Bẵng đi một thời gian tôi không gặp anh hàng xóm trong thang máy. Thường thì buổi sáng anh hay đưa 2 đứa bé đi học, chiều đưa chúng về, cha con tay xách nách mang đủ thứ.
Hôm qua gặp chị vợ dẫn 2 đứa lên nhà, hỏi thăm mới biết họ chia tay gần cả năm nay, chẳng qua anh chồng rảnh nên mới đưa đón mấy đứa con. Nay “thấy lằng nhằng quá” nên cô vợ bảo anh đừng đến nữa.
Chắc ông bố “lằng nhằng” ấy khổ tâm lắm. Nhìn cha con họ thì thấy, có lẽ trong 2 người, anh chồng gắn bó với mấy đứa con hơn. Chị vợ là dân kinh doanh, mẫu phụ nữ sắc sảo, thành đạt, tính tình quyết đoán đâu ra đó nhưng ít khi mó tay vào việc nhà, cũng không hề chăm lo đến con cái.
|
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock |
Anh chồng đi làm nhà nước, lương chẳng đáng bao nhiêu nhưng được cái cứ 4 giờ rưỡi chiều là về. Tất nhiên là anh lo việc đón con. Đón về, anh lo cơm nước, cho bọn trẻ ăn. Tối đến vợ chưa về, anh cho bọn trẻ học bài, đi ngủ. Vợ chưa về nữa thì tự mình ăn uống dọn dẹp, có khi nhà tắt đèn hết chị vợ mới về. Chị vợ chắc là lo phần lớn chi tiêu trong nhà, lương cao việc nhiều, chị đi sớm về khuya. Chỉ vậy thôi chắc cũng không có chuyện gì, nhưng chị lại khinh chồng ra mặt.
Anh chồng thương con còn nhỏ, cắn răng chịu đựng 6, 7 năm trời, cuối cùng cũng bung. Chia tay rồi, chị vợ gặp dịp nào cũng kể xấu chồng, nào là làm không ra tiền, nhân viên quèn, sống nhờ vợ còn cờ bạc nợ nần… Người đàn bà càng cố giải thích lý do của cuộc chia tay, tôi càng thấy tội nghiệp anh chồng. Lẽ ra, họ nên chia tay sớm hơn mới phải.
Đàn ông ít khi nói ra nỗi khổ tâm, ít khi than vãn, chỉ âm thầm chịu đựng. Lý do hẳn vì ngại mang tiếng kể lể, mà dù có kể cũng khó qua được mồm năm miệng mười của chị em. Phụ nữ vốn được mặc định là phái yếu, phải chịu đựng nên sự chịu đựng của họ được thương cảm, được ca ngợi.
Còn đàn ông, không chịu được hay chịu đựng được, đều coi như chuyện đương nhiên, chẳng ai nói gì. Mà trong hôn nhân, khi người này phải chịu đựng người kia, lý do phổ biến nhất cũng vì con cái. Lẽ ra, nếu thực sự bình đẳng, nên đánh giá sự chịu đựng của đàn ông là nặng nề hơn, khó khăn hơn và có thể vì vậy mà đáng trân trọng hơn, bởi họ phải tự kiềm chế nhiều lần mới đến được sự chịu đựng ấy.
Bạn của vợ tôi - Ly - là một trường hợp khác. Thời trẻ Ly từng lầm lỡ, do bỏ thai không an toàn, cô không chắc có con được nữa. Ly lấy chồng, được chồng thương, nhưng mấy lần Ly đậu thai đến tháng thứ ba, thứ tư đều không giữ được. Nhà chồng không biết nguyên nhân, chỉ động viên vợ chồng Ly cố gắng tiếp tục. Nhưng nỗi lo sợ chồng và nhà chồng biết sự thật cộng với nỗi đau khổ mỗi lần mất con khiến cô trở thành một người rất khó chịu, hằn học, ganh tị. Cô oán trách Hiển - chồng cô - đổ lỗi cho chồng, trách gia đình chồng gây áp lực…
Sợ Hiển bỏ mình theo người khác, Ly tìm cách kiểm soát chặt tất cả công việc, sinh hoạt, giờ giấc của Hiển. Hiển về quê thăm cha mẹ, Ly không đi cùng vì sợ đối diện với câu hỏi của cha mẹ chồng, nhưng chồng mới về quê buổi chiều, buổi tối cô đã gọi điện giục chồng vào lại. Cứ vậy, họ kéo dài cuộc hôn nhân đến năm thứ tám.
Trong một cơn bất ổn tâm lý, Ly đòi ly hôn; Hiển quá mệt mỏi nên đã ký đơn. Từ đó về sau, Hiển thành gã đàn ông vô sinh, kẻ bội bạc, kẻ tàn nhẫn… Ly nói vậy với tất cả người quen, đăng lên mạng, kể lể khắp nơi, Hiển vẫn im lặng. Mãi đến khi Hiển lấy vợ mới và có con trai đầu lòng, Ly vẫn còn lồng lộn chửi bới. Vợ tôi nhiều lần hỏi Hiển sao cứ im lặng, sao cứ nhẫn nhịn chịu đựng. Hiển bảo chẳng biết phải giải thích sao, rồi liệu mọi người có thông cảm? Thôi thì mặc kệ, bỏ ngoài tai cho xong.
Nam giới rất khó kể chuyện mình, dù đó là chuyện mình đúng, mình bị ép, thậm chí mình bị bạo hành tinh thần. Đằng nào cũng là một anh đàn ông, đem chuyện nhà than vãn, kêu khổ với đồng nghiệp hay người thân, đa phần người nghe sẽ phản ứng theo kiểu “đàn ông gì mà suốt ngày than vãn như đàn bà”, “có chút việc thế không giải quyết được, còn suốt ngày kêu ca”.
|
Ảnh mang tính minh họa - Lifestylememory |
Định kiến của xã hội về đàn ông đôi khi còn nặng nề và khó thay đổi hơn. Đàn ông chuẩn mực phải mạnh mẽ, ra xã hội phải ga lăng, phải kiếm được nhiều tiền, thành đạt với chức vụ nọ kia; về nhà phải yêu thương, rộng rãi với vợ con… còn phải chia sẻ việc nhà mà vẫn không đánh mất phong độ, bản lĩnh đàn ông nữa.
Đó là chưa có tiêu chuẩn cho khả năng chịu đựng của đàn ông. Nếu có, hẳn tiêu chuẩn ấy phải như: đàn ông phải biết chịu đựng nỗi đau thể xác cũng như tinh thần, phải chấp nhận vết thương mà không kêu ca, khóc kể.
Giữa một cậu trai ôm hoa hồng đến tặng người yêu trong ngày Valentine và một người đàn ông đứng trước cổng trường đợi con đi học về, có một sự khác nhau ai cũng nhận thấy: người đàn ông kiên nhẫn hơn, ít lời hơn cậu trai trẻ. Các bà vợ vẫn hay tự hào: đó là do “công đào tạo” của vợ.
Thực ra không phải. Đó là do chính người đàn ông ấy. Khi chọn để yêu thương, anh cũng đồng thời chọn để chịu đựng; cũng giống như người phải trải qua, phải hiểu thất bại, đau đớn mới chạm tới thành công vậy. Thước đo tình yêu của một người đàn ông không phải là anh ta đã yêu bạn qua bao nhiêu ngày đẹp trời, tốt tính; mà là anh ta đã chịu đựng bạn qua bao nhiêu ngày ảm đạm, xấu tính và vẫn còn đang bên cạnh bạn đến tận phút giây này.
Phụ nữ vốn vẫn biết điều này nên hay khuyên nhau: hãy cưới một người yêu mình, chịu đựng được bản tính thất thường ngủng ngẳng của mình; đừng dại dột cưới người mình yêu, cả đời chạy theo một người không yêu mình thì chỉ đau khổ. Cậu trai trẻ ôm hoa hồng, ngay sau ngày cưới, đã bắt đầu nếm mùi chịu đựng.
Phụ nữ đừng nghĩ chỉ có mình mới thấu hiểu, mới thấm thía sự chịu đựng này. Con đường hôn nhân có nụ cười, nước mắt, hạnh phúc và khổ đau của cả 2 người, cho dù phản ứng sinh học của mỗi bên có hơi khác nhau một chút, điều này vẫn không thay đổi.
Hồng Lộc