Ai rồi cũng tập thể thao: Tập yoga - cách tốt nhất để kết nối với chính mình

28/11/2024 - 16:19

PNO - Yoga không phải là chinh phục tư thế, mà là bạn đã mang lại cho cơ thể sự lắng đọng, độ tập trung cần thiết chưa?

Tôi cảm nhận được điều đó sau quãng thời gian tham gia lớp tập yoga. Ban đầu, tôi khá háo hức muốn biết tập bao lâu thì mình có thể lên tư thế đẹp như các bạn tập lâu năm; bao lâu nữa thì cơ thể săn chắc, giảm mỡ nội tạng, tinh thần phấn chấn, tươi trẻ từ trong ra ngoài… Rất nhiều lợi ích mà tôi đọc được trước khi đến với bộ môn này.

Nhưng càng tập, tôi càng nhận ra điều đó là không cần thiết. Bởi với mỗi cơ thể và cách tập sẽ cho kết quả khác nhau. Có người cơ địa dẻo sẵn, có thể ngay ngày đầu đã lên tư thế mà người tập cả chục năm chưa lên được.

Trong yoga có sự công bằng cho tất cả, bởi mỗi cơ địa đều có ưu điểm của mình, và điều quan trọng nhất theo tôi, không phải là tập giỏi hay chưa, lên tư thế được hay không, có giảm được cân không, mỡ nội tạng có xuống được mức mong muốn không, mà là sự kết nối với chính mình.

Tư thế Em bé tuy đơn giản nhưng giúp cơ thể thư giãn rất hiệu quả (ảnh minh họa)
Tư thế em bé tuy đơn giản nhưng giúp cơ thể thư giãn rất hiệu quả (ảnh minh họa)

Nếu nói về triết lý yoga thì sâu rộng vô kể, ở đây, tôi chỉ nói đến cảm nhận của mình ở mức dễ nhận biết nhất đó là sự kết nối với chính mình, nghe vừa gần vừa xa. Gần vì có ai không biết chính mình, để mà phải kết nối? Xa là nghe có vẻ thiên về tâm linh quá!

Thực tế, không phải ai cũng dễ dàng kết nối với chính mình. Bạn đã thử ngồi yên lặng 10 - 20 phút và chỉ tập trung vào hơi thở chính mình chưa? Để làm được điều ấy, tôi đã phải tập luyện rất lâu. Bởi trong đầu luôn có những ý nghĩ “chạy nhảy” không chủ định. Làm sao để “kéo” mình trở lại với hơi thở là điều cần tập luyện.

Bắt đầu là 2 phút, 5 phút, 10 phút, 30 phút. Để làm gì ư? Sẽ có được vô số lợi ích trong việc ngồi yên một chỗ mà không để tâm hướng đến thứ khác. Theo nghiên cứu, trung bình mỗi ngày chúng ta có từ 50-70 ngàn suy nghĩ, mỗi phút sẽ là 35-48 suy nghĩ lướt qua sóng não. Những ý nghĩ đó đa phần chẳng đọng lại gì, thậm chí có cả những ý nghĩ tiêu cực ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Khi những suy nghĩ và cảm xúc đau buồn kéo dài, ta dễ dàng rơi vào cái bẫy tiêu cực, nhìn mọi thứ qua bức màn xám đục không lối thoát.

Những nghiên cứu còn chỉ ra những suy nghĩ không cần thiết chiếm gần một nửa hoạt động trong ngày của chúng ta. Đáng nói hơn, nó làm ta mất đi độ tập trung khi cần.

Những động tác tập trung vào hơi thở giúp ta kết nối với chính mình (ảnh minh họa)
Những động tác tập trung vào hơi thở giúp ta kết nối với chính mình (ảnh minh họa)

Tôi nhớ, có một học viên trong lớp yoga, tuy đã chọn vào lớp yoga, mà bạn nhấp nhổm không ngồi yên, mặc dù từng động tác tiếp nối và không lặp lại quá nhiều. Đến giữa buổi, bạn hết chịu nổi phải ra ngoài với lý do: “Em buồn ngủ quá!”.

Hẳn giáo viên yoga cũng không xa lạ gì với học viên ngáp dài ngáp ngắn khi tập, bởi đó là bộ môn luyện cho người ta sự tĩnh lặng và biết quan sát chính mình. Nếu thích năng động, đỡ buồn ngủ, có thể chọn aerobic, nhảy dây, chạy bộ, boxing… Hoặc là bạn phải “kỷ luật thép” với chính mình, bởi khi bạn không ngồi yên được, là lúc mức độ tập trung của bạn đã kém đi.

Tập yoga, bạn sẽ có toàn thời gian dành cho cơ thể khi tập trung vào từng động tác. Động tác đó có khi chỉ là căn bản như hít vào, thở ra, co duỗi những cơ khớp trên cơ thể. Khi chú tâm vào duy nhất một vấn đề, bộ não cũng được thả lỏng, tạm thôi không “chạy nhảy” những ý nghĩ khác trong đầu. Từ đó, mức độ tập trung của ta sẽ được cải thiện.

Cao hơn nữa, ta có thể cảm nhận được phản ứng của cơ thể qua từng động tác, xem nó đau ở đâu, dễ chịu như thế nào, giới hạn cơ địa ra sao... Từ đó biết lắng nghe cơ thể, yêu thương cơ thể đúng mực.

Yoga không phải là chinh phục tư thế, là thể hiện độ thâm niên trong quá trình tập, mà đơn giản chỉ là ngồi xuống lặng yên cho cơ thể lắng đọng lại. Điều đó cần biết bao để cân bằng giữa nhịp sống hối hả ngày nay.

Vậy sao bạn không yêu thương cơ thể mình bằng cách dành 1 giờ tập luyện mỗi ngày?

Ban Mai (Q.Phú Nhuận, TPHCM)

Bạn có đang theo đuổi hay dự định tham gia môn tập luyện nâng cao sức khỏe và tinh thần nào không?

Hãy chia sẻ câu chuyện, quan điểm và bí quyết luyện tập cùng chúng tôi. Bài viết xin gửi về địa chỉ email: online@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI