PNO - Lớp da gà khô ráo, giòn rụm nhưng lớp thịt lại mềm ẩm, đậm đà, dai chắc, ngọt thỉu, thơm man mác khiến ăn miếng đầu sẽ muốn tiếp ngay miếng nữa cho đã miệng, đã cái cảm giác thắc mắc gia vị là những gì mà quấn níu lấy mũi, lưỡi, môi…
1 con gà nướng vừa đủ cho 2, 3 người ăn nên nhà hàng thường bán nguyên con cùng cơm lam
Tây Nguyên luôn quyến rũ bước chân du khách bằng thứ quyền năng của đại ngàn. Không gian thênh thang choáng ngợp. Màu xanh của núi rừng làm nền cho những con đường đất đỏ. Màu trắng của thác, của suối đôi lúc nhòa với sương và mây tô vẽ bức tranh thiên nhiên đẹp đến sững sờ. Cái lạnh bao bọc lấy cái nắng như mật tràn khắp núi rừng khiến những bờ vai co lại, những bước chân cứ dùng dằng như chẳng muốn rời đi…
Xuôi quốc lộ 24 từ Gia Lai ngược lên điểm đến ngã ba biên giới được mệnh danh là góc rừng mà một con gà gáy ba nước cùng thức giấc, tôi dừng chân ở nơi được cho là đẹp nhất Kon Tum. Nơi đây có bảy núi ba thác làm say lòng du khách. Những biệt thự nằm sát quốc lộ phô vẻ mỹ miều trên nền rừng xanh. Trong số đó, không ít nơi đã bỏ hoang sau dịch COVID-19 đang dần được đầu tư trở lại. Hoa cỏ hai bên đường nở rộ như đua với bạt ngàn hoa cà phê trắng muốt dọc quốc lộ. Nhưng, có lẽ điều lôi cuốn nhất nơi đây là… món gà nướng. Biển hiệu hàng ăn dọc hai bên phố, trước lối rẽ về các khu nghỉ dưỡng ở Măng Đen hầu như có chung nội dung: gà nướng - cơm lam.
Câu nói đùa với bạn đồng hành rằng hình như bà con địa phương chỉ biết làm món này thoáng thành chút ân hận khi tôi nếm hương vị của món ăn đại trà ấy. Khứu giác tôi bị kích thích bởi mùi thơm rất riêng, giống đấy mà khác đấy của món gà nướng trên than hoa thông thường. Gà ở đây roi roi, da mỏng chứ không như gà ở miền núi phía Bắc. Cũng có thể do chúng chạy nhảy trên các sườn đồi núi dốc, dưới cái lạnh ổn định và áp suất cao nguyên hay bà con canh thu hoạch vào lúc chúng đạt độ cho thịt ngon nhất mà món gà nướng Măng Đen dường như nức tiếng từ lâu.
Hít hà mùi thơm ngào ngạt từ bếp nhà hàng, ngắm những con gà đều tăm tắp được xiên que, nướng chậm rãi trên lò khay than củi, tôi tò mò về thứ hương vị đủ thơm mà không nồng gắt, đủ đậm đà mà không quá sốc với khứu giác ấy. Gà nhỏ, ức mỏng vừa, một con đủ cho 2, 3 người ăn nên nhà hàng thường bán nguyên con cùng cơm lam. Khách có thể gọi cơm theo sức ăn hoặc theo cả sự hấp dẫn rất riêng của nguyên liệu và cách chế biến đậm sắc màu bản địa. Xé con gà được cài chặt lớp gia vị ướp trong bụng, nghe tiếng lớp da mỏng giòn rụm vỡ nhè nhẹ, hơi nóng và mùi thơm tỏa ra khiến khoang miệng lúc này có vẻ như quá sức chịu đựng. Những bàn tay vội vã tìm đến những miếng thịt nguyên thớ nóng hổi...
Cũng lá và rễ cây, gia vị nhồi trong bụng gà nhưng hương vị món gà nướng ở cao nguyên nơi đây khác hoàn toàn với món gà nướng ở vùng núi phía Bắc. Búi lá rừng xanh đen điểm vài sợi rễ của loại cây hương liệu nào đó. Tôi nhận ra thứ hương vị chủ đạo của hành, tỏi, nén, tiêu, sả thoảng nhè nhẹ thôi nhưng dường như nhờ kết hợp với loại lá thơm hơi hắc và loại rễ cây thơm ấm, quyện vào nước tiết ra từ thịt gà để rồi dưới sức nóng của than lửa, của những vòng quay trên lò mà ngấm ngược ra ngoài thớ thịt. Lớp da gà khô ráo, giòn rụm nhưng lớp thịt lại mềm ẩm, đậm đà, dai chắc, ngọt thỉu, thơm man mác khiến ăn miếng đầu sẽ muốn tiếp ngay miếng nữa cho đã miệng, đã cái cảm giác thắc mắc gia vị là những gì mà quấn níu lấy mũi, lưỡi, môi…
Chén nước chấm sền sệt dọn bên cạnh dĩa rau thơm, dưa leo ăn kèm nom thật lạ. Thêm chén muối mè để chấm cơm lam. Nhà hàng cẩn thận sắp 1 chén muối tiêu chanh, có lẽ phòng hờ nhiều du khách không quen hương vị của nước chấm.
Lại nói về nước chấm. Ban đầu, tôi cứ tưởng đó là thứ muối ớt xanh xay nhuyễn giống dưới xuôi thường dùng kèm hải sản. Thế nhưng, khi nếm món chấm đó - một hỗn hợp có vị chua ngọt, mặn dịu, hơi nhớt - mùi hương quyện trong miếng thịt khiến tôi nhận ra thứ hương đó, màu xanh đó là của lá é chứ không phải ớt xanh. Nhẩn nha nếm những thớ thịt gà thơm mềm, dai dai cùng miếng cơm lam dẻo quánh, thơm nức chấm muối mè..., vị giác và khứu giác lúc này như bùng nổ.
Tôi đem thắc mắc hỏi chủ quán, rằng sao hương vị cơm lam ở đây khác thế - beo béo, ngầy ngậy như có sữa dừa mà lại thơm dịu ngan ngát như có lá dứa. 2 thứ mùi vị đó quyện trong cái dẻo của nếp nương khiến miếng cơm ăn hoài không ngán, mà lại na ná món bánh trái nào đó trong ký ức tuổi thơ. Chủ quán cười sảng khoái, gật đầu rồi gọi cô bé nhân viên tặng thêm cho bàn tôi 2 thanh cơm nữa.
Chị nói tôi là vị khách khá đặc biệt bởi nếm lần đầu mà nhận ra chị có bỏ chút “thủ thuật” để khách nhớ nhà hàng. Bản thân nếp nương ở đây đã dẻo mềm và có độ béo, chỉ thêm chút nước cốt dừa xóc đều với gạo đã ngâm nửa ngày trong nước lá dứa, để ráo rồi bỏ ống tre, ống vầu tươi mà đốt. Ống nếp đặt quây quanh những xiên gà. Khi con gà vàng ươm, mỡ đổ trên than cháy lép bép thì ống cơm lam đạt độ chín. Trên khay, con gà chảy mỡ vàng nhạt, bốc khói cùng thanh cơm lam đua tỏa mùi thơm…
Ngon lắm! Mà lạ nữa. Rất đáng để thưởng thức món gà nướng cơm lam giữa không gian luôn lành lạnh dẫu giữa trưa và ngắm những triền đồi thoai thoải đầy thông xanh ngắt. Ai đi qua Măng Đen nhớ ghé thưởng thức, hẳn sẽ không thể nào quên.