edf40wrjww2tblPage:Content
CÁC PHÒNG, KHOA ĐỀU QUÁ TẢI GẤP HAI, BA LẦN!
Dù sức chứa chỉ 600 người, nhưng hiện nay số bệnh nhân (BN) tâm thần đang được điều trị, nuôi dưỡng tại Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức lên đến 1.223 người. Hầu hết các khoa đều quá tải gấp hai-ba lần, Trung tâm phải xin thêm y, bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý.
Dẫn chúng tôi đi một vòng, bác sĩ (BS) Bùi Văn Xây - Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng người bệnh tâm thần Thủ Đức (gọi tắt là Trung tâm), cho biết khuôn viên Trung tâm rộng 5ha, có bảy khoa, sức chứa 100 người/khoa, nhưng hiện nay hầu hết các khoa đều chăm sóc từ 200 - 260 BN. Có 200 y, BS, điều dưỡng... phụ trách bảy khoa. Do công việc nhiều nên mọi người thường xuyên quá tải, căng thẳng. Để giảm áp lực, Trung tâm đang chờ bổ sung 10 y, BS.
Tình trạng quá tải đáng báo động, bởi Trung tâm được xây dựng cách nay hơn 20 năm, xuống cấp trầm trọng, thiếu cơ sở vật chất, phòng ốc thường bốc mùi hôi, không đảm bảo sức khỏe cho BN. Trong khi mỗi năm số BN luôn tăng, không ít BN phải nằm dưới sàn nhà.
Chúng tôi đến Khoa C đang nuôi dưỡng 264 BN nữ, đúng lúc BS phát thuốc. Trong khuôn viên chật hẹp chưa đầy 100m2, hàng trăm chiếc áo hồng chen chúc nhau chờ đến lượt. BS Nguyễn Thị Phượng - Trưởng khoa C chia sẻ, khuôn viên quá chật nên BN không có không gian vui chơi, giờ uống thuốc hay giờ ăn đều khá lộn xộn. Lúc tắm, BN phải xếp hàng dài từ phòng ngủ ra tận phòng tắm. Dù Khoa C có khá nhiều người già, nhưng cũng chỉ bố trí được hơn 100 giường vì không gian nhỏ hẹp.
Tình trạng quá tải xảy ra tương tự ở Khoa B dành cho nam. Khoa này sức chứa chỉ 120 BN, nhưng đang chăm sóc đến 245 người và chỉ với 20 nhân viên phụ trách.
BS Xây cho biết: “Chúng tôi mong muốn tất cả BN được nằm giường để công tác chăm sóc tốt hơn, nhưng không đủ không gian nên chỉ hơn 1/3 BN già yếu, bệnh nặng được ưu tiên, còn lại phải trải chiếu nằm dưới nền gạch. Về việc ăn uống, chi phí Nhà nước hỗ trợ bữa trưa, xế và chiều, riêng bữa sáng mỗi BN được hỗ trợ 5.000đ. Vì vậy, để tăng chất lượng bữa ăn, Trung tâm phải vận động các nhà hảo tâm và nguồn gạo từ Bệnh viện Ung Bướu hỗ trợ”.
Do quá tải nên các bệnh nhân phải chen chúc khá lộn xộn trong giờ phát thuốc tại Trung tâm điều dưỡng người tâm thần Thủ Đức
VẬN ĐỘNG HỒI GIA: TRĂM ĐƯỜNG LẮT LÉO!
Theo ông Lê Chu Giang, Trưởng phòng Bảo trợ xã hội Sở LĐ-TB-XH TP.HCM, vận động hồi gia rất quan trọng trong việc giảm tải, không chỉ thể hiện trách nhiệm của gia đình đối với người bệnh mà còn giúp công tác quản lý người tâm thần của Nhà nước tốt hơn. Bên cạnh khai thác tốt website của Trung tâm Điều dưỡng tâm thần Tân Định, giúp gia đình tìm người tâm thần lang thang, Sở LĐ-TB-XH TP.HCM đã làm việc với các quận, huyện, trực tiếp đến gia đình người bệnh hoặc mời họ đến để vận động đón người thân về, thực hiện đúng cam kết khi đưa người thân vào trung tâm.
Như vậy, có thể xem vận động hồi gia là biện pháp quan trọng giúp giảm tải tại các trung tâm. Liệu nỗi bất an của người dân có giảm bớt khi khả năng chăm sóc, quản lý người bệnh của người thân BN phần nhiều còn hời hợt, hạn chế? Thực tế, không ít gia đình vẫn còn e ngại chuyện rước người thân về, thậm chí muốn bỏ mặc, quay lưng!
Q.Bình Thạnh là địa phương có số người tâm thần cao nhất TP.HCM với 81 BN được Sở LĐ-TB-XH chọn làm thí điểm trong công tác vận động người tâm thần hồi gia trong năm 2015.
Theo đó, quận này sẽ rà soát và gửi thư mời đến người nhà BN tham dự một cuộc họp do Sở LĐ-TB-XH chủ trì, trực tiếp trao đổi, phân tích, vận động gia đình đưa người bệnh về nhà sau khi điều trị ổn định tại các trung tâm. Đến nay, quận vẫn đang rà soát, khoảng 50% trong số đó đúng địa chỉ, nhưng khi tiếp xúc gia đình thì rất nhiều trường hợp không muốn đưa người thân về nhà vì nhiều nguyên nhân như: cha mẹ già yếu, người bệnh về không tiện chăm sóc; gia đình neo đơn, có con cháu nhỏ hoặc do người bệnh thần kinh dễ kích động từng có hành vi bóp cổ, hành hung… nên gia đình không dám nhận về. Một số gia đình cho biết, chỉ đón về dịp lễ, tết để sum họp vài ngày.
Chúng tôi đến gia đình anh Lê Thanh Toàn (P.19, Q.Bình Thạnh), nơi có ba người (anh em) bị bệnh tâm thần. Hai người đang sống cùng ba mẹ và vợ chồng anh với tình trạng bệnh nhẹ, có thể quản lý được dù thường xuyên bị hàng xóm mắng vốn. Anh Toàn nói: “Riêng người em kế của tôi là Lê Thanh Tùng (50 tuổi) do bệnh nặng, lên cơn thường xuyên, mỗi lần lên cơn là quậy phá và thường dùng dao rạch, chém chính mình nên chúng tôi buộc phải đưa vào trung tâm. Giờ nếu Tùng phải hồi gia, gia đình lo làm sao xuể”.
Bên cạnh các nguyên nhân trên, BS Xây cho rằng thủ tục đưa người bệnh vào Trung tâm hiện nay khá rườm rà. Nhiều gia đình sợ đón BN về, khi tái phát “không có đường trở lại!”. BS Xây dẫn chứng, nếu 5 - 6 năm trước, mỗi năm Trung tâm vận động được 200-300 trường hợp hồi gia thì những năm gần đây mỗi năm chỉ vận động được hơn 100 trường hợp.
TÌNH THƯƠNG THÔI, CHƯA ĐỦ!
BS Phạm Văn Trụ - nguyên Phó giám đốc BV Tâm thần TP.HCM khuyến cáo, chăm sóc người tâm thần tại nhà nếu chỉ có tình thương thì chưa đủ, mà đòi hỏi người nhà BN có những hiểu biết nhất định. Cần giữ sự liên hệ mật thiết với BS để được tư vấn cách chăm sóc, theo dõi BN.
Qua thực tế, phóng viên ghi nhận rất nhiều trường hợp người tâm thần sống tại nhà, trong khi gia đình không có kỹ năng chăm sóc. Một số trường hợp giữ ở nhà chăm sóc nhưng phải khóa chân, nhốt, gây ức chế cho người bệnh. Anh Trần Văn Tốt (ấp 2, xã Đông Thạnh, H.Hóc Môn, TP.HCM) không có thời gian theo sát người em trai là Trần Văn Toán, bị bệnh tâm thần, nên gia đình anh thường khóa chân anh Toán bốn-sáu tiếng/ngày. “May là nó hiền và quen nên không phản đối, nhưng có hôm trời nóng bức nó bực bội chửi bới um sùm”, anh Tốt kể.
Hơn 15 năm cùng mẹ chăm sóc hai anh trai và một người em gái bệnh tâm thần, anh Vũ Tuấn Cường ở số 82, tổ 3, ấp Chà Là, xã Thanh Bình, huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước cho biết: “Hồi mẹ tôi còn sống, lúc Thủy, em gái út của tôi phát bệnh tâm thần, mang gửi Thủy vô Bệnh viện Tâm thần tại Đồng Nai.
Mẹ tôi mướn nhà trọ ở gần đó, vừa đi bán vé số, vừa canh giờ vào thăm vì sợ Thủy có cảm giác bị bỏ rơi. Sau, hai anh trai của tôi là Đạt (sinh năm 1965) và Lâm (sinh năm 1963) lần lượt phát bệnh tâm thần, nhờ kinh nghiệm hơn hai năm chăm sóc Thủy ở bệnh viện, mẹ tôi biết mỗi lần trái gió, trở trời họ rất dễ lên cơn, nhất là trong những ngày nắng nóng. Thời đó nhà tôi nghèo lắm, không có tiền mua thùng đựng đá, mẹ tôi đi xin mấy tấm xốp về kêu tôi lấy keo dán kín. Mỗi ngày bà đều mua một góc tư cây nước đá, chặt ra xếp bỏ vô thùng rồi lấy mấy cái khăn mặt, áo sạch bỏ vào đó, đậy lại, trưa nóng, lấy ra lau mát cho mấy anh em”.
Một mình chăm sóc ba người bệnh tâm thần, trong đó có cả cô em gái (sinh năm 1970), nên cuộc sống của anh Cường khá căng thẳng. Trước đây anh đi làm mướn, ai nhờ việc gì làm việc đó, không chút nề hà để lo cho các anh em. Sau khi báo Phụ Nữ đăng bài viết về anh (Tấm lòng của biển, ngày 24/9/2013), nhiều nhà tài trợ đã tìm đến nhà anh giúp đỡ. Có tiền, anh mua một dàn máy bơm, mở tiệm rửa xe tại nhà để có điều kiện canh mấy anh em kỹ hơn. Lúc nào anh cũng canh cánh nỗi sợ: ba anh em, hai trai một gái đều tâm thần ngơ ngẩn, nếu không có người canh ở nhà gây chuyện bậy gì thì hậu họa khôn lường.
Lấy thuốc đầy đủ, cho ba anh em uống thuốc đều đặn, đúng liều là công việc mà anh Cường luôn tự nhắc nhở mình. Anh kể: “Cho uống thuốc cũng phải kiên nhẫn, biết cách, Thủy thường giãy nảy, anh Lâm hay chạy trốn, còn anh Đạt như sắp nhào vô đánh mình nên tôi hay để lẫn thuốc vào bánh cho Thủy ăn, trộn vô nước cho Đạt uống, còn anh Lâm thì lần nào cũng phải năn nỉ, tỉ tê…”.
Có “thâm niên” hơn 20 năm nuôi ba người thân bệnh tâm thần tại nhà, bà Lê Kim Hai, sinh năm 1944, ngụ 234/39 Nguyễn Trãi, khóm 2, P.9, TP.Cà Mau cho biết: “Ba đứa con tôi, Hải, Chi và Oanh đều thuộc dạng “khùng hiền”, không gây gổ, chọc phá ai”. Theo bà Hai, anh Hải thích ngồi quán cà phê một mình. Nhiều lần bà Hai không có tiền cho con, Hải nổi cơn giận dỗi bỏ ăn cả tuần lễ…
Đến quán nước, bà Hai được cô chủ kể: “Anh ấy uống trà nóng rồi “ngồi đồng” mấy tiếng, chẳng chọc ghẹo ai hết bác ơi”. Kim Oanh thì thích làm điệu, ai cho áo quần đẹp, hay kẹp tóc, nơ là Oanh gom lấy “dùng” cùng một lúc. Những lúc đi bán về giữa trưa nhìn thấy con như vậy bà Hai nhẹ nhàng dỗ dành, chị mới đồng ý tháo bỏ bớt… Bà Hai tâm sự: “Các con mỗi đứa một tánh ý, mình biết rõ, nhưng cũng phải theo sát những cử chỉ của chúng, coi có cái gì lạ, bất thường là phải nhờ người đưa đi bệnh viện liền”.
THU HỒNG - HẠNH CHI
THẤY DẤU HIỆU TÁI PHÁT, ĐƯA NGAY VÀO BỆNH VIỆN! "Người nhà cần chú ý theo dõi để nhận biết những cách cư xử khác thường và can thiệp sớm việc tái phát của bệnh tâm thần. Khi thấy có các biểu hiện như: trầm lặng khác thường (gần như thu mình lại), hỏi không trả lời, bỏ ăn; không ngủ nhiều ngày; hoặc bỗng trở nên hiếu động và nói luôn miệng; sợ hãi, kích động… người thân nên đưa ngay đến cơ sở y tế kiểm tra. Đặc biệt, khi thấy họ có ý định gây thương tích cho bản thân hoặc tấn công, dọa nạt những người xung quanh, phải chuyển họ đi bệnh viện ngay". BS PHẠM VĂN TRỤ (nguyên PGĐ Bệnh viện Tâm thần TP.HCM) SẼ TẬP HUẤN KỸ NĂNG CHĂM SÓC CHO THÂN NHÂN NGƯỜI BỆNH TÂM THẦN "Để hỗ trợ người thân bệnh nhân mạnh dạn, tự tin đón các bệnh nhân tâm thần hồi gia, sắp tới Sở LĐ-TB-XH TP.HCM sẽ tập huấn cho gia đình có người thân mắc bệnh tâm thần. Năm 2014 tập huấn cho 1.200 người, năm 2015 sẽ tập huấn cho 1.300 người. Đây là Đề án triển khai theo quyết định số 1215 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, đoàn công tác do Cục Bảo trợ xã hội phối hợp cùng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và một số chuyên gia quốc tế đã khảo sát, tìm hiểu dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần của ngành lao động, thương binh và xã hội tại một số tỉnh, thành để có hướng hỗ trợ tốt hơn". Ông LÊ CHU GIANG (Trưởng phòng Bảo trợ xã hội, Sở LĐ-TB-XH, TP.HCM) |