edf40wrjww2tblPage:Content
Hàng loạt án mạng thương tâm
Gương mặt thất thần, ông Cặng kể: “Vợ chồng tôi có bảy người con, Vũ là con trai út. Ngày nhỏ tới giờ, bà nhà tôi thương nó nhất. Thấy nó khờ khạo hơn mấy anh em, chúng tôi không ép buộc nó trách nhiệm gì với gia đình, làm được bao nhiêu ăn bấy nhiêu, không có tiền về xin, vợ tôi lo cho nó hết. Nó là công nhân cầu đường ở Bến Tre, ít khi ở nhà. Lần này về, nó có nhiều biểu hiện lạ, thường lên cơn đập phá đồ đạc, mấy anh chị đưa đi bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ nói Vũ có biểu hiện tâm thần. Nhưng Vũ kiên quyết không uống thuốc. Mỗi khi lên cơn, nó thường gây sự với mọi người”.
Sáng 15/5, khi ông Cặng đang ngồi uống trà sau nhà bỗng nghe tiếng bà Dững kêu cứu thất thanh. Ông liền chạy vào thì thấy bà Dững nằm bất động bên vũng máu. Vũ vẫn ngồi trên người mẹ, cầm con dao dài điên cuồng bổ liên tục. Ông Cặng tri hô, hàng xóm đến cứu giúp và gọi báo công an. Sau đó, Vũ thản nhiên thay áo quần, đi bộ đến Công an xã Đôn Xuân đầu thú.
Biết tin này, nhiều người dân quanh xóm bàng hoàng. Vũ hiền lành, chưa một lần gây hấn với xóm giềng hay có tiền án, tiền sự gì, vì sao Vũ sát hại mẹ? Câu hỏi này khiến chúng tôi liên tưởng đến những vụ án mạng kinh hoàng do người tâm thần gây ra trong thời gian gần đây. Kẻ sát nhân không hề mang bộ mặt hung thần mà họ “rất bình thường”, “không biểu hiện gì lạ”, thậm chí “rất hiền lành”…
Đơn cử là vụ con dùng rựa chém chết cha ruột xảy ra ngày 13/3, tại thôn Thượng Xá, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Sau khi Lê Văn H. (SN 1986) giết chết cha ruột, ông Lê Văn D. (SN 1962) giữa sân nhà, nhiều người hàng xóm đều hết sức bất ngờ. H. là tài xế xe tải, cao to, đẹp trai, hiền lành. H. chăm chỉ làm lụng, không rượu chè, cờ bạc…
Trước đó không lâu, ngày 15/2, người dân thôn Xuân Phú, xã Xuân Phú, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang sửng sốt khi nghe Trần Văn Chiến (SN 1972) cầm hai chiếc dao bầu đoạt mạng hai chị em người hàng xóm là bà Nguyễn Thị Nguyệt (SN 1962) và em trai Nguyễn Văn Minh (SN 1967) vì nghi ngờ hai người này sát hại em trai mình bị đột tử buổi sáng cùng ngày. Chiến chưa một lần gây gổ với hàng xóm.
Rà soát lại hầu hết các vụ việc, người gây án đều có biểu hiện bệnh tâm thần. Vũ đã được người thân phát hiện hay nói nhảm một mình, lúc nào cũng nghĩ rằng mình bị theo dõi. Gần ngày xảy ra án mạng, gia đình đã đưa Vũ đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ đã cho toa thuốc an thần. H. từng điều trị bệnh nhiều đợt. Theo trưởng công an xã Xuân Phú, gia đình Chiến có nhiều người từng bị bệnh thần kinh…
Người đàn ông ăn mặc “đơn giản” này ngày nào cũng đi rảo khắp khu vực ngã tư Chợ Cầu, P.Đông Hưng Thuận, Q.12, kinh khủng nhất là lâu lâu, ông ta lại thoát y, hoặc mặc nội y rách bươm ra giữa phố
Lắm nỗi bất an
Ngay sau khi Phunuonline.com.vn đưa tin về án mạng thương tâm ở Trà Vinh, hàng chục cuộc điện thoại từ bạn đọc gọi về Đường dây khẩn của báo bày tỏ nỗi bất an. Chị Nguyễn Lan Anh, 31 tuổi, ngụ đường Nguyễn Văn Nghi, P.7, Q.Gò Vấp, TP.HCM nói: “Tôi lo lắng quá, ra đường, đi chợ… đều gặp người bệnh tâm thần, đâu ai biết lúc nào họ lên cơn và gây án mạng”. Bà Trần Thị Dung, ngụ số 284 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q.3, TP.HCM lo lắng: “Hơn 9.000 người bệnh tâm thần đang sinh sống tại TP.HCM như Sở LĐ-TB-XH công bố chỉ là con số bề nổi. Chúng tôi biết còn nhiều người tâm thần đang được gia đình che giấu”.
Theo phản ánh của người dân, chúng tôi đến chung cư 3/8 Nguyễn Văn Thủ, Q.1, TP.HCM - nơi có một thiếu niên được nhiều người cho là có vấn đề về thần kinh sinh sống. Bà Th. sống ở chung cư này cho biết, dù thương và thông cảm với gia đình của em K.T. (SN 2001), nhưng chứng kiến nhiều hành động bất thường của em, mọi người rất lo lắng, cứ nơm nớp sợ cháy chung cư...
Theo bà Th. và một số hộ dân sống ở đây, đi học về, K.T. ở nhà với người giúp việc. T. thường nghịch phá, đứng trên lầu dội cả thau nước xuống đất, nhiều lần trúng đầu người đi đường. Em cũng hay xả nước trong nhà tràn ra hành lang hoặc chọi đá, đồ vật vào nhà người khác. Nguy hiểm hơn, thi thoảng em còn đốt giấy trong phòng rồi quăng ra ngoài. “Chúng tôi không có thời gian để theo dõi em liên tục, chẳng may nếu hành động bất thường của em gây hỏa hoạn hoặc gây hại cho người khác thì không biết hậu quả thế nào”, ông C. - một người ở chung cư này cho biết.
Ngày 18/5, trên đường đi ghi nhận thực tế, đến đoạn đường Nguyễn Ảnh Thủ, P.Hiệp Thành, Q.12, TP.HCM, chúng tôi và nhiều người đi đường giật bắn người khi phải thắng gấp, nhường đường cho một thanh niên từ trong hẻm lao ra, la hét, liên tục huơ tay múa chân... Với gương mặt hung dữ, anh ta đứng chặn cả chiếc xe buýt đang trờ tới khiến bác tài phải dừng xe, cho phụ xe xuống can thiệp. Ông Thanh - người dân sống ở khu vực này cho biết, thanh niên này không biết từ đâu đến. Hai ngày qua, anh ta xuất hiện ở khu vực này, lặp đi lặp lại hành động như vậy.
Đến khu vực ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP.HCM, chúng tôi thấy một người tâm thần khá mập mạp đang đi lững thững. Chị H. nhà ở đây cho biết, anh này thường chọc ghẹo, sàm sỡ… khiến nhiều phụ nữ hoảng sợ. Tìm hiểu, chúng tôi được biết anh là Tr.V.T. (SN 1970) - bị tâm thần lúc 30 tuổi. Theo người nhà anh T., gia đình từng đưa anh đến trung tâm nuôi dưỡng người tâm thần ở Đồng Nai, nhưng do T. không ăn uống được, nên đành đưa về nhà. Để tránh gây họa, mỗi khi anh lên cơn, gia đình phải khóa chân anh lại.
Từ buổi tối ngày 19/5, người dân ở ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn, TP.HCM không còn thấy cảnh chị N.T.H., 28 tuổi đi lang thang từ nhà ra siêu thị Coop Mart Nguyễn Ảnh Thủ, vừa đi, vừa chỉ trỏ, la hét như trước.
Chiều 6/5, chị H. xông đến cắn người cháu ruột. Ông Tư V., cha chị H. ngậm ngùi: “Tôi buộc phải đưa nó vào bệnh viện tâm thần thôi, ở ngoài, có ngày nó bóp cổ hai đứa con nó mất”. Từ ngày sinh đứa con thứ hai, chị H. có nhiều biểu hiện lạ, hay khe khẽ hát, cười một mình. Chị hay dằn dỗi, ghen tuông vô cớ. Sau những trận ghen của vợ, chồng chị H. đã bỏ về nhà mẹ ruột… Từ đó, H. lên cơn nhiều hơn. Cứ tầm hai-ba giờ sáng, chị lại đi lang thang, la hét…
Lo sợ L.T.Đ. (SN 1984), người con trai đầu gây họa, đầu năm 2015, gia đình bà T.G. đã phải đóng cửa quán cà phê, tạm giao căn nhà trên đường Nguyễn Văn Quá, Q.12 cho vợ chồng con gái quản lý, đưa Đ. về Bình Dương chăm sóc. Tính tình Đ. cộc cằn, thời đi học hay đánh nhau. Khi có vợ, anh này thường nổi máu ghen, ra tay đánh đập vợ.
Sau ngày tòa xử ly hôn, Đ. trở nên hung bạo, không chỉ đập phá đồ đạc trong nhà, anh còn đuổi đánh chó mèo. Anh thường mắng chửi, chọi đá người đi đường. Nhiều lần bà G. đã phải xin lỗi hàng xóm và trả tiền bồi thường chậu cây, cửa kính bị bể nát do Đ. ném đá.
Trách nhiệm của gia đình?
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Minh Hoa, giảng viên Viện Tâm lý giáo dục và pháp luật chia sẻ, điều đáng quan tâm là người tâm thần hiện nay chưa được quan tâm, điều trị và chăm sóc đúng; đặc biệt, gia đình, người thân của bệnh nhân quá thờ ơ. Không ít trường hợp, gia đình gửi người nhà vào bệnh viện tâm thần rồi bỏ mặc. Trong khi đó, việc chữa trị cho bệnh nhân tâm thần, gia đình phải hết sức, hết lòng phối hợp với các y bác sĩ, các chuyên gia trị liệu mới mong khỏi bệnh. Nhiều bệnh nhân bị bỏ mặc, hoặc bị che giấu bệnh (vì sĩ diện, mặc cảm…).
“Thông thường các bệnh nhân rối loạn tâm thần chưa đến mức trầm trọng sẽ được điều trị ngoại trú. Thực tế quá trình trị liệu tâm lý cho những bệnh nhân tâm thần, từng có không ít trường hợp nhận thấy dấu hiệu bệnh nặng, chuyên gia tâm lý lẫn bác sĩ tâm thần thuyết phục người nhà đưa bệnh nhân vào bệnh viện nhưng họ không đồng ý. Họ muốn người thân hết bệnh nhưng không muốn ai đó (như chính quyền địa phương hay lối xóm chẳng hạn) biết rằng con, em, anh chị hay cha mẹ của mình mắc bệnh. Hoặc, sau quá trình trị liệu về y khoa lẫn tâm lý, thấy người bệnh mới tạm ổn, gia đình đã bỏ cuộc giữa chừng, khi bệnh tái phát mới tìm trở lại thì bệnh đã nặng hơn, quy trình ấy cứ lặp đi, lặp lại...”.
Bác sĩ Phan Văn Trụ - nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP.HCM cho biết: “Rối loạn tâm thần có nhiều dạng, với những dấu hiệu biểu hiện khá rõ ràng, từ các triệu chứng về cơ thể, đau nhức, rối loạn giấc ngủ; các dấu hiệu về cảm xúc: lo âu, sợ hãi; về nhận thức: khó khăn trong suy nghĩ, rối loạn trí nhớ; về hành vi, họ có biểu hiện hung hãn, không làm được những việc dù rất quen thuộc, bình thường; về tri giác, họ nghe thấy hoặc nhìn thấy được những thứ người xung quanh không nghe nhìn được. Đặc biệt khi bị kích động, các biểu hiện này rất rõ ràng. Một điều cần nhớ nhất là bệnh tâm thần (dù ở dạng nào) cũng cần điều trị sớm. Điều trị một cách kiên trì và bằng cả tình yêu thương của gia đình, đội ngũ thầy thuốc lẫn sự quan tâm, chia sẻ của cộng đồng xã hội. Cho nên nếu che giấu, để người thân ở nhà mà không có sự quan tâm chăm sóc, trị liệu đúng mức thì sẽ cực kỳ nguy hại”.
Từ đầu năm 2015 đến nay có hàng chục vụ án mạng xảy ra với nguyên nhân… người bệnh tâm thần lên cơn bất chợt. Nạn nhân không chỉ là người xa lạ mà chính là cha, mẹ, vợ, chồng, thậm chí là đứa con… của người bệnh. Thực tế cho thấy, gia đình người bệnh vì quá thương xót nên không nỡ đưa người thân đến các trung tâm xã hội hoặc giấu biệt tình trạng bệnh, trong khi không biết cách chăm sóc, không kiên trì tuân thủ liệu trình điều trị bệnh. Vấn đề đau đầu hiện nay là các trung tâm điều dưỡng người tâm thần đang quá tải và nhiều nơi còn tích cực... vận động người thân đón người tâm thần về sau khi điều trị ổn định(?). Như vậy, gia đình, xã hội phải quản lý người tâm thần thế nào để tránh các hệ lụy đau lòng? |
Ngày 19/5, Công an huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh đã ra quyết định đưa Lâm Văn Sanh (thường gọi là Vũ, 30 tuổi) ngụ ấp Lộ Sỏi, xã Đôn Xuân, huyện Trà Cú đi trưng cầu giám định pháp y tâm thần. Trước đó, ngày 15/5, khi được mẹ ruột, bà Lưu Thị Dững kêu dậy hỏi sáng ăn gì, Vũ đã vùng khỏi giường, lấy chiếc dao thường dùng chặt mía chém liên tiếp vào đầu bà Dững khiến bà tử vong. Cái chết đầy oan nghiệt của người mẹ 70 tuổi thêm một hồi chuông báo động khi người tâm thần lang thang khắp nơi, trong lúc các bệnh viện chuyên ngành, trung tâm xã hội… quá tải. |
HẠNH CHI - THU HỒNG - THU HƯƠNG
(Còn tiếp)