Trong những sai phạm của ông Nguyễn Xuân Anh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng có việc ông kê khai và sử dụng bằng cấp (bằng tiến sĩ - TS) không đúng quy định (không được Bộ GD-ĐT công nhận). Chi tiết này khiến dư luận xôn xao.
Có tiền là có bằng Tiến sĩ
Luận án TS, theo thông lệ quốc tế, phải có những giá trị mới về khoa học. Để đảm bảo tính khoa học, người ta đưa ra các yêu cầu về hình thức, thời gian đào tạo, thành tích học tập trước khi vào học TS, đặc biệt những giá trị khoa học mới của luận án TS phải được công bố trên các tạp chí khoa học quốc tế. Để bảo chứng cho tấm bằng TS, đôi khi còn phải xét đến cả các yếu tố học ở đâu, bảo vệ lúc nào và những ai là thành viên hội đồng chấm.
Thế nhưng, rất nhiều cơ sở đào tạo ở nước ngoài chẳng ngại quảng cáo việc “mua bán” bằng TS một cách công khai và đơn giản, kiểu như: ứng viên chỉ cần thực hiện một bài đánh giá, sau đó gửi hồ sơ hoặc một bản luận án TS để họ thẩm định (tất cả đều qua mạng) và trong vòng 48 giờ sẽ được chấp thuận cấp bằng.
Hoặc, ứng viên làm một bài kiểm tra (có thể làm nhiều lần) và chỉ cần đạt 70%. Hoặc, ứng viên cũng có thể hoàn tất “đặt hàng” mà không cần qua đánh giá. Ứng viên sẽ nhận văn bằng gốc, bảng điểm, thư xác minh, giấy chứng nhận thành viên và các tài liệu khác trong vòng 30 ngày. Theo “mặt bằng” hiện nay, giá của tấm bằng tốt nghiệp trung học là 249 USD, bằng cử nhân 449 USD và bằng TS là 559 USD.
Ngoài Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng cung cấp các bằng TS loại này như Anh, Nga, Philippines... Cách đây khoảng 6 năm, ở TP.HCM rộ lên chuyện đi học bằng TS của các trường ĐH Philippines với chi phí trọn gói khoảng 300 triệu đồng. Sở dĩ người ta đua nhau đi học là bởi chi phí rẻ, quy trình và điều kiện để đạt được dễ dàng.
Một “TS” đang công tác tại một trường ĐH công lập ở TP.HCM cho biết, ông theo học TS tại Trường ĐH công lập Ifugao (Philippines) từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2015. Trong thời gian này, ông có 4 chuyến đi học tại Malaysia và Philippines với tổng cộng 18 ngày, trong đó có 2 ngày đi nhận bằng tốt nghiệp.
“Tour TS” dạng trên nở rộ vào giai đoạn 2013 với ít nhất ba trường ĐH khác của Philippines là ĐH công lập Tarlac, ĐH Khoa học và công nghệ Nueva Ecija và ĐH Bulacan đã thông qua các trường ĐH, trung tâm tư vấn du học, công ty và cả cá nhân tại Việt Nam để tuyển sinh đào tạo TS với thời lượng “du học” tương tự các chuyến du học ở Hồng Kông hoặc Malaysia.
Không thể không biết
“Ưu điểm” của phương thức đào tạo TS “ngắn ngày” này là vừa đi học vừa đi du lịch, nội dung đề tài thì không quan trọng, không yêu cầu phải có bài báo khoa học và đặc biệt là được bảo vệ bằng tiếng Việt (đơn vị đại diện tại Việt Nam sẽ phụ trách khâu dịch sang tiếng Anh, chỉnh sửa rồi nộp cho phía nước ngoài).
Chưa có số liệu thống kê về số bằng TS dỏm không được Bộ GD-ĐT thừa nhận, nhưng chắc chắn những tấm bằng TS dỏm được lấy từ Mỹ, Nga, Anh, Philippines… là không ít. Nhiều trường hợp đã “bị lộ”. Một ví dụ khá điển hình là cả ba cán bộ giữ chức hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa tại Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng (TP.HCM) đều xài bằng TS dỏm từ một cơ sở đào tạo của Nga. Tại Trường ĐH Sài Gòn cũng từng có 3 TS dỏm bị phát giác. Những sự việc tương tự cũng từng xảy ra ở các trường ĐH Văn Hiến, Ngân Hàng, Hồng Bàng…
Sẽ có người cho rằng mình không biết đó là bằng dỏm. Nhưng theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp: “Sao lại không biết. Người ta học TS là phải tập trung học hành cực khổ trong ba năm. Còn mình không phải học, lấy bằng TS ở Mỹ, ở Nga… mà lại bảo vệ bằng tiếng… Việt thì sao có thể là bằng thật”.
Anh B. - nguyên là cán bộ giảng dạy của một trường ĐH khá nổi tiếng của Việt Nam, hiện đang làm đại diện một trường ĐH nổi tiếng của Úc, nhận xét: “Cũng có người ban đầu không biết, nhưng vào học rồi, thấy không thực chất nên bỏ. Nhưng cũng có người không dũng cảm, tiếc tiền thì cứ theo rồi… ôm bằng”.
Một cán bộ đang công tác tại Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: nguyên tắc cơ bản việc học TS của cả thế giới là như nhau. Làm TS phải có công trình khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín... Dù học ở Việt Nam hay bất cứ ở đâu, có công trình công bố đàng hoàng mới là chương trình đào tạo tốt. Về ngoại ngữ, người học TS phải có vốn kiến thức tương đối khá vì phải tham gia giao lưu hội nghị, hội thảo quốc tế…
Theo vị này, người theo học TS - bậc học cao nhất trong hệ thống giáo dục - mà nói rằng không biết những khóa học TS này kém chất lượng thì quá không hợp lý. Chẳng qua là họ chọn cách có bằng đơn giản hơn thôi.
Theo quy định của Bộ GD- ĐT: đối với bằng TS tốt nghiệp ở nước ngoài, người có văn bằng, có nguyện vọng đề nghị công nhận văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp có thể gửi hồ sơ tới Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục của bộ để công nhận. Theo quy định, văn bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp cho người học theo hình thức học từ xa chỉ được công nhận khi các chương trình đã được cơ quan kiểm định chất lượng giáo dục công nhận và được Bộ GD-ĐT Việt Nam cho phép đào tạo, liên kết đào tạo tại Việt Nam.
Tiến sĩ Mark A.Ashwill, nguyên Giám đốc Viện Giáo dục quốc tế Hoa Kỳ, đã nêu đích danh 21 trường đại học Mỹ có quảng bá tuyển sinh tại Việt Nam không được công nhận bởi các cơ quan kiểm định giáo dục có thẩm quyền từ Hoa Kỳ:
1. ĐH quốc tế Adam (Adam International University) thuộc Tiểu bang Georgia.
2. ĐH Akamai (Akamai University) thuộc Tiểu bang Hawaii.
3. ĐH American City (American City University) thuộc Tiểu bang California.
4. ĐH Di sản Mỹ (American Heritage University) nằm ở phía Nam California.
5. ĐH American Pacific (American Pacific University). Đây là ĐH được đặt tại TP.Sài Gòn.
6. ĐH quốc tế American Pacific (American Pacific University - International) thuộc Tiểu bang New Mexico/ California.
7. ĐH Apollo (Apollo University) Tiểu bang California.
8. ĐH quốc tế Đại Tây Dương (Alantic International University) thuộc Tiểu
bang Hawaii.
9. ĐH Capstone (Capstone University) Tiểu bang California.
10. ĐH Cosmopolitan (Cosmopolitan University).
11. ĐH Frederick Taylor (Frederick Taylor University) thuộc Tiểu
bang California.
12. ĐH Honolulu (Honolulu University) thuộc Tiểu bang Hawaii.
13. ĐH Irvine (Irvine University) thuộc Tiểu bang California.
14. ĐH Quốc tế Mỹ (International American University) thuộc Tiểu
bang California.
15. ĐH Kỹ thuật Paramount (Paramount University of Technology) thuộc Tiểu bang California.
16. ĐH Pebble Hills (Pebble Hills University) thuộc Tiểu bang Pennsylvania.
17. ĐH Preston (Preston University) thuộc Tiểu bang California.
18. ĐH Tây Nam Mỹ (Southwest American University) thuộc Tiểu
bang California.
19. ĐH Nam Thái Bình Dương (Southern Pacific University) thuộc Tiểu bang Delaware.
20. ĐH quốc tế Washington (Washington International University) thuộc Tiểu bang Pennsylvania.
21. ĐH quốc tế Berkeley (Berkeley International University), thuộc Tiểu bang Delaware. |
Bằng giả, muốn là có
Ngày 10/9 vừa qua, nhóm phóng viên thực hiện chương trình thực tế Marketplace của đài CBC chuyên về đề tài thị trường đã đưa ra bằng chứng cho thấy, họ dễ dàng mua được 3 tấm bằng tiến sĩ (TS) từ lò cung cấp bằng giả, bằng ảo.
Điều tra của chương trình trên chỉ ra ít nhất 800 người ở các lĩnh vực, ngành nghề sử dụng bằng giả ở nhiều cấp độ (hầu hết là bậc cử nhân, kỹ sư, TS) đang làm việc ở Canada.
Một trường hợp tên Correcs đến Mỹ làm việc với tư cách là chuyên viên tham vấn, giới thiệu mình tốt nghiệp ngành tâm lý Đại học Almeda ở bang Idaho, nhưng đây là địa chỉ khống. Thực chất, đây là cái tên ảo chuyên móc nối với “xưởng sản xuất” bằng giả Axact ở tận Pakistan.
Tiêu chuẩn cấp bằng từ cử nhân đến thạc sĩ dựa theo… kinh nghiệm sống căn cứ theo tuổi tác và số tiền mà khách hàng có thể chi. Chi càng đậm, càng lớn tuổi thì càng dễ lấy bằng bậc cao. Đại học Gatesville, cũng là cái tên ảo, ra giá TS ngành tâm lý học là 3.200 USD. Khi người của Marketplace than thì trường hạ giá xuống còn 2.500 USD. Khi được hứa hẹn sẽ giới thiệu thêm nhiều khách nữa thì giá 3 tấm bằng TS giảm còn… 1.550 USD.
“Xưởng sản xuất” bằng giả Axact có mối liên hệ với hơn 100 trường học "ma" trên thế giới. Chính quyền Pakistan sau đó đã triệt phá đường dây này, nhiều quan chức cấp cao Pakistan chỉ bị phạt mà không hề phải hầu tòa.
Trang realisticdiplomas.com rao sẵn sàng cung cấp bằng của tất cả các trường đại học chỉ với giá từ 250 USD. Trang diplomacompany.com thì công khai quảng cáo cấp các loại bằng cấp từ bậc trung học, đại học và lên cao.
Họ còn ngang nhiên cam kết có dấu mộc chuẩn và… ship bằng nhanh khắp thế giới. Trang hloom.com thì quảng cáo gói combo: bằng trung học ở Hồng Kông, bằng cử nhân ở đại học Anh quốc, bằng thạc sĩ ở châu Âu.
Muôn hình vạn trạng các trang cung cấp bằng giả, bằng ảo vẫn đang tồn tại, dễ dàng tìm kiếm với vài cú click chuột mà không ai kiểm soát, ngăn chặn.
Thiên Như (Theo CBC)
|
Minh Nhật - Tiêu Hà