AI - mối đe dọa hay động lực của họa sĩ truyện tranh?

04/04/2023 - 08:41

PNO - Khi trí tuệ nhân tạo (AI) tham gia sáng tác truyện tranh, nhiều họa sĩ tại Việt Nam có sự ái ngại nhất định dù không quá lo lắng. Liệu sẽ có sự thay đổi như thế nào, vai trò của các họa sĩ có mất đi khi AI tham gia sâu vào việc sáng tác?

Xu thế tất yếu

Tháng 3/2023, tại Nhật Bản, cuốn truyện tranh đầu tiên do AI sáng tác, mang tên Cyberpunk Momotaro ra mắt. Tác phẩm thuộc quyền sở hữu của tác giả Rootport, được vẽ nhờ hệ thống trí tuệ nhân tạo Midjourney. Thời điểm chào sân, tác phẩm lập tức thu hút sự chú ý của cộng đồng truyện tranh khắp thế giới bởi lẽ nhờ AI, Rootport chỉ cần 6 tuần để hoàn thành cuốn truyện hơn 100 trang trong khi 1 người vẽ tay có thể mất khoảng 1 năm với phần việc tương tự.

Truyện tranh Cyberpunk Momotaro - tác phẩm đầu tiên do AI thực hiện tại Nhật Bản
Truyện tranh Cyberpunk Momotaro - tác phẩm đầu tiên do AI thực hiện tại Nhật Bản

Rootport nói anh không giỏi vẽ mà chỉ có ý tưởng nên phần hình ảnh, anh đưa ra các từ khóa như thanh niên, tóc màu hồng, mặc áo khoác, nghệ sĩ... cho AI và rất nhanh chóng, anh nhận về hàng loạt hình ảnh. Phần việc còn lại, Rootport chỉ chọn ra những bức hình phù hợp nhất với câu chuyện và sắp xếp chúng. Rootport nói AI là công cụ đắc lực giúp những người vẽ không chuyên có thể cho ra các tác phẩm truyện tranh, miễn họ có ý tưởng.

Thị trường Việt Nam hiện chưa có truyện tranh nào do AI thực hiện ra mắt công chúng. Tuy nhiên, ở những ngành nghề liên quan sáng tạo, nghệ thuật như ca hát, khán giả trong nước đã biết đến ca sĩ ảo Ann. MV Làm sao nói thương anh do nữ ca sĩ thể hiện, sau 2 tuần phát hành nhận được gần 190.000 lượt xem trên YouTube. Điều đó cho thấy, trong tương lai gần, AI hoàn toàn có thể tham gia vẽ truyện tranh cùng các họa sĩ tại Việt Nam, bắt đầu sự cạnh tranh như đã thấy tại thị trường Nhật.

Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Thắng - Viện trưởng Viện Truyện tranh và Hoạt hình Việt Nam (CMA) - nhận định: “AI là công cụ rất mạnh, hỗ trợ cực kỳ tốt cho công việc sáng tạo. Không chỉ với truyện tranh mà ở những ngành nghề khác, AI đang bắt đầu chi phối các hoạt động, khiến nhân sự đang làm việc trong nhóm ngành nghề này lo sợ nhất định. Đặc biệt khi ChatGPT và nhiều phần mềm AI khác ra mắt, chúng vô tình xóa nhòa ranh giới giữa thế giới thực và ảo vì có thể kiêm nhiệm nhiều vai trò. Trong thời đại công nghệ phát triển như hiện tại, chúng ta không thể né tránh hay chối bỏ vai trò của AI mà chỉ có cách tìm hiểu chúng và cùng tồn tại”.

AI có giành “cần câu cơm” của họa sĩ?

Cuốn Cyberpunk Momotaro mà Rootport đã tâm huyết thực hiện được bày bán rộng rãi với giá gần 10 USD (khoảng 234.000 đồng). Vì truyện mới ra mắt nên chưa có thống kê doanh số. Tuy nhiên, Cyberpunk Momotaro đã tung “cú đấm” mạnh vào thị trường bởi đã mở đường cho hàng loạt người trẻ giống như Rootport - có ý tưởng nhưng không giỏi vẽ - mạnh dạn hơn để sáng tạo.

Trường Thành cho rằng: AI là động lực để những người làm sáng tạo cố gắng, quyết tâm hơn để làm ra các sản phẩm vượt trên sự cơ bản của AI - ẢNH: DIỄM MI
Trường Thành cho rằng: AI là động lực để những người làm sáng tạo cố gắng, quyết tâm hơn để làm ra các sản phẩm vượt trên sự cơ bản của AI - Ảnh: Diễm Mi

“Tôi thấy nhiều họa sĩ trẻ, đặc biệt là những học viên của viện có quan tâm đến AI. Nhưng nhiều người khác thì không, hiểu biết của các em về trí tuệ nhân tạo vẫn còn khá hạn chế. Chúng tôi đã thấy những sự hào hứng lẫn lúng túng của các học viên. Với một vấn đề vẫn còn gây nhiều tranh cãi, phía viện chọn hướng nhìn cởi mở, tôn trọng sáng tạo của các họa sĩ tương lai” - ông Lê Thắng nói.

Cũng theo ông Lê Thắng, để tránh những lo lắng ảo có thể xảy ra, người làm việc trong ngành truyện tranh nên tìm hiểu về AI bởi chúng là công cụ hỗ trợ tốt nếu biết tận dụng. Ông khẳng định nếu nghiêm túc sáng tạo, làm việc, con người vẫn ở thế chủ động, AI không thể soán ngôi vì chúng không có cảm xúc, không nhạy cảm trong quan sát và không có sự bay bổng trong tâm hồn.

Trường Thành - bạn trẻ theo đuổi ngành truyện tranh và hiện đang bắt đầu tìm các đơn vị để cộng tác - cho biết: “Khi biết AI có thể thực hiện 1 tác phẩm truyện tranh hoàn chỉnh và phần việc của con người bớt lại, tôi bắt đầu cảm thấy lo lắng. Nhưng tôi không hoang mang để rồi nghĩ rằng mình không còn việc để làm, AI sẽ làm thay tất cả mà tôi nghĩ sự đa dụng của AI là động lực để những người làm sáng tạo cố gắng hơn, quyết tâm làm ra các sản phẩm vượt trên sự cơ bản mà AI có thể làm”.

Với Trường Thành, 1 bức tranh của AI thực hiện có thể đi từ bước đầu tiên đến thẳng bước cuối cùng mà không phải trải qua quá trình sửa đổi, tìm thêm giải pháp như cách họa sĩ vẫn thường làm. Sự nhanh chóng đó, theo anh, đôi khi tạo ra những sản phẩm vô cảm, khó chạm đến người xem và sâu xa hơn, vì AI được học từ hàng triệu nội dung trên mạng nên rất có thể, tính độc bản là không có. 

Cũng giống Trường Thành, Thanh Vi đang làm việc trong ngành sáng tạo, cho biết cô đang nỗ lực hơn trong công việc để không bị đào thải. “Cách tốt nhất để bản thân không hoang mang là cố gắng thật nhiều. Tôi tin AI vẫn chịu sự quản lý, kiểm soát của con người” - Thanh Vi nói. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI