Cục Nghệ thuật biểu diễn vừa hoàn tất dự thảo Nghị định quản lý nghệ thuật biểu diễn để trình Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch gửi Chính phủ, trong đó có nội dung tăng quyền cho địa phương. Báo Phụ Nữ TP.HCM đã trao đổi với ông Nguyễn Quang Vinh - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn - quanh dự thảo mới này.
|
Ông Nguyễn Quang Vinh |
Tăng quyền, tăng trách nhiệm
Phóng viên: Cuối tháng Ba, đầu tháng Tư, dự thảo nghị định về nghệ thuật biểu diễn (NTBD), trong đó có việc cấp phép cho các ca khúc trước năm 1975 đã được đưa ra bàn luận. Dự thảo đang trình có điểm gì khác, thưa ông?
Ông Nguyễn Quang Vinh: Có hai điểm chính, trước hết là tăng quyền cho địa phương. Hiện nay, cấp phép cho nghệ sĩ nước ngoài vào diễn thì địa phương được cấp, còn người Việt Nam định cư nước ngoài thì địa phương lại không được quyền, đó là bất cập.
Thực ra, địa phương đủ điều kiện để làm và kiểm soát được việc này. Cục NTBD không thể cho hay không cho phép cái này cái kia, nếu không nắm được hết tình hình, chưa kể tính chất văn hóa vùng miền, không gian lịch sử, thời gian, địa điểm mỗi vùng mỗi khác.
Những gì đã xảy ra, do hoàn cảnh lịch sử, cũng chẳng có gì là sai. Bây giờ, tình hình đã thay đổi, chúng ta cũng phải điều chỉnh cho phù hợp. Khi tăng quyền, địa phương sẽ chịu trách nhiệm về địa bàn của mình; đồng thời, cũng thuận tiện hơn cho các nghệ sĩ, các tổ chức, đơn vị nghệ thuật trong quá trình hoạt động.
Đương nhiên, giao quyền, tăng quyền thì trách nhiệm cũng tăng và phải có các hình thức xử phạt cụ thể nếu để xảy ra vi phạm.
Hai là, bài nào xin phép thì mới được cho biểu diễn, cảm giác có vẻ chặt chẽ, ít rủi ro về mặt quản lý; thế nhưng, mặt khác lại không thuận lợi cho các tổ chức hoặc cá nhân tham gia. Cục NTBD đề xuất, sẽ đồng bộ bỏ cấp phép, ban hành tiêu chuẩn. Chẳng hạn, nếu ca khúc có nội dung xấu theo quy định của pháp luật hiện nay, sẽ không được sử dụng. Cơ quan địa phương căn cứ vào đó mà điều chỉnh luôn.
|
TP.HCM là nơi có nhiều hoạt động biểu diễn, theo dự thảo sẽ được tăng quyền quản lý |
* Nhưng nhận định tác phẩm nghệ thuật thiên về cảm tính chủ quan. Tiêu chuẩn nào để đánh giá như thế là xấu, là cái cần cấm?
- Phải có quy định cụ thể. Như thế nào gọi là xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ cá nhân, đi ngược lợi ích nhân dân, làm trái pháp luật… Có người hỏi tôi, vậy lợi ích nhân dân là gì? Là gì, thì đã được quy định trong pháp luật rồi.
Hay như nội dung “trái thuần phong mỹ tục”, chúng tôi cũng định bỏ; nhưng hiện tại, nghệ thuật cũng cần phải sử dụng những định tính. Tất nhiên, trong thực tế kiểm soát ca khúc, không có bất cứ quy định ở mức nào là hay; hoàn toàn là định tính, phụ thuộc vào người quản lý. Họ phải đủ điều kiện, trình độ, năng lực để xét.
Mỗi địa phương đều có các Sở Văn hóa - Thể thao, đều có các hội đồng chuyên môn. Để làm được, đương nhiên, các chuyên gia cũng phải tự nâng cao năng lực cũng như trách nhiệm. Tôi tin các địa phương đều có những người đủ năng lực để thẩm định.
Cố gắng nhìn rộng
* Không vơ đũa cả nắm, nhưng ngoài năng lực chuyên môn hạn chế, một số thành viên hội đồng chuyên môn khiến người ta lo ngại về cách làm việc theo kiểu “thà giết nhầm hơn bỏ sót”?
- “Rủi ro” và “tai nạn” có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vì vậy mới nói, hội đồng đó phải là những người hiểu biết. Việc đưa ra nhận định, đánh giá cũng phải cởi mở, hợp lý, hợp tình. Địa phương có thể tự lập hội đồng, thậm chí có thể mời chuyên gia mà không nhất thiết phải là cán bộ lãnh đạo để thẩm định.
Khi nghị định được thông qua, Cục NTBD sẽ có thông tư chi tiết gửi các địa phương để thống nhất các tiêu chuẩn của thành viên hội đồng thẩm định.
|
Cục Nghệ thuật biểu diễn đề xuất sẽ đồng bộ bỏ cấp phép, ban hành tiêu chuẩn trong dự thảo Nghị định quản lý nghệ thuật biểu diễn (Ảnh minh họa) |
* Nhiều nghệ sĩ từng nói về việc phải “lót tay”, “đi đêm” khi xin cấp phép.
- Chết. Có chuyện đó à? Tôi không biết trước đây thế nào, nhưng từ khi tôi về cục đảm nhiệm công việc này thì chưa gặp tình trạng đó. Nếu có, cá nhân tôi kịch liệt phản đối và Cục NTBD sẵn sàng đón nhận mọi phản ánh. Ai có thông tin cung cấp, chúng tôi sẽ xử lý.
* Hồi cuối tháng Ba, ông nói nếu không có gì thay đổi, nghị định này sẽ được áp dụng vào cuối năm nay. Bây giờ đã giữa tháng 11 rồi…
- Cục NTBD mong muốn càng nhanh càng tốt. Nhưng thủ tục hành chính phải qua rất nhiều bước. Tôi nghĩ, ít nhất, quý II/2019 mới kịp. Cục NTBD đã trình dự thảo để Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch rà soát lần nữa trước khi trình Chính phủ. Qua thêm vài bước nữa, Chính phủ thông qua, gửi các cơ quan lấy ý kiến, sau đó tổng hợp, báo cáo lại Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Chính phủ, Bộ Tư pháp cho ý kiến, cho phép ban hành nghị định, lúc đó, cục mới xây dựng thông tư hướng dẫn chi tiết.
* Xin cảm ơn ông.
Đậu Dung (thực hiện)