Ai sẽ cất tiếng cho tuổi học trò hôm nay?

23/04/2023 - 07:53

PNO - Tuổi học trò trên trang sách lâu nay chủ yếu là tình yêu mơ mộng, ký ức tuổi hoa niên, những hồi tưởng man mác thuở còn ngồi trên ghế nhà trường… Còn những vấn đề học sinh phải đối mặt hôm nay gần như vắng bóng.

“Phía sau vết cắt”

1 trong 2 tác giả được trao giải thưởng Tác giả trẻ của cuộc thi Truyện ngắn hay năm 2022 (do Tạp chí Văn nghệ TPHCM phối hợp với Hội Nhà văn TPHCM tổ chức) là em Hoàng Yến (16 tuổi), với truyện ngắn Phía sau vết cắt. Bằng cách kể chuyện trực diện, ngay phần mở đầu, Hoàng Yến đã đi thẳng vào vấn đề bạo lực học đường. Bị một trận đánh phủ đầu của nhóm bạn, nhân vật “tôi” như một “con cừu đang hấp hối chết dần trong biển mắt hoang tàn của những người đi săn”, không có cơ hộiphản kháng. 

Tác giả Hoàng Yến (thứ hai, từ phải sang) đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực học đường qua văn chương - ẢNH: NGỌC TUYẾT
Tác giả Hoàng Yến (thứ hai, từ phải sang) đã gióng một hồi chuông cảnh tỉnh về vấn nạn bạo lực học đường qua văn chương - Ảnh: Ngọc Tuyết

“Khi sự việc diễn ra, mẹ đã rất tức giận và nhanh chóng báo lên hiệu trưởng. Những tưởng mọi thứ sẽ được giải quyết với nạn nhân là người giành được công lý, thầy lại nói trong vô cảm: “Trong trường này cũng có nhiều bạn bị giống con, nhưng cũng là lỗi của các bạn thôi mà. Do các bạn có vấn đề nên mới bị bắt nạt”. Từ khoảnh khắc đó trở đi, chẳng âm thanh nào của buổi trò chuyện lọt vào tai tôi nữa”. Một đoạn văn trần thuật, câu chữ đơn giản nhưng chân thật và có độ khái quát cao. Tác giả như thể đang nói thay cho bè bạn cùng trang lứa. Phía sau vết cắt kết thúc bằng những câu ngắn, ám ảnh: “Mẹ ơi con xin lỗi...”. Một làn máu chảy dài nương theo vết cắt kẻ khờ. Màn đêm kết thúc”. Đó là khi nhân vật “tôi” sau bao nhiêu đau khổ giày vò, sau bao lần không được sẻ chia, thấu hiểu, đã lựa chọn cái chết.

Tác giả Thái Song Khê - chuyên viên Đường sáchTP Vũng Tàu, nguyên biên tập viên Nhà xuất bản Trẻ: Hiếm bản thảo hay

Hiện nay chúng ta có rất nhiều sách hay, sách mới cho các em thiếu nhi nhưng lại rất thiếu sách cho tuổi học trò cấp II, III. Tôi cũng từng làm việc ở nhà xuất bản nên rất hiểu, bản thảo chất lượng viết cho lứa tuổi này rất khan hiếm. Nhà văn và các đơn vị xuất bản hoặc là viết sách/làm sách cho các em thiếu nhi hoặc hướng đến bạn đọc lớn hơn, từ độ tuổi sinh viên.

Còn một phân khúc bạn đọc rất lớn là học sinh trong độ tuổi vị thành niên hầu như bỏ ngỏ. Các em đang rất thiếu những tác phẩm hay dành cho tuổi mình, những tác phẩm mà các em thật sự thấy bản thân mình, câu chuyện của thế hệ mình trong đó. Tôi cho rằng đó cũng là một phần lý do vì sao các em thích tìm đọc thể loại truyện tranh, truyện ngôn tình.  

Một truyện ngắn có kết thúc quá đau đớn và một sự thật đã diễn ra gần giống như thế vừa qua: một nữ sinh lớp Mười trường chuyên Đại học Vinh tự tử vì bạo lực học đường. 

Rất nhiều vụ việc bạo lực học đường cũng đã được báo chí phản ánh lâu nay. Văn chương phản ánh hiện thực, một hiện thực quá đỗi đau lòng và có sức cảnh tỉnh người lớn nhưng lâu nay, gần như không có tác phẩm nào cất tiếng thay cho những vấn đề lớn mà tuổi học trò hôm nay phải đối diện dưới mái trường. Phát biểu tại lễ trao giải, Hoàng Yến bày tỏ rằng em viết từ trải nghiệm nỗi đau của bản thân và những người bạn cùng cảnh ngộ, với mong muốn được người lớn lắng nghe, chia sẻ.

Trong truyện, Hoàng Yến cũng đã bày tỏ góc nhìn về những người thầy, người cô “vô cảm”, nói những lời hoa mỹ nhưng không thực sự có tấm lòng yêu thương, sẻ chia. Hình ảnh “người thầy” không còn là “người đưa đò thầm lặng” như hình tượng bóng bẩy trong văn học nghệ thuật lâu nay. Đây là điều mà chính những người lớn trong nhà trường, phải thật sự soi rọi mình. 

Nhà văn Bích Ngân - Chủ tịch Hội Nhà văn TPHCM - chia sẻ: “Cũng chính truyện ngắn này đã làm tôi bàng hoàng và thôi thúc tôi phải làm gì đó để cùng những người cầm bút, bằng tác phẩm của mình, góp phần cảnh tỉnh sự nguy hại từ bạo lực học đường mà chúng ta vẫn thường thấy tin tức và hình ảnh đau lòng vẫn được đưa lên các phương tiện truyền thông cũng như mạng xã hội gần như mỗi ngày”.

Sự xuất hiện của một cây bút học trò với câu chuyện nhức nhối về bạo lực học đường như cất lên một tiếng nói cho thế hệ mình, gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh cho người lớn và cũng để những người cầm bút giật mình. Ai sẽ cất tiếng cho tuổi học trò hôm nay khi nhà văn - những người mang sứ mệnh “ghi chép thời đại” đã và đang bỏ quên, bỏ qua những hiện thực đau lòng dưới mái trường?

Có nhiều tác phẩm viết về tuổi học trò thế hệ trước nhưng thiếu tác phẩm phản ánh những hiện thực nóng bỏng dưới mái trường hôm nay
Có nhiều tác phẩm viết về tuổi học trò thế hệ trước nhưng thiếu tác phẩm phản ánh những hiện thực nóng bỏng dưới mái trường hôm nay

Sách nhiều nhưng vẫn thiếu 

Trên thị trường sách hiện nay, tác phẩm viết về tuổi học trò không phải hoàn toàn thiếu vắng. Nhưng, đó là các tác phẩm viết về tuổi hoa mộng của thế hệ trước. Trong đó có thể kể đến các tựa thuộc Tủ sách Tuổi Hoa mà Phương Nam Books từng tái bản: Chiếc lá thuộc bài (Nguyễn Thái Hải), Con đường lá me (Thùy An), Mật lệnh U-Đỏ, Pho tượng rồng vàng (Hoàng Đăng Cấp), Ngày tháng nào (Tôn Nữ Thu Dung), Tiếng chuông dưới đáy biển (Nguyễn Trường Sơn), Lòng mẹ (Nhật Lệ Giang)… 

Chị Võ Thiên Hương - đại diện truyền thông Nhà xuất bản Kim Đồng, chi nhánh TPHCM:Cần thu hút cây bút học trò  viết về tuổi mình

Nhà xuất bản không ngại in các tác phẩm phản ánh những vấn đề nhức nhối của tuổi học trò hôm nay. Nhưng chúng tôi hầu như chưa tiếp nhận được bản thảo về đề tài này, chủ yếu là các sách kỹ năng, truyền cảm hứng. Trước giờ, Nhà xuất bản Kim Đồng luôn có xu hướng tìm kiếm những cây bút trẻ, chưa có tên tuổi và khuyến khích các bạn viết về những vấn đề thuộc về tâm lý tuổi mình, về cuộc sống hiện đại, những gì mà các bạn đang phải đối diện, vượt qua…

Việc tổ chức những cuộc thi viết cho tuổi học trò cũng rất hay, rất cần thiết nhưng làm thế nào thu hút được sự tham gia của các cây bút trong độ tuổi ấy mới là điều quan trọng. Chính các em mới là những người hiểu rõ nhất, phản ánh được đúng nhất tâm tư của thế hệ mình và những vấn đề học đường hiện nay. 

Nhà xuất bản Văn hóa Văn nghệ cũng từng tái bản các tác phẩm thuộc Tủ sách Tuổi Ngọc của các nhà văn Từ Kế Tường, Mường Mán, Đoàn Thạch Biền, Đinh Tuyến Luyện… Nhưng đây đều là các tác phẩm trước năm 1975 hoặc viết về tuổi học trò của những năm thập niên 1980, 1990. 

Năm 2022, Nhà xuất bản Kim Đồng cho tái bản các tựa thuộc Tủ sách Tuổi Mới Lớn với tác phẩm của nhiều cây bút thế hệ 7X, 8X: Nhện ảo (Nguyễn Ngọc Thuần), Ba chàng trai, một cô gái và những chiếc lá (Nguyễn Thị Châu Giang), Những lối về miền hoa (Nguyễn Thu Thủy), Nắng trong lòng phố (Phương Huyền)… Sbooks cũng mang bộ sách viết về tuổi học trò từng là bestseller của hơn 10 năm trở lại với thế hệ độc giả hôm nay: Xu xu đừng khóc, Đài các tiểu thư, Nếu em ở đây, Bạch mã hoàng tử và Lãng tử gió (tác giả Hồng Sakura).

Du Bút có truyện tranh Mùa hè bất tận của Lâm Hoàng Trúc… Thế nhưng, nhìn lại vẫn thấy hầu hết là những câu chuyện về tình yêu lãng mạn, những hồi ức đẹp về tuổi học trò thế hệ trước, trong những bối cảnh văn hóa - xã hội rất khác thời đại hôm nay. Kể cả trong các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, tuổi học trò cũng luôn được kể bằng những câu chuyện đẹp, man mác cùng ký ức của nhà văn về quê nhà xứ Quảng. 

Những gì thể hiện trong các tác phẩm viết cho tuổi học trò cũng vô tình tạo ra góc nhìn chung rằng: tuổi hoa niên mơ mộng, lãng mạn, với tất cả hồi ức đẹp đẽ, bay bổng. Điều này không sai. Nhưng thời đại mới với quá nhiều đổi thay, tuổi học trò của hôm nay không chỉ có những ngày tháng tươi đẹp dưới mái trường mà còn phải đối diện với những vấn đề lớn: phá thai, bạo lực học đường; cô đơn, thiếu sự quan tâm của người lớn; tự do khám phá thế giới nhưng cũng dễ mất phương hướng, chạy theo những giá trị ảo…

Tất cả điều này là vấn đề rất lớn của một thế hệ nhưng gần như hoàn toàn vắng bóng trong văn chương. Lâu nay, các cuộc thi văn chương hoặc các cuộc đầu tư/tổ chức trại sáng tác hướng đến nhiều đề tài, nhiều ngành nghề/lĩnh vực nhưng mảng đề tài học đường gần như bị bỏ quên. Sự thiếu vắng này có một phần trách nhiệm của những người cầm bút. 

Lục Diệp

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI