Ai rồi cũng phải già, chẳng biết có cậy được con?

14/12/2017 - 06:00

PNO - Nhiều người khuyên: Hãy dành tiền, hãy…tự trông cậy vào bản thân. Phải tập tành không được ốm đau. Phải quen với sự cô đơn, đừng làm phiền.

Không phải chuyện con có hiếu hay không, mà là con không còn có thể nuôi cha mẹ già được nữa rồi, phải thế không? Chuyện này là của….Tây, hay của người Việt ở đô thị? Còn nhà quê thì sao? Các bậc cha mẹ có lương hưu, có tài chính đã đành. Những người không có tiền thì trông vào ai? Chưa có một điều tra nào toàn diện.

Ai roi cung phai gia, chang biet co cay duoc con?
Ảnh minh họa

Những người già bây giờ được khuyên qua hò vè nhiều lắm, nào là 3 có, 5 không (có tiền, có nhà riêng, có bạn bè. Không ở chung với con, không cho con hết tài sản, không nuôi cháu, không tham gia việc nội bộ gia đình của con), nghe như thù hận chống nhau.  Thời đại nó thế. Kinh nghiệm của cha mẹ cũng chả bằng bác “Gugồ”. Sự độc lập cá nhân lên cao. Nam thanh nữ tú bây giờ cá tính, nhiều khi…ác lắm (Con gái nói thẳng vào mặt mẹ già lý do cô không thể ở chung là: Bà…bẩn lắm). Mà già yếu chậm lụt có khi…bẩn thật. Còn cô ấy…thẳng thắn trung thực?

Kiểu gì cũng có người khen kẻ chê, chả biết đâu đúng sai. Chỉ thấy muốn khóc.

Thử nhìn nhà mình ở đô thị mà xem. Có con trai nhé, vài đứa nhé, có cả con gái nhé, nhưng thiếu gì chuyện tỵ nạnh nhau, để cha mẹ già phải làm “đại sứ lưu động” ở nhà đứa này một thời gian, sang đứa khác. “Hoa thơm mỗi người ngửi một ít” cho công bằng.

Con trai có học, đẹp trai, kinh doanh thành đạt cũng…chịu. Nó bận tối mắt. Có thời gian rảnh còn phải đưa cô vợ xinh với thằng con khôn đi ăn sáng, sinh nhật, du lịch, sang nhà mẹ vợ, du hý cà phê với bạn bè. Mở mắt không ra. Các nàng dâu thời đại còn bận theo đuổi học hành thăng tiến, thời trang, sắc đẹp, và nhìn bà mẹ chồng chả có kí lô nào. Ngay bà có của để lại cũng chả việc gì mang ơn. Chết bà có mang đi được không?

Ai roi cung phai gia, chang biet co cay duoc con?
Ảnh minh họa

Đấy là bình thường. Không thèm nói chuyện bọn bất hiếu ngược đãi đánh đập ở đây. Đời sống đô thị, văn minh mà người già vẫn không giải quyết được câu hỏi khó nhất, ai sẽ giúp đỡ mình sống đoạn tuổi già?

Nhiều người khuyên: Hãy dành tiền, hãy…tự trông cậy vào bản thân. Phải tập tành không được ốm đau. Phải quen với sự cô đơn, đừng làm phiền. Khổ quá, đã già yếu thì sao mà độc lập đây, tự làm lụng được đâu nữa? Bao nhiêu người Nhật sống căn hộ một mình, chết chả ai biết đó thôi. Thậm chí những làng quanh Tokyo có khối căn nhà bỏ không. Con cái ở thành phố, cha mẹ già sống ở nhà quê, chết đi, nhà bỏ đó không người ở, thiếu gì.

“Tuổi già là một cuộc …đắm tàu “- lời của một vĩ nhân đó nhé. Nghĩa là bản thân sự già đã là một bài toán khó giải hơn  cả …bổ đề Langland của Giáo sư Châu chăng?

Già là phải khổ, sướng làm sao được? Các nước văn minh có giải  pháp bằng Nhà dưỡng lão, gọi là Nhà Nurse – y tá chăm sóc. Nghe văn minh. Nhưng rồi giờ đây người ta lại bảo, đó là một…mô hình thất bại? Là vì, cũng có những nơi họ đánh người già, thậm chí báo đăng ở Mỹ có tới cả ngàn người già trong nhà dưỡng lão bị…lạm dụng tình dục. Trời đất ơi, rõ bất ngờ chưa?

Trong khi ta đang mơ ước những nhà dưỡng lão sao cho đàng hoàng (Giờ ở ta cũng đã có nhà dưỡng lão tư nhân  cao cấp cho người giàu, ở biệt thự, phí trả cả ngàn đô!), mà phải vừa túi tiền, vậy còn lâu. Trong khi ta mơ thế chưa được thì thế giới tân tiến họ đã đi tìm phương án khác hay hơn “Không đưa người già tách khỏi nơi quen thuộc của họ”. Nghĩa là họ cứ sống trong khu dân cư, hàng ngày sẽ có các tổ chức đến giúp họ sống ổn, có môi trường cộng đồng…

Chả biết “Già có cậy con? Hay cậy ai?” Câu hỏi đặt ra nhiệm vụ cho cả người già nỗ lực, con cái thương yêu đừng bỏ rơi, và xã hội có tổ chức tốt để người già (rồi ai cũng phải già) được sống những năm tháng sau cùng của đời người bớt đớn đau và không trách móc ai cả.

Quảng Yên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI