Ai mà chẳng có con, chẳng lẽ cứ ngồi úm con mãi, không chia sẻ gánh nặng cùng chồng?

11/12/2016 - 06:30

PNO - Bằng linh cảm của một người đàn bà, chị biết em trai mình đang nhìn ngó ra ngoài, nơi có những cô gái mặc váy văn phòng, mang giày cao gót, sáng sáng thoa chút son môi rồi vội vàng đến công sở. Chị lo lắm.

Em khóc trong điện thoại, kể chuyện vừa phát hiện chồng có bồ, chị phải “làm chủ” cho em. Dù chưa biết sẽ cùng em xử lý thế nào, nhưng chị cũng không quá bất ngờ.

Là chị chồng - em dâu nhưng hai đứa vốn thân thiết từ khi còn đi học. Em chật vật lấy bằng trung cấp kế toán, vì chồng em bây giờ, lúc đó còn là bạn trai, ra tối hậu thư là em phải có một cái bằng hay nghề gì đó mới tính chuyện cưới hỏi. Nguyên do, vì em rất ghét chuyện học hành, chỉ nghĩ đơn giản đàn bà con gái học nhiều làm gì, lấy chồng rồi sinh con, lo chuyện trong nhà, chồng nuôi cũng là bình thường mà. Huống gì, chồng em sẵn việc làm ổn định, lương bổng cũng tốt…

Chị cũng hiểu, có giai đoạn em còn ghét chị, cho rằng chị cố tình ép em phải cực khổ kiếm việc làm. Chị thương em nhưng đôi lúc cũng lăn tăn ý nghĩ đã làm ơn mắc oán, không dưng ôm vào thân những chuyện chẳng liên quan đến mình. Nhưng rồi chị lại thấy không thể sống mặc kệ, lỡ sau này em trai mình thay đổi, chị lại ân hận vì đã nhắc nhở em về cái mặc cảm phải chịu đựng của một người ở nhà “ăn bám”, nỗi đau mà chính chị từng phải chịu đựng…

Ai ma chang co con, chang le cu ngoi um con mai, khong chia se ganh nang cung chong?

Em sinh cu Bin thiếu tháng, đành phải nghỉ việc, chăm con. Thằng bé qua được những năm tháng khó nuôi, sức khỏe đã bình thường như mọi đứa trẻ khác, nhưng tận lúc Bin chập chững vào mầm non, em vẫn cứ ở nhà ngóng theo thằng bé, chẳng chịu đi làm lại. Chuyện này là chị nghe từ em trai mình, tức chồng em, hài hước kể sau lưng vợ: “Nói ra thì sợ vợ buồn, mà cứ thế này hoài tui mệt quá!”.

Mà đúng là mệt thật. Sinh hoạt ở thành phố đắt đỏ, cả gia đình trông vào đồng lương của một người thì chẳng dễ chút nào. Em còn hở chút là tủi thân, than mình không làm ra tiền nên bị chồng coi thường, muốn mua gì cũng bị chồng xét nét. Mà em toàn sắm sửa phục vụ cho cả nhà, chứ đâu phải để hưởng thụ riêng.

Nhùng nhằng đến tận khi cu Bin vào lớp lá, em vẫn vậy. Lý do không thiếu: nơi thì xa nhà quá, đi lại không tiện; nơi thì giờ giấc không ổn định, khó đưa đón con; nơi khác em lại chê thu nhập chẳng bao nhiêu, ở nhà cho khỏe… Cứ gặp mặt là chị lại nghe chồng em than phiền chuyện này.

Chị dần có cảm giác bất an về cuộc hôn nhân của hai em. Bằng linh cảm của một người đàn bà, chị biết em trai mình đang nhìn ngó ra ngoài, nơi có những cô gái mặc váy văn phòng, mang giày cao gót, sáng sáng thoa chút son môi đầy kiêu hãnh rồi vội vàng đến công sở. Chị lo lắm.

Đã ba lần chị “nhiều chuyện” tìm việc cho em nhưng không thành. Thật lòng chị chỉ mong em “ngộ” ra một điều: đàn ông luôn ngưỡng mộ những phụ nữ độc lập, tự tin, biết làm chủ cuộc sống, không phụ thuộc ai. Quá tam ba bận, chị đành bỏ cuộc, chỉ còn biết xa gần khuyên em trai, rằng nội trợ cũng là một công việc, có vợ an phận cũng là điều may mắn trong cái xã hội mà phụ nữ lắm người "vùng lên" quá đáng. Chồng em chỉ nhún vai bỏ ngoài tai. Ai mà chẳng có con, chẳng lẽ cứ ngồi úm con mãi, không chia sẻ gánh nặng kinh tế cùng chồng? Thời buổi nào rồi mà cứ ru rú như thế, nhàm chán và tẻ nhạt kinh khủng, chồng nào mà không thấy oải.

Giờ thì những lo lắng mơ hồ của chị đã thành sự thật. Chị chỉ còn biết an ủi em “còn nước còn tát”. Chị hiểu em trai mình không phải người trăng hoa. Nhưng, vì em bỏ bê “sân nhà” lâu quá, khiến bản thân bị rơi lại phía sau, một mình.

Ngọc Hằng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI