Ai rồi cũng sẽ đi xa một mình

18/08/2020 - 06:04

PNO - Năm tháng bên nhau đâu có bao nhiêu mà không hết lòng và trách nhiệm với nhau!

Sinh - lão - bệnh - tử, ai rồi cũng sẽ có chuyến đi dài nhất trong cuộc đời: chuyến đi tới huyệt mộ hoặc đài hoá thân hoàn vũ. Nhìn tấm ảnh người thân bệnh nhân 431 mặc đồ bảo quỳ tiễn người thân ra đi vì COVID -19, nhiều người đã bật khóc. Bởi hiếm có cuộc chia ly nào lại diễn ra chóng vánh, khổ đau đến như vậy!

Vì Covid -19, gia đình bệnh nhân 431 đã cách biệt trong cách ly (Ảnh intrernet)
Vì COVID -19, gia đình bệnh nhân 431 phải tạm người quá cố theo cách đau lòng chưa từng thấy (Ảnh internet)

Vì COVID-19 mà một gia đình 3 thế hệ với 20 thành viên bỗng nhiên phải ly tán biệt ly. Cháu bé hơn 1 tháng tuổi theo ba mẹ vào khu cách ly, trong khi ông nội mất ở Huế mà không có người thân nào bên cạnh.

Có cô gái trẻ muốn chạy về bên linh cữu của cha khi chỉ còn cách nhà 5 cây số, nhưng rồi cũng chỉ biết nức nở chịu tang trong khu cách ly khi cô vừa ở tâm dịch Đà Nẵng trở về.

Nặng lòng với nỗi đau của một ai đó, ta giật mình nhận ra, thì ra thứ quý giá nhất cuộc đời này không gì ngoài được sống và cách chúng ta sống với nhau.

Nhịp sống hối hả dễ khiến chúng ta phớt lờ, vô cảm, ngay cả với người thân yêu nhất. Những đứa con xa quê, được bao người thường xuyên về thăm hay nhấc điện thoại gọi về “cha làm gì đó mẹ”, “lưng mẹ có mỏi không”…

Có mấy đứa con thường xuyên ở bên cha mẹ già đâu. Ảnh minh họa
Có mấy đứa con thường xuyên ở bên cha mẹ già, làm cha mẹ vui. Ảnh minh họa

Con cái giàu thường chỉ nghĩ tới báo hiếu bằng tiền, người khó khăn thì tặc lưỡi "ông bà ở quê chi tiêu gì cho lắm". Cha mẹ chúng ta ở quê, hầu hết lủi thủi ra vào trong căn nhà vắng, hễ lễ tết lại nhốt gà nhốt vịt đợi con về.

Có bà mẹ nghèo một đời tằn tiện chăm đứa con nuôi. Anh được học cao đi nhiều nhưng chưa một lần đưa mẹ về nhà mình trên phố. Con anh chẳng biết quê cha, vợ anh thì lười về vì ở quê nằm giường không có nệm. Mẹ ốm thì thuê người chăm, ma chay đã có dịch vụ an táng. Sau đám tang, anh chỉ ở thêm ít ngày vì thủ tục chyển nhượng đất đai chưa giải quyết xong.

Nhưng cuộc sống quanh ta vẫn có người hiếu nghĩa. Như ông con trai gần 70 tuổi tận tuỵ chăm cha già tuổi gần 100, ẵm bồng vất vả hơn chăm em bé. Có chàng thanh niên không thân thích với ông cụ bị bại liệt trong xóm nhỏ, ngày nào cũng ghé tới giúp cụ tắm, dọn vệ sinh. Những câu chuyện ấm lòng đó đây nhắc chúng ta một điều: hãy chậm lại một nhịp, để lắng nghe cảm xúc của người thân yêu.

Chậm lại một nhịp để về ăn bữa cơm canh dưa cà với mẹ, kì cho mẹ tấm lưng, nhổ cho mẹ ít sợi tóc bạc. Ngồi bên cha thêm một lát đợi ông đánh nốt ván cờ, cố gắng nói to và lặp lại nhiều lần khi tai cha bị lãng…

Dẫu biết rằng không dễ gì dung hợp khi người già thích con cháu ở gần mà người trẻ thì một mực muốn đi xa. Người trẻ chúc mừng hay chia vui chỉ bằng dòng tin nhắn cú kích chuột, còn người xưa lại hiếu đạo trọn tình, hỏi thăm tường tận từ người nọ cho đến tận người kia. Người trẻ cho đó là nhiều chuyện, người già gọi đó là sự quan tâm nhưng không thích làm phiền.

Cho con gánh mẹ một đời (Ảnh minh họa)
Cho con gánh mẹ một đời (Ảnh minh họa)

Mẹ tôi vẫn từng nói: “Sau này mẹ có trăm tuổi, các con đừng nấu gì nhiều, chỉ mua cho mẹ củ khoai, miếng mít thế là xong”. Sợ mẹ nói gở, anh em tôi vờ trách, thế mà bà lặng im.

Cả cuộc đời cha mẹ tôi không biết đến mùi thịt xông khói, tôm càng xanh, nhưng có đĩa tép, mớ rau là đóng hàng gửi xe cho kịp tới nhà đứa này sang đứa khác. Giữa những bữa ăn dư thừa đạm, đĩa rau luộc và mấy quả chuối vườn của mẹ vẫn nổi bật và chẳng bao giờ thừa.

Quà quê dù không đẹp nhưng có vị của yêu thương. Có lúc nó mang vị mặn của nước mắt, có khi lại tràn ngập tiếng cười. Bữa cơm con ăn có dáng hình lam lũ của cha và nụ cười hiền từ của mẹ.

Đời người là hữu hạn, chúng ta chẳng thể mãi gần nhau. Thiên tai, dịch bệnh, tai nạn giao thông, tuổi tác… nào có đếm sót một ai. Có người đã ra đi trong tiếc nuối để người ở lại day dứt khi chữ hiếu chưa tròn.

Trong chuyến đi không có vé khứ hồi, ai rồi cũng phải đi một mình. Nhưng một mình chưa hẳn đã cô đơn nếu chúng ta đã sống và yêu thương nhau vẹn tình. Đừng đợi nắng tắt mới khao khát hừng đông.

                                                                                                               Lâm Hoàng

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(4)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI