Ai rồi cũng sẽ già!

14/08/2024 - 06:12

PNO - Ai rồi cũng sẽ già. “Gieo nhân nào gặt quả ấy”, nếu cha mẹ không thương yêu, chăm sóc ông bà thì làm sao đòi hỏi mai sau con cái chăm sóc mình?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ai rồi cũng sẽ già, đó là điều tất yếu. Thế nhưng, với nhịp điệu cuộc sống nhanh đến chóng mặt, quỹ thời gian eo hẹp tỉ lệ nghịch với số lượng công việc, thì việc quan tâm, chăm sóc người già không đơn giản chút nào.

Chính vì vậy, nên việc chăm sóc người già đôi khi là gánh nặng cho người trẻ. Từ đó việc hiểu tâm lý người già là việc mà những người trẻ cần phải biết để không chỉ chăm sóc người già là bổn phận mà còn mang ý nghĩa yêu thương.

Hiện nay trong gia đình và cả ở nhà trường, các em học sinh chưa hề được học cách chăm sóc người cao tuổi. Ngay những người lớn trong gia đình có thể cũng chưa biết, hay có kinh nghiệm chăm sóc người già, dễ dẫn đến lúng túng khi người già đau ốm.

Già thì đủ chứng lắm bệnh, chưa kể còn sinh… tật nhiều khi gây khó chịu cho con cái. Thử phân tích vài chứng thông thường của người già mà người trẻ vẫn thường than thở, để xem người trẻ hiểu tâm lý người già đến đâu?

Quên

Nhiều người than thở cha mẹ già hay quên. Quên là chuyện bình thường của con người khi trí nhớ phải nhồi nhét quá nhiều trong một thời gian bất kể dài hay ngắn, mà người già thì họ đã tiêu xài cho trí nhớ của họ quá nhiều rồi, người trẻ còn hay quên nữa là người già!

Một phụ nữ kể chuyện, mẹ chị năm nay 78 tuổi, mắc chứng hay quên, đến mức, nhiều lúc ăn rồi mà cứ khăng khăng bảo là chưa ăn, bỏ cái gì đâu đó không nhớ; nhưng, lại nhớ rất rõ những chuyện trong quá khứ từ hồi chị mới sinh ra đời.

Bệnh nhớ quá khứ cũng nảy sinh lắm chuyện phiền phức trong gia đình. Người già thì thích kể chuyện xưa, người trẻ mải mê lao về phía trước, không có thời gian ngồi lại với ông bà, vậy là ông bà đâm ra trách con cháu vô tình, bỏ lơ…

Điều ngạc nhiên nữa, tuy hay quên như vậy nhưng với tiền bạc không hiểu sao người già rất minh mẫn. Nhầm gì thì nhầm, quên gì thì quên, chứ tiền bạc tính không nhầm, không quên một đồng. Họ cẩn thận tiền bạc, vuốt thẳng thớm từng tờ giấy bạc 1.000đ - 2.000đ.

Theo ý chị, việc người già quý trọng tiền bạc là do họ đã trải, đã nếm, đã nghiệm. Nhiệm vụ của con cháu là nhìn cách giữ gìn tiền bạc của ông bà theo nghĩa tích cực, là ông bà muốn con cháu phải biết dành dụm, sẽ thấy nhẹ nhàng hơn là trách móc "già rồi còn thích giữ tiền!".

Thức

Khó ngủ về đêm là chứng bệnh hầu hết của người già. Có người chỉ nhắm mắt vài tiếng, rồi thức cả đêm. Việc thức đêm này thường làm con cái phiền, khó “chung sống hòa bình” với nhau. Trong khi người già đi ngủ lúc gà vào chuồng thì những người trẻ có thể thức đến 1-2 giờ sáng là giờ mà người già đã thức dậy.

Việc họ lục đục cả đêm không cho người trẻ ngủ (sau khi xem ti-vi, chat đã đời trên mạng) cũng dễ thành vấn đề xung đột. Chính vì thức khuya nên người trẻ có thể ngủ li bì đến… trưa hôm sau. Với người già đó là điều không chấp nhận được. Vậy là xung đột.

“Kinh nghiệm của tôi khi các cụ than phiền rằng không ngủ được hay khó ngủ thì phải giải thích cho các cụ biết đó là chuyện bình thường, người trẻ đôi lúc cũng khó ngủ. Không ngủ lúc này thì ngủ lúc khác. Chính thời gian ngủ lơ mơ cả ngày của các cụ đã đủ, đó không phải là bệnh. Vấn đề khó nhất là làm sao khi các cụ thức có việc gì để các cụ qua cơn mất ngủ thì người trẻ đôi khi không đáp ứng được, từ đó các cụ cứ than là buồn, cô đơn…”, đây là ý kiến của bạn tôi.

Đi

Nhiều người than phiền rằng sao cha mẹ họ đã già rồi mà cứ thích đi ra ngoài đường. Nhiều khi việc thích đi này làm họ lo lắng không ít. Thật ra, không có gì phải lo lắng, người già thích đi là mừng, trừ phi người già bị lẫn, đi không biết đường về. Tuy nhiên, vào tầm khoảng 3-4 giờ sáng, khi người trẻ còn say giấc nồng thì người già lại thích mở cửa ra đường để đi bộ buổi sáng. Vậy là thành mâu thuẫn.

Một phụ nữ chia sẻ: “Mẹ tôi thích đi bộ buổi sáng, ra ngoài công viện có nhiều bạn già, việc giao tiếp bạn bè, trao đổi thông tin làm bà thấy vui. Thời gian sau này cụ bị khớp nặng quá không đi được nữa tôi phải chở bà đi. Nhiều khi bận việc không đưa bà đi được, nhìn bà buồn, tôi rất áy náy”.

Người phụ nữ khác có cách giải quyết tích cực hơn: “Hàng tuần cả gia đình tôi cố gắng dành một buổi đưa mẹ tôi đi đâu đó. Khi thì đi thăm bà con, khi thì vào trung tâm thương mại, hay siêu thị. Đơn giản lắm, dặn cụ ngồi ở ghế, mình đi mua sắm, cụ rất vui”.

Cuối cùng, nhắc lại ý đầu bài: ai rồi cũng sẽ già, “gieo nhân nào gặt quả ấy”, nếu cha mẹ không thương yêu, chăm sóc ông bà thì làm sao đòi hỏi mai sau con cái chăm sóc mình? Do đó, chính việc cha mẹ chăm sóc, quý trọng ông bà là bài học trực quan sinh động nhất cho con cái noi theo.

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI