Ai ơi đừng cố leo đèo Hải Vân

10/01/2019 - 18:35

PNO - "Thiên hạ đệ nhất hùng quan" đèo Hải Vân là điểm “check in” kích thích dân phượt, với những cú vượt đèo của xe khách, xe máy vô cùng nguy hiểm, dù hầm đường bộ xuyên đèo đã có gần 15 năm nay.

Ngày 8/1, khi đổ dốc đèo Hải Vân, chiếc xe khách 23 người đi từ Kiên Giang đã văng xuống vực, làm một người chết, những người còn lại bị thương. Ngày 10/1, một chiếc xe khách đụng xe bồn, nát đầu, may không có thương vong, chỉ gây tắc nghẽn tuyến đường, buộc phải chặn hai đầu đèo.

Ai oi dung co leo deo Hai Van
Hiện trường vụ tai nạn ngày 8/1 trên đèo Hải Vân

Nỗi đau mất mạng, thương tật, tàn phế, ngay trước thềm tết không chỉ của gia đình nạn nhân, mà bất cứ ai đọc tin tức, xem hình ảnh đều thấy nhói tim. Trong danh sách nạn nhân vụ lật xe được đưa vào Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng có cái tên ở thứ tự số 6, cùng hàng với một địa chỉ cụ thể: nhà vĩnh biệt.

Cô gái ấy mãi mãi không về. Cô gái ấy một lần “đáo Hải Vân Quan” rồi ở lại, linh hồn cô vẩn vơ trên rừng núi chốn ấy. Cô gái ấy cũng nằm trong số hơn 20 người mỗi ngày không về được tới nhà mà Bộ Giao thông Vận tải đã thống kê (trong nhiều năm gần đây, có trung bình khoảng 23 tới 25 người tử nạn mỗi ngày vì tai nạn giao thông).

Năm nào cũng vậy, càng gần tết, số vụ tai nạn giao thông thảm khốc càng nhiều. Số nạn nhân mất mát mỗi năm lên tới hàng vạn sinh mạng, nhiều hơn bất cứ cuộc chiến hay dịch bệnh, thiên tai nào.

Tại sao mạng người mỗi lúc một rẻ tới vậy? Do hạ tầng đường sá không đảm bảo, do phương tiện kém an toàn, do lượng người xe đổ ra đường quá lớn? Do sức ép phải đúng giờ, đúng chuyến nên các tài xế lái xe như điên trên xa lộ, kể cả đường đèo nguy hiểm?

Hay trên tất cả, là ý thức kém của các tay lái? Hơn nữa, có thể còn là ý thức của chủ xe: nhận chở khách trên các tuyến đường nguy hiểm. Và hơn chút nữa, còn có thể do phục vụ ý muốn của khách.

Thông tin từ cơ quan công an, lái xe du lịch chở đoàn sinh viên Kiên Giang là ông Trương Anh Minh (48 tuổi, trú tại TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng) khai nhận rằng khi đang đổ đèo thì xe mất thắng, ông không làm chủ được tốc độ nên xe văng vào ta-luy, rồi xuống vực.

Hãy nhớ, con đường lên đèo Hải Vân cực kỳ hiểm trở với vô số những khúc cua tay áo liên tục và bất ngờ. Đường hẹp, uốn khúc chữ chi, tầm nhìn bị khuất với độ dốc trung bình khoảng 15 độ. Đèo Hải Vân không thiếu những khúc cua tử thần mà lái xe không có kinh nghiệm để xử lý tốc độc hợp lý, sẽ văng khỏi làn đường của mình và đụng xe khác. Rất nhiều vụ tai nạn trên đèo do xe tải bẻ cua không hợp lý nên nghiêng thùng, mất thăng bằng. Trong mấy chục năm qua, không thiếu các vụ tai nạn xe rơi thẳng xuống vực.

Ai oi dung co leo deo Hai Van
Những khúc cua nguy hiểm của đèo Hải Vân

Đã từ lâu đoạn đường này tuy không cấm các phương tiện, nhưng hầu như chỉ có xe bồn chở xăng dầu (vốn không được đi qua đường hầm) leo đèo, với tốc độ "rùa bò". Để tiết kiệm chi phí, số ít người địa phương cũng qua lại đường đèo dù vừa nguy hiểm vừa mất thời gian hơn qua đường hầm.

Nhưng vẫn luôn có một lượng lớn xe chở khách du lịch tham quan trời và biển Hải Vân. "Check in" đỉnh cao được gọi là thiên hạ đệ nhất hùng quan, nhìn về bên này là Thừa Thiên - Huế, bên kia là xứ Quảng. Bất chấp hiểm nguy để ngắm nhìn mây bay đỉnh núi hay chụp cho được những tấm hình sống ảo không chỉ là nhu cầu của giới trẻ, mà còn của nhiều du khách có tuổi.

Đó là lý do các đoàn xe du lịch từ nhiều miền đất nước đều gắng sức qua đèo, dù tài xế từ nơi khác tới, không hề thông thuộc đường sá, không quen đi đường đèo gấp khúc.

Trên con đèo Hải Vân hiểm trở bậc nhất cả nước này có nhiều giai thoại rùng mình về việc xe qua lúc 12g trưa. Nhiều khúc đường có nhiều miếu, bàn thờ dã chiến lập dày đặc hai bên. Mỗi miếu thờ đánh dấu một vụ tai nạn thảm khốc, một linh hồn nằm lại mãi mãi.

Sau buổi thăm các nạn nhân của chuyến xe tử thần của thầy trò trường Cao đẳng ở Kiên Giang điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể đã yêu cầu Tổng cục Đường bộ phối hợp với Công ty Đèo Cả (đơn vị quản lý vận hành hầm đường bộ Hải Vân) trong năm 2019 phải xóa điểm đen trên đèo Hải Vân.

Không rõ, rồi con đường có gấp rút được xẻ núi mở rộng, mặt đường sẽ được gia cố, tính toán độ hướng tâm an toàn để chống văng, tạo thêm ta-luy vừng chãi, hay thật nhiều các đường lánh nạn, các gương cầu lồi ở khúc cua gấp... để hỗ trợ tài xế hay không.

Chỉ biết, nếu còn thương thân, còn thương gia đình, và cả tránh gánh nặng cho xã hội, thì ai ơi, đừng cố leo đèo.

Hoàng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI