![Ái nữ nhà Hoa Lâm: “Tôi từng nghĩ sẽ tặng má chuyên cơ” Chị Mai Anh và mẹ chụp hồi tết 2017 - Ảnh do nhân vật cung cấp](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250213/images/3125_14-anh3.jpg) |
Chị Mai Anh và mẹ chụp hồi tết 2017 - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Chiều một ngày cuối năm, tôi có mặt tại văn phòng Công ty cổ phần Công nghệ Vidiva. Không khí làm việc khẩn trương đúng như tưởng tượng của tôi về một công ty khởi nghiệp.
Lướt ngang phòng họp, qua lớp cửa kính, tôi bắt gặp một phụ nữ dáng người nhỏ nhắn, ngồi vị trí trung tâm để điều phối buổi thảo luận. Không có quá nhiều hình ảnh, thông tin của chị lưu lại trong đầu, nhưng tôi cũng nhanh chóng nhận ra đó là Dương Mai Anh - Giám đốc điều hành Vidiva - 1 trong 30 gương mặt trẻ nổi bật (30 Under 30) do Forbes Việt Nam bình chọn - người mà tôi sẽ có cuộc trò chuyện trong ít phút tới.
“Sản phẩm sắp thêm tính năng, lại rơi vào cuối năm… nên công việc bận bịu hơn bình thường” - Mai Anh bắt đầu cuộc nói chuyện và không quên xin lỗi vì cuộc họp vừa kéo dài hơn dự kiến. Mai Anh chọn một góc nhỏ trong quán cà phê ngay dưới tòa nhà, nơi chị cho rằng đủ cởi mở để chia sẻ về hành trình khởi nghiệp và tiện quan sát thói quen thanh toán điện tử của khách hàng - lĩnh vực Vidiva đang theo đuổi.
Ban đầu, tôi đắn đo có nên đề cập câu chuyện xuất thân từ gia tộc nổi tiếng và áp lực “sinh ra ở vạch đích” ảnh hưởng đến quyết định khởi nghiệp của chị. Thế nhưng, sự thẳng thắn và thoải mái của Mai Anh làm tôi có cảm giác đó không phải là những điều chị tránh nói tới.
![Ái nữ nhà Hoa Lâm: “Tôi từng nghĩ sẽ tặng má chuyên cơ” Chị Mai Anh năm lớp Bảy, chụp cùng mẹ và 2 em gái trong chuyến du lịch Thái Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp](https://image.phunuonline.com.vn/fckeditor/upload/2025/20250213/images/3715_14-thayanh2.jpg) |
Chị Mai Anh năm lớp Bảy, chụp cùng mẹ và 2 em gái trong chuyến du lịch Thái Lan - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Từ chiếc chuyên cơ đến tấm mền mỏng
Mai Anh là con thứ của bà Trần Thị Lâm - người sáng lập tập đoàn Hoa Lâm. Trong mắt chị, mẹ như “một bông hồng thép” khi bền bỉ làm việc suốt 3 thập niên. Từ 2 bàn tay trắng, bà đã tạo dựng nên một đế chế đa ngành, trải dài từ ngân hàng, bất động sản cho đến y tế…
Ngày làm việc của bà luôn bắt đầu từ sáng sớm, có khi chưa đến 5 giờ, điện thoại đã đổ chuông và liên tục như thế cho đến 22 giờ. Dù vậy, khi tách mình khỏi công việc, bà trở lại với thiên chức của người phụ nữ, dành thời gian vun vén, chăm lo gia đình.
Chứng kiến mẹ tất bật với công việc, với những chuyến bay dài khi tuổi ngày càng cao, Mai Anh từng nghĩ: "Má mình cái gì cũng có rồi, chắc phải tặng một món quà thật đặc biệt - như một chiếc chuyên cơ thì mới xứng đáng". Ý tưởng này đã trở thành động lực làm việc của chị suốt một thời gian dài, với mong muốn dành tặng mẹ món quà độc đáo, như cách để bày tỏ lòng biết ơn và tình yêu thương.
Thế nhưng, càng trưởng thành, càng chiêm nghiệm nhiều hơn từ cuộc sống, Mai Anh nhận ra những giá trị ý nghĩa nhất không nằm ở vật chất xa xỉ. Điều mà cha mẹ mong đợi nhất khi về già chính là nhìn thấy con cái sống tốt, hạnh phúc và có trách nhiệm với gia đình. Vậy nên, đối với chị, món quà lớn nhất dành cho mẹ không phải là chiếc chuyên cơ xa hoa mà chính là sự trưởng thành trong suy nghĩ và sự hiện diện giản dị, nhưng đầy tình yêu thương bên cạnh bà.
Trở về sau thời gian dài sống ở nước ngoài, Mai Anh chọn làm việc và sống gần gia đình. Chị nói, đó là giai đoạn “chưa bao giờ cảm thấy ở gần ba mẹ đến vậy”. Mục tiêu cố gắng vì chiếc chuyên cơ giờ được thay bằng những chuyến về nhà, cùng nhau hàn huyên bên mâm cơm tối. Không cần dịp đặc biệt nào, chỉ cần 15 hay 30 phút rảnh rỗi, chị lại ghé thăm mẹ, nói chuyện hay đôi khi chỉ lặng lẽ ngồi cạnh nhau.
Thấy mẹ thường đắp khăn khi ngủ, Mai Anh tìm khắp nơi để có một chiếc mền mỏng, nhẹ, vừa dễ chịu vừa đủ ấm. Tấm mền mua trên mạng giá chỉ vài trăm ngàn đồng, nhưng khi trao tay, chị cảm nhận được niềm vui hiện trên khuôn mặt mẹ. Với chị, đó là niềm hạnh phúc không thể đong đếm hay diễn tả thành lời.
“Bà thích lắm, còn bảo tôi đặt thêm vài chiếc để mang đi công tác. Tôi biết bà không để ý giá trị vật chất, một đồng hay trăm đồng không quan trọng bằng tấm lòng người tặng đặt vào món quà” - Mai Anh chia sẻ.
Vài năm trước, Mai Anh không có thói quen về quê dịp tết, thậm chí đôi khi về còn cảm thấy miễn cưỡng, chỉ đi cho có lệ. Nhưng càng trưởng thành, chị càng muốn ở gần mẹ bất cứ khi nào có thể. “Nếu má về quê dịp nào, tôi cũng cố gắng thu xếp về cùng. Có khi cả gia đình nhỏ của mình cùng về” - chị tâm sự. Dịp tết năm nay, chị lên kế hoạch từ sớm, không chỉ để về quê cùng mẹ mà còn để tận hưởng không khí gia đình trọn vẹn hơn.
Nuôi dưỡng cho các con sự trân quý gia đình và trọng tình thân là cách Mai Anh tạo nên dáng hình khác của thứ gọi là tình yêu dành cho mẹ. Mỗi ngày, Mai Anh đều dành thời gian trò chuyện với 2 con gái đang bi bô tập nói. Chị lật giở từng trang album của gia đình, chỉ cho con: “Đây là ông bà ngoại. Đây là ông bà nội. Đây là cô, dì, chú, bác…”.
Mỗi dịp giỗ ông bà tổ tiên, dù bận rộn cách mấy, Mai Anh cũng trở về thắp nén nhang và quây quần cùng gia đình. Thông lệ này chị học được từ mẹ - người luôn đặt gia đình là ưu tiên số một. Mỗi năm vài lần giỗ, bà đều thu xếp chu toàn từ đặt vé máy bay, lo nơi ăn chốn ở cho họ hàng tề tựu đông đủ. Lời dặn của mẹ “không cần mâm cao cỗ đầy, điều quan trọng nhất trong ngày giỗ là sự đoàn viên” giờ trở thành chất keo gắn kết chị với anh em họ hàng.
Trở thành cánh tay nối dài của mẹ
Nhìn lại cơ nghiệp của gia đình sau hơn 3 thập niên, Mai Anh hiểu đây là thành quả của mồ hôi nước mắt, của những đêm dài trăn trở mà chỉ những người trực tiếp dấn thân mới đủ quyết tâm gìn giữ, phát triển. Đó cũng là lý do chị chọn khởi nghiệp thay vì kế nghiệp. Sau khi tốt nghiệp và trải qua nhiều vị trí từ quản lý cấp trung đến điều hành cấp cao tại Hoa Lâm, Mai Anh bắt tay thành lập Vidiva cách đây 7 năm.
“Tôi tin rằng, chỉ khi tự tay xây dựng sự nghiệp riêng, tôi mới thực sự biết quý trọng và chuyên tâm vun vén. Những ngày tháng tự lèo lái công ty có thăng có trầm nhưng cho tôi nhiều cảm hứng làm việc, nhiều bài học quý để hiểu thêm về bản thân và trở nên độc lập hơn” - Mai Anh lý giải.
Thế nhưng, với chị, độc lập không đồng nghĩa tách biệt khỏi gia đình hay phủ nhận nền tảng vững vàng thừa hưởng từ mẹ. Bên cạnh khao khát tạo ra những sản phẩm tốt để phục vụ người Việt và đóng góp vào sự phát triển của ngành tài chính, chị muốn công ty khởi nghiệp của mình có thể đóng vai trò như “cánh tay nối dài” hỗ trợ công việc kinh doanh của gia đình.
Mai Anh thừa nhận mẹ là người ảnh hưởng rất lớn đến sự nghiệp, cả về cách chị lựa chọn hướng đi và những giá trị cốt lõi để theo đuổi. Mỗi lần nản chí, chị lại nhớ những bài học từ mẹ - làm việc chăm chỉ, nhẫn nại và quyết đoán; tinh thần “kỷ luật thép” - trở thành tấm gương để người khác noi theo; trung thực, minh bạch và giữ chữ tín trong kinh doanh.
“Có lần, má tôi hứa miệng với đối tác rằng sẽ bán một số cổ phần công ty với giá 12.000 đồng/cổ phiếu. Vài tuần sau, giá tăng lên 16.000 đồng/cổ phiếu, nhưng bà vẫn giữ đúng lời hứa, không vì lợi trước mắt mà bội ước. Đó là một trong những bài học tôi khắc cốt ghi tâm” - Mai Anh nhớ lại.
Nhìn về chặng đường phía trước, Mai Anh biết còn nhiều chướng ngại, nhưng chị cũng tin rằng đam mê, tinh thần làm việc chăm chỉ, khát khao cống hiến cho gia đình và cộng đồng sẽ là sức mạnh nâng đỡ chị.
“Nhìn má, tôi nhận ra: thành công không phải là đích đến mà là hành trình. Đó là những gì chúng ta làm cho gia đình và cộng đồng. Má là nguồn động lực lớn của tôi, và tôi chưa bao giờ hết mong muốn làm má mình tự hào” - chị chia sẻ.
Quốc Thái