thành người có nhân cách thế nào khi màn ảnh Việt chỉ toàn cung cấp những cảnh mua vui hời hợt, những kiểu hành xử theo bản năng ngoại lai, những trò hành động thiên về bạo lực…?
Điện ảnh được xem như thư ký của thời đại, nhân chứng của lịch sử, là một trong những phương tiện hiệu quả để quảng bá hình ảnh, văn hóa của đất nước. Không quan tâm tới điện ảnh là bỏ mất một “đại sứ văn hóa” quan trọng. Nhưng xem ra, những nhà quản lý nước ta đang coi nhẹ vai trò của điện ảnh. Bằng chứng là nhiều năm qua, điện ảnh Việt hiếm có, nếu không muốn nói là không có nổi một phim hội đủ những yếu tố để xứng đáng đại diện cho điện ảnh Việt Nam trước bạn bè quốc tế.
Sau những phim “nghệ thuật” được Nhà nước đặt hàng không đạt doanh thu lẫn nghệ thuật, nhiều biện pháp đã được đưa ra để cứu nguy, trong đó có việc thành lập “Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh” - một cách học theo mô hình của nhiều nước trên thế giới, nhằm hỗ trợ cho những phim có tính nghệ thuật cao nhưng yếu về doanh thu. Song đề án được Cục Điện ảnh trình lên Chính phủ 3 lần, đến nay vẫn không có hồi âm.
Một lý do khác khiến điện ảnh Việt thiếu đi chân dung cần có là khái niệm về bản sắc dân tộc. Trong các cuộc liên hoan phim, các sự kiện điện ảnh, người ta đều đọc được khẩu hiệu “đậm đà bản sắc dân tộc”, song bản sắc dân tộc ấy là gì, như thế nào, thật không dễ để nhận ra, càng khó khăn khi thể hiện nó trên màn ảnh. Phải chăng, bản sắc dân tộc Việt chỉ thông qua quần nõn, áo the, áo dài, áo tứ thân… hay cải lương, tuồng, chèo…
Làm hết những “di sản” này thì bản sắc dân tộc sẽ là gì giữa một thế giới phẳng, con người Việt Nam hội nhập với thế giới bên ngoài về mọi mặt. Điều này đòi hỏi đội ngũ làm phim phải có kiến thức rộng, thẩm thấu được hồn dân tộc một cách sâu sắc. Chứ như hiện nay, những bộ phim Việt, hầu hết chẳng khác gì những đứa con lai Mỹ, Trung Quốc, Hàn…
Với những bộ phim được trình làng ở giải Cánh diều 2018, rõ ràng, gương mặt điện ảnh Việt là một gương mặt méo mó, phiến diện, gây cảm giác bất an cho không ít nhà chuyên môn lẫn công chúng. Điện ảnh Việt Nam đã từng là một “nhan sắc” được khán giả trong nước ngưỡng vọng, bạn bè quốc tế nể trọng. Nhưng với những gì đang diễn ra, quyền sinh sát nằm trong tay các nhà làm phim tư nhân thiên về lợi nhuận, các cấp Nhà nước lại thờ ơ. Ai sẽ vẽ lại chân dung đẹp đẽ cho điện ảnh Việt trong giai đoạn mới là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Nên chăng trở lại là giải thưởng nội bộ của Hội Điện ảnh Việt Nam?
Giải Cánh diều vốn xuất thân từ giải thưởng nội bộ của Hội Điện ảnh Việt Nam. Hằng năm, Nhà nước tài trợ để 7 hội thuộc liên hiệp các hội văn học nghệ thuật toàn quốc trao giải cho những tác phẩm xuất sắc, nhằm động viên các nghệ sĩ sáng tác. Cho đến nay, 6 hội khác vẫn giữ nguyên truyền thống xem xét tất cả sáng tác của hội viên và trao giải trong phạm vi nội bộ. Chỉ có Hội Điện ảnh Việt Nam, từ hơn 10 năm nay, chuyển thành giải Cánh diều với quy mô lớn, như một liên hoan phim. Nhưng Liên hoan phim Việt Nam được Nhà nước lo chi phí, còn Cánh diều phải tự chạy tài trợ, nên ngày càng gặp khó khăn, quy mô thu dẹp, dần khiến người làm phim bớt háo hức, không muốn gửi phim dự thi.
Năm 2018, cả nước sản xuất tổng cộng 35 phim, song chỉ có 14 phim dự giải. Điều này không đúng với mục đích mà giải thưởng hằng năm của Hội Điện ảnh Việt Nam nhắm đến. Khác với một liên hoan phim nặng về tính cộng đồng, giải thưởng của Hội Điện ảnh Việt Nam là giải thưởng hoàn toàn mang tính nghề. Lẽ ra, hội phải xem xét hết 35 phim, có những đánh giá xác đáng, tìm ra những tác phẩm xuất sắc để trao giải, như một cách khẳng định tính nghề nghiệp, chứ không phải mời và chờ người ta gửi phim đến để chấm như cách đang làm. Trước sự khó khăn trong việc tìm tài trợ để tổ chức giải Cánh diều quy mô lớn như hiện nay, nên chăng trở về với cách trao giải nội bộ hơn là làm một phiên bản mờ nhạt của liên hoan phim quốc gia vì thiếu tiền.
Bộ phim tài liệu Page One: Inside the New York Times phản ánh câu chuyện của báo chí đương đại với những thách thức trong kỷ nguyên mạng xã hội lên ngôi.