Ai sẽ hát cho anh nghe bài hát cuối?

25/11/2017 - 06:00

PNO - Giờ anh hoài nghi khi người ta nói người Việt giàu tình cảm. Điều đó có đúng không khi những tình cảm ấy không được chia sẻ, không được thể hiện?

Anh giật mình xen chút chạnh lòng khi câu hỏi ấy bật ra trong đầu, lúc đang xem một bộ phim trên ti vi. Trong phim, nhân vật nữ lớn tuổi có khối u não. Lúc chuẩn bị vào phòng mổ, bà khá bình tĩnh, ôm hôn chồng và hai cậu con trai, dặn dò gửi gắm mọi điều. Khi y tá đẩy xe vào phòng mổ, cơn xúc động bộc phát khiến bà òa khóc, không muốn tiến hành phẫu thuật nữa. Đột nhiên, người chồng cất tiếng hát.

Mọi người ngạc nhiên, hai cậu con trai cũng ngẩn người rồi nhận ra đây là bài hát mà mẹ mình rất thích. Cả ba người đàn ông cùng hòa nhịp hát chung… Lời bài hát bằng tiếng Anh, anh chỉ lõm bõm hiểu rằng ca từ rất lạc quan, giai điệu vui tươi. Nhờ vậy mà người phụ nữ ấy được an ủi, xoa dịu và tự tin bước vào cuộc chiến đấu của mình. 

Ai se hat cho anh nghe bai hat cuoi?
 

Anh không có ý định “review” bộ phim, chi tiết ấy là căn cớ để câu hỏi “Ai sẽ hát cho anh nghe bài hát cuối” bật ra và lan man mãi trong đầu. Anh nghĩ xem ai là người mà mình muốn sẽ hát cho mình nghe trong giờ phút như thế? Ai sẵn lòng hát cho anh nghe, bài hát nào anh muốn nghe? Anh không tìm được câu trả lời cho mình.

Hơn bốn chục năm qua anh đã sống cho ai, vì điều gì? Trong chừng mực nào đó, anh vẫn nghĩ mình là người sống có trách nhiệm, ít ra là trong các mối quan hệ với gia đình, anh em, bạn bè. Độc lập trong công việc, tự chủ trong kinh tế, không giàu có nhưng anh luôn biết cân đối và thấy ổn trong điều kiện cho phép.

Xét cho cùng, với anh, kiếm thật nhiều tiền chưa bao giờ là mục tiêu, là ưu tiên số một. Anh cứ thong dong, nhẹ nhàng trong mọi việc, chưa bao giờ từ chối một cơ hội nào để kiếm tiền, nhưng cũng không vì tiền mà đánh đổi những điều anh cho là giá trị cốt lõi của bản thân. Ở đời, cái gì cũng có giá của nó! 

Đó chỉ là một bộ phim thôi mà, anh nhủ thầm, nhưng câu hỏi trên vẫn lan man hoài. Tại sao nó lại là vấn đề với mình? Trong đời, anh cũng đã vài lần chứng kiến hoặc trải qua mất mát khi người thân ra đi: nội, ngoại, ba anh. Tình thương - anh không so sánh nhưng sẽ khác với mỗi người, tùy vào sự gắn bó, những kỷ niệm.

Ai se hat cho anh nghe bai hat cuoi?
 

Anh ít có kỷ niệm với nội bởi từ nhỏ đến lớn anh không sống chung với bà, chỉ nhớ những chiếc áo gối được nối bằng vải vụn hình tam giác, hình vuông nhiều màu sắc tự tay bà khâu, gửi lên khi có người trên thành phố về quê. Ngoại thì anh nhớ nhiều, thời mới ra trường anh ở chung với bà.

Anh nhớ những chuyến xe đạp chở ngoại đi lòng vòng quận Phú Nhuận để bà thăm những người quen cũ, nhớ món sườn ram ngọt, món dưa chua làm từ cải bắp và cần nước. Nhớ đêm triều cường, nước ngập ướt lưng, ngoại gọi anh lên nằm chung giường. Ngoại mất đã hơn 15 năm mà anh vẫn nhớ mùi dầu gió thoang thoảng.

Anh nhớ hoài lần về thăm ba bị tai biến nằm trong bệnh viện. Không gì đau đớn bằng cảm giác bất lực khi người thân khóc, ú ớ nói mà mình không hiểu, không nghe được gì. Trong cơn cuống cuồng của anh, bác sĩ giải thích rằng ba anh bị vỡ mạch máu liên quan đến dây thần kinh chi phối việc khóc. Anh nhớ khoảng thời gian ngắn ngủi mấy anh em ngồi bóp bóng tiếp sức cho ba thở những giây phút cuối cùng. Anh không nói được gì với ba, dù có bao điều muốn nói. 

Giờ anh hoài nghi khi người ta nói người Việt giàu tình cảm. Điều đó có đúng không khi những tình cảm ấy không được chia sẻ, không được thể hiện? Xem ti vi, anh thấy ở các nước, thành viên trong gia đình ôm hôn nhau, động viên nhau rất tự nhiên, tình cảm.

Người Việt lại rất gượng gạo, không tự nhiên khi bày tỏ cảm xúc yêu thương với người thân. Dù có sự khác biệt về văn hóa, giáo dục nhưng những thứ thuộc về con người, cảm xúc thì phải giống nhau chứ?  

“Ai sẽ hát cho anh nghe bài hát cuối?”, anh vẫn loay hoay tìm câu trả lời. Nếu không trả lời được, phải chăng anh đã sống không đúng? Nếu sai, anh  hy vọng mình còn đủ thời gian để sửa.  

Nam Khương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI