"Ai là triệu phú" nên dừng lại hoặc thay đổi?

25/11/2016 - 12:23

PNO - Một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam cho rằng: "Chương trình "Ai là triệu phú" có cùng một cách hỏi, cách trả lời dẫn đến nguy cơ nhàm chán".

Ai là triệu phú nên dừng lại?

Thời gian gần đây nhiều người cho rằng, chương trình "Ai là triệu phú" khi đã trải qua 10 mùa giải (bắt đầu hoạt động từ tháng 1/2015) đến nay cũng đang mất đi sự hấp dẫn, chương trình không có nhiều sự mới mẻ khi vẫn đi theo lối mòn, format đã cũ.

Thêm vào đó, sự ra đời của các gameshow, cuộc thi truyền hình khác cũng là một phần nguyên nhân khiến "Ai là triệu phú" trở nên giảm sự thu hút hơn. Trước thực tế này, nhiều người đưa ra quan điểm: "Có phải đã đến lúc 'Ai là triệu phú' nên ngừng sản xuất nếu không thể lấy lại sự hấp dẫn?".

Đồng quan điểm với các ý kiến trên, chia sẻ với PV, một chuyên gia nghiên cứu văn hóa Việt Nam, người từng tham gia cố vấn cho nhiều chương trình truyền hình nhận xét: "Chương trình 'Ai là triệu phú' có cùng một các hỏi, cách trả lời dẫn đến nguy cơ nhàm chán".

Chương trình "Ai là triệu phú" phát sóng tối 21/11

"Tôi cũng đã từng có một thời gian tư vấn cho các gameshow truyền hình, làm ra chương trình mới như thế nào. Những cái mới, cách làm mới rất là khó, phải đầu tư, làm một cách nghiêm chỉnh, một cách chuyên nghiệp thì chương trình mới hấp dẫn được", ông nhận định.

Lý giải về việc "Ai là triệu phú" được đánh giá là ngày càng "giảm nhiệt", vị chuyên gia cho rằng vấn đề cốt lõi nằm ở hệ thống câu hỏi, cách trả lời cũng như là cách dẫn.

"Anh Lại Văn Sâm mặc dù có cách dẫn rất thông minh nhưng tính nghệ thuật nó dừng lại, để hấp dẫn nó phải tiến lên, đổi mới. Ban đầu thì hay nhưng nếu cứ lặp lại thì sẽ gây ra sự nhàm chán", ông bày tỏ.

Theo ông, vấn đề còn nằm ở tính đa dạng của câu hỏi. Hiện nay chương trình này câu hỏi mang tính lặp lại, nhất là 5 câu đầu, còn thiếu những câu hỏi thông minh.

Bởi vậy, vị chuyên gia thẳng thắn: "Chương trình này nên dừng lại hoặc thay đổi. Có một chương trình dành cho sinh viên trước đó đã dừng lại một thời gian nhưng khi quay lại vẫn giữ những nét cũ nên khó tạo được thành công".

Đánh giá thêm về thực tế tổ chức các chương trình hiện nay, ông cho rằng các chương trình truyền hình tại TP.HCM thường có tính đổi mới cao hơn.

"Chương trình Gương mặt thân quen hay những chương trình dành cho các lớp trẻ khác nhau rất hay", vị chuyên gia chia sẻ.

Nhận định thêm, ông cho rằng muốn tạo nên một chương trình truyền hình hấp dẫn phải luôn luôn đổi mới để phù hợp với tâm lý của công chúng.

Người giỏi A có thể ngớ ngẩn B...

Đặc biệt, trong những ngày vừa qua câu chuyện nữ kỹ sư Phạm Thị Quyên - người chơi trong chương trình "Ai là triệu phú", phát sóng tối 21/11 không biết hiện tượng El Nino là gì, không biết canh cua thường nấu với loại rau gì khiến rất nhiều người đưa ra các ý kiến bình luận trái chiều.

Đưa ra quan điểm của mình, nhà báo Hoàng Hương viết trên trang cá nhân Facebook: Ai thiếu hụt và thiếu hụt của ai?

Chị cho rằng: "Thiếu hụt kiến thức của cô cũng giống như thiếu hụt của bất kỳ người nào, người giỏi A có thể ngớ ngẩn B; người rành C có thể không thèm quan tâm đến D. Nhân vật thám tử Sherlock Holmes cũng không (thèm) biết (điều gì ấy nhỉ, tớ đọc lâu quá quên mất). Ông giải thích với đồng sự John Watson "bộ não giống như một căn phòng, đồ gì cũng để vào thì chẳng còn chỗ cho những thứ khác".

Người ta chỉ có thể tập trung trí lực cho việc họ thực sự quan tâm và đam mê. Nếu Ngọc Trinh cặm cụi nghiên cứu Toán cao cấp thì cô có thể bỏ lỡ các xu hướng thời trang, nếu GS Ngô Bảo Châu chạy theo các kiểu nhuộm tóc mới nhất thì anh có thể nhỡ các hội thảo khoa học. Cô gái không ăn rau đay thì cô không cần biết. Tớ không đi ô tô nên tớ cho rằng phân biệt được ô tô với xe máy là giỏi rồi.

Tất nhiên bỗng dưng chúng ta có động lực tìm hiểu/học hỏi thì tốt quá, nhưng sẽ là thảm họa khi ai đó mặc định ta phải biết điều gì đó kiểu cứ là con trai phải biết sửa xe, lắp bóng điện; con gái phải giỏi may vá, nấu ăn".

Nhà báo Hoàng Hương cho rằng: "Người ta công kích cô gái vì người ta thiếu sự cởi mở trong nhìn nhận; vẫn mang những tư duy cũ ra phán xét: đàn bà con gái phải nấu ăn ngon, người Việt Nam (nhất định) phải biết ăn canh cua mắm tôm… Bất chấp thực tế cô ấy có thể không biết nấu canh cua, nhưng cô có thể nấu các món Tây Tàu hoặc giỏi các kiến thức khác…".

Đồng quan điểm với chị, xung quanh câu chuyện nữ kỹ sư, nhiều ý kiến cũng cho rằng có những người học thuyết rất uyên bác nhưng có thể chỉ là chút lơ là các kiến thức đời sống mà nữ kỹ sư trẻ tuổi không nhất thiết phải quan tâm.

Hoàng Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI