Ai mắc bệnh này cũng chết, nhưng lần này cô gái 19 tuổi thoát án tử

07/01/2020 - 15:24

PNO - Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ từ trước đến nay, những bệnh nhân mắc bệnh này đều tử vong vì không có cách điều trị, nhưng lần này, một cô gái 19 tuổi thoát chết ngoạn mục.

 

PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh đang tiến hành phẫu thuật tái tạo khí quản cho cô gái bị di chứng lao khí quản
PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh đang tiến hành phẫu thuật tái tạo khí quản cho cô gái bị di chứng lao khí quản

Ngày 8/1, PGS.TS.BS Vũ Hữu Vĩnh – Trưởng khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM - cho biết bệnh viện này vừa phối hợp điều trị thành công cho bệnh nhân nữ Thi Thị D., 19 tuổi, bị lao khí quản (đường thở) gây tổn thương nặng nề và để lại di chứng sẹo hẹp khí phế quản. Hậu quả khiến cô gái trẻ bị suy hô hấp nặng và có thể tử vong bất cứ lúc nào.

Bác sĩ Vĩnh chia sẻ, từ trước đến nay, những bệnh nhân mắc bệnh lý này đều tử vong vì không có cách điều trị. Tuy nhiên lần này, khoa Hồi sức Cấp cứu và Ngoại Lồng ngực đã cứu sống bệnh nhân một cách ngoạn mục.

Đây được xem là một trong những kỹ thuật khó hàng đầu của ngành Phẫu thuật Lồng ngực trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Và đây cũng là  lần đầu tiên Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện phẫu thuật cho một bệnh nhân bị sẹo hẹp khí phế quản lao với diện rộng và kéo dài, có sự hỗ trợ của máy ECMO - oxy hóa máu qua màng ngoài cơ thể.

Bệnh nhân Thi Thị D. với vết mổ sau ca phẫu thuật hiếm của Việt Nam và thế giới
Bệnh nhân Thi Thị D. với vết mổ sau ca phẫu thuật hiếm của Việt Nam và thế giới

Trước đó, ngày 11/11/2019, bệnh nhân Thi Thị D. (người Khmer, ở huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang) vào Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu trong tình trạng suy hô hấp nặng. Qua thăm khám, bác sĩ xác định D. bị di chứng của lao khí quản (đã điều trị khỏi bệnh lao) khiến gần như toàn bộ vùng khí quản bị tổn thương nên cô luôn trong tình trạng khó thở.

Nhận thấy tình trạng nguy cấp của bệnh nhân, có thể tử vong bất kỳ lúc nào, các bác sĩ đã đặt ECMO để giữ lấy sự sống cho cô gái trẻ trước khi lên bàn mổ.

Đây là ca bệnh rất khó, các bác sĩ từ Việt Nam đến thế giới gần như "bó tay". 10 năm trước, ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy, các bác sĩ từng bất lực chứng kiến bệnh nhân nữ 21 tuổi chết vì bệnh lý này. “Nhưng lần này chúng tôi không đầu hàng. Tôi đã kết hợp 2 kỹ thuật về phẫu thuật phí phế quản và đã giúp bệnh nhân hồi phục đường thở” – bác sĩ Vĩnh nói.  

Hai kỹ thuật được phối hợp là: cắt nối khí phế quản ở người lớn (tổn thương hẹp khí phế quản do axit, do biến chứng sau đặt nội khí quản…) và kỹ thuật trượt (sliding) khí quản ở trẻ em. Đây đều là hai kỹ thuật khó nhưng đã được bác sĩ Vĩnh phẫu thuật thành công cho hơn 150 bệnh nhân.

Tuy nhiên, tại Việt Nam, cũng như y văn thế giới chưa ghi nhận phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị sẹo, hẹp khí quản do biến chứng từ bệnh lao khí quản. Vì khi bị lao khí quản, vùng này sẽ bị tổn thương nặng nề và không phục hồi lại được  - dù trị dứt bệnh lao. Hơn nữa, khí quản được ví như là con đường (thở) độc đạo, nên tổn thương hay phẫu thuật đều khó khăn, đầy thách thức.

Cô gái 19 tuổi hồi phục nhanh chóng và đã có đường thở bình thường như bao người
Cô gái 19 tuổi hồi phục nhanh chóng và có đường thở bình thường như bao người

Ngày 18/12, bác sĩ Vĩnh và ê-kíp đã phẫu thuật cho bệnh nhân D. với kỹ thuật trượt khí quản. Ca mổ kéo dài 4 giờ đồng hồ và đường thở của D. đã được tái tạo rộng như người bình thường, chức năng hô hấp của cô gái trẻ cũng bình thường.

Sau 20 ngày phẫu thuật, sức khỏe của D. đã tốt hơn, đặc biệt không còn bị tình trạng khó thở. Biết mình vừa thoát cửa tử, D. rất vui mừng. Cô xúc động nói: “Em mới được bác sĩ sinh ra lần nữa”.  

Bác sĩ Vĩnh cho biết, nếu kiểm soát tốt bệnh lao, không tái lại thì D. sẽ không bị tái hẹp khí quản.

Thùy Dương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI