Ái kỷ - căn bệnh phức tạp trong thời đại số

04/04/2025 - 06:23

PNO - Khác với tự quan tâm bản thân, ái kỷ (tự luyến) là bệnh tâm lý xuất phát từ nhiều nguyên nhân, có thể gây hại cho cá nhân lẫn những người xung quanh; làm rạn nứt các kết nối quan hệ xã hội.

Khi mình là trung tâm của thế giới

Ái kỷ là một đặt điểm tính cách phức tạp đang ngày càng phổ biến hơn trong thời đại bùng nổ mạng xã hội - Ảnh minh họa: Istock
Ái kỷ là một đặc điểm tính cách phức tạp đang ngày càng phổ biến hơn trong thời đại bùng nổ mạng xã hội - Ảnh minh họa: Istock

Trong một podcast mới đây, diễn viên Macaulay Culkin - ngôi sao nhí trong loạt phim Ở nhà một mình, hiện 44 tuổi - đã chia sẻ về mối quan hệ không tốt đẹp giữa anh và cha mình từ khi còn nhỏ. Anh bộc bạch: “Tôi luôn tự nhủ rằng khi lớn lên, tôi sẽ không đối xử với con cái mình như cách cha tôi đã làm”. Culkin xác nhận rằng anh đã không trò chuyện với cha trong gần 30 năm. Culkin cho biết, cha anh luôn nghĩ ông ấy không làm gì sai. Anh giải thích: cha anh là một người đàn ông tồi tệ, ái kỷ và bạo hành người khác.

Thuật ngữ “tự luyến” thường dành cho những người đàn ông tự đề cao bản thân, kiêu ngạo và kiểm soát, thường được gắn liền với nam giới. Thực tế, có tới 75% những người được chẩn đoán mắc chứng rối loạn nhân cách ái kỷ là nam giới. Dù vậy, căn bệnh có thể ảnh hưởng đến cả nam và nữ.

Claire Hart - phó giáo sư tâm lý học, Đại học Southampton (Anh) - lưu ý, ái kỷ là đặc điểm tính cách phức tạp. Mặc dù rối loạn nhân cách ái kỷ không phổ biến (khoảng 1 - 2% dân số) nhưng mọi người đều có xu hướng tự luyến ở các mức độ khác nhau. Các đặc điểm tính cách ái kỷ có thể được thể hiện dưới 2 dạng: tự phụ và dễ bị tổn thương. Những người thể hiện nhiều đặc điểm tự phụ hơn là những người tự tin và có tính thống trị xã hội. Những người thể hiện nhiều đặc điểm dễ bị tổn thương hơn là những người hướng nội và có lòng tự trọng thấp hơn. Cả 2 dạng đều thể hiện mức độ cao về đòi hỏi quyền lợi cá nhân và sẵn sàng lợi dụng người khác.
Với sự ra đời của phương tiện truyền thông xã hội, nhóm nhân khẩu học trẻ tuổi đang chứng kiến ​​sự gia tăng về ái kỷ. Một nghiên cứu được công bố tại Mỹ cho thấy sinh viên đại học có điểm số kiểm tra nhân cách ái kỷ tăng đáng kể từ những năm 1982-2006 (điểm số từ 0-40, thể hiện mức độ rối loạn nhân cách ái kỷ từ thấp đến cao). Nghiên cứu tiếp theo cho thấy điểm số này thậm chí còn tăng cao hơn nữa theo thời gian với tác động từ sự gia tăng “lòng tự trọng” ở những người trẻ tuổi và tác động của internet hay phương tiện truyền thông xã hội.

Chỉ cần một lượt thích cho bài đăng trên trang cá nhân cũng có thể kích hoạt phản ứng của hóc môn khen thưởng dopamine và góp phần gây ra chứng nghiện sự tán dương. Một nghiên cứu năm 2022 trên một tạp chí quốc tế về truyền thông và kiến thức thông tin cho thấy những người trẻ tuổi mắc chứng tự luyến quá mức hoặc dễ bị tổn thương là nhóm có nguy cơ nghiện TikTok cao nhất.

Phá vỡ các mối quan hệ

Trên mạng xã hội, nhiều người trẻ chỉ trích cha mẹ mình là người ái kỷ. Trên internet có vô số bài kiểm tra trực tuyến để kết luận ai đó là người ái kỷ và đưa ra lời khuyên nguy hiểm rằng con cái nên cắt đứt liên lạc với những bậc cha mẹ như vậy.

Một số nhà trị liệu cảnh báo, sự bùng nổ nội dung này có thể sai sự thật, mang lại bất hòa trong gia đình. Alison Roy - nhà tư vấn trị liệu tâm lý trẻ em từ Hiệp hội Tư vấn và Trị liệu tâm lý Anh - chia sẻ: cha mẹ có thể gây ra tổn thương về mặt cảm xúc cho con cái, nhưng con cái không thể mặc định đổ lỗi cho cha mẹ và dán nhãn họ là người ái kỷ.

Nhiều nghiên cứu lâm sàng về chứng ái kỷ cho thấy căn bệnh thường đi cùng chủ nghĩa cá nhân, khả năng tự thể hiện và sự quyết đoán. Trớ trêu thay, những đặc điểm này hiện đang được đề cao trong xã hội hiện đại và thậm chí còn tạo nên sự hấp dẫn cho một cá nhân.

Sarah Stanley - một cây bút của tờ Straits Times (Singapore) - chia sẻ: phải mất 3 tháng sau khi kết thúc mối quan hệ, cô mới hiểu rằng bạn trai cũ của mình là một người ái kỷ. Sarah kể rằng người ấy thường nói chuyện bằng những lời đường mật như trong phim, vẽ ra viễn cảnh về tương lai của cả hai chỉ sau vài tuần hẹn hò. Để rồi cuối cùng khi chia tay, anh ta không đưa ra lý do và chỉ nói rằng bản thân không biết phải làm gì cho vừa ý của Sarah.

Nhà tâm lý học lâm sàng người Mỹ Ramani Durvasula gọi đây là “ném bom tình yêu” - một nỗ lực bao gồm chuỗi hành động thể hiện tình yêu và tình cảm không thực tế với một cá nhân, nhằm gây ảnh hưởng, thao túng và duy trì quyền lực đối với họ theo một cách nào đó.

Tiến sĩ Annabelle Chow - nhà tâm lý học lâm sàng tại phòng khám tâm lý Annabelle (Singapore) - nhấn mạnh: mọi người nên tăng cường nhận thức về chứng ái kỷ. Căn bệnh có thể biểu hiện ở một người dưới dạng: không có khả năng tiếp thu lời chỉ trích một cách xây dựng, thường dùng lời nói để thao túng tâm lý, khiến người khác bối rối. Nó cũng có thể là hành vi cố tình từ chối thảo luận và đáp lại những nỗ lực giao tiếp bằng sự im lặng. Không phải ai thể hiện những xu hướng này cũng là người ái kỷ nhưng nếu ai đó thể hiện những hành vi độc hại liên tục thì bạn cần đặt ra ranh giới với họ, hạn chế giao tiếp và có thể cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ.

Đối với trẻ em, tiến sĩ tâm lý Dan Peters từ San Francisco (Mỹ) lưu ý: nhiều thanh thiếu niên trải qua giai đoạn tự cho mình là trung tâm, có cảm giác tự cao quá mức và thiếu sự đồng cảm với người khác do tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu cá nhân. Nhưng đó không phải là dấu hiệu của rối loạn nhân cách ái kỷ trong tương lai. Thay vì lo sợ rằng con mình mắc chứng ái kỷ, điều tốt nhất cha mẹ có thể làm là trò chuyện với con về cách hành động của chúng tác động đến người khác, khuyến khích con trẻ cân nhắc tác động đó trước mỗi hành động.

Cha mẹ cũng cần rèn luyện sức khỏe cảm xúc của bản thân và làm gương cho con về cách đối xử với người khác, quản lý các mối quan hệ lành mạnh. Nên cân bằng những lời khen dành cho trẻ, bởi việc cha mẹ đánh giá quá cao con mình, tin rằng trẻ đặc biệt và có đặc quyền hơn những đứa trẻ khác, cũng có thể góp phần hình thành chứng ái kỷ ở trẻ em.

Linh La (theo Parents, Psypost, Straits Times, The Post, Telegraph, NY Post)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI