Ai quản thiết bị bay không người lái?

11/12/2024 - 06:07

PNO - Trong thời đại công nghiệp 4.0, thiết bị bay không người lái (UAV, drone, flycam) trở nên phổ biến. Nếu như vài năm trước, các loại UAV còn là hàng hiếm, chủ yếu được dùng trong quân sự, an ninh, tìm kiếm cứu nạn hay phục vụ nghiên cứu khoa học, khảo sát địa chất, môi trường nước, thực hiện các dự án điện ảnh, truyền hình thì nay đã trở nên quá quen thuộc với nhiều nông dân miền Tây Nam Bộ.

2 chiếc máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng miền Tây Nam Bộ - Ảnh: Huỳnh Lợi
2 chiếc máy bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật trên cánh đồng miền Tây Nam Bộ - Ảnh: Huỳnh Lợi

Các tiktoker, youtuber thường xuyên dùng flycam để chụp ảnh, quay video. Nhiều nông dân cũng dùng drone để sạ lúa, bón phân, phun thuốc. Drone giúp tăng năng suất, tiết kiệm lượng giống, phân bón và hóa chất, từ đó giảm chi phí sản xuất và hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của drone cũng nảy sinh những hệ lụy mà cụ thể không bảo đảm an toàn. Phần lớn drone đang được dùng không qua kiểm định, quản lý chặt chẽ. Đã có một số vụ tai nạn do drone, flycam gây ra, trong đó có vụ gây chết người, có vụ gây mất điện trên diện rộng, cho thấy lỗ hổng lớn trong việc quản lý và vận hành loại công nghệ này.

Hiện tại, chưa có cơ chế rõ ràng để quản lý số lượng, nguồn gốc và tình trạng kỹ thuật của các drone đang hoạt động tại Việt Nam. Các thiết bị bay không người lái được bán tràn lan, giao (ship) tận nhà mà phần nhiều trong số đó là hàng giả, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, gây nguy hiểm lớn khi vận hành.

Thực tiễn đang đặt ra yêu cầu là, trong khi khuyến khích ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về quản lý việc đăng ký và truy xuất nguồn gốc các thiết bị bay không người lái. Mỗi drone đều nên có mã số định danh để quy được trách nhiệm của chủ sử dụng, từ đó giúp ngăn ngừa tai nạn. Cần tăng cường đào tạo và cấp chứng chỉ cho người điều khiển drone; quy định về phạm vi và mục đích sử dụng, thiết lập khu vực cấm bay rõ ràng.

Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh cùng các ngành chức năng cần nghiên cứu, xây dựng quy trình kiểm định chất lượng, cấp phép cho các loại drone dùng trong nông nghiệp; tổ chức các khóa tập huấn cho nông dân về cách vận hành và bảo trì thiết bị. Chính quyền các địa phương cần tuyên truyền và tăng cường quản lý, giám sát hiệu quả việc sử dụng drone; hỗ trợ người dân đăng ký thiết bị và theo dõi hoạt động của chúng.

Drone đang mở ra một kỷ nguyên mới cho nông nghiệp hiện đại ở Việt Nam, đặc biệt là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, để công nghệ này thực sự phát huy tiện ích, việc quản lý chặt chẽ và xây dựng khung pháp lý là điều không thể thiếu. Các cơ quan chức năng cần nhanh chóng hành động để vừa tận dụng được lợi ích mà drone mang lại, vừa giảm thiểu tối đa các rủi ro tiềm ẩn. Chỉ khi đó, drone mới thực sự trở thành công cụ hữu ích, đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp nước nhà. Câu hỏi “Ai đang quản lý thiết bị bay không người lái và quản lý thế nào để vừa tiện lợi, vừa an toàn?” cần sớm được trả lời.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI