Ai không nên ăn thịt bò?

25/04/2021 - 07:18

PNO - Thịt bò thuộc nhóm thịt đỏ, có hàm lượng chất sắt cao hơn thịt gà và cá. Thịt bò là nguyên liệu để chế biến nhiều món ăn ngon.

Thịt bò có nhiều giá trị dinh dưỡng
Thịt bò có nhiều giá trị dinh dưỡng


Giá trị dinh dưỡng: Thành phần dinh dưỡng có trong 100g thịt bò ăn được gồm: năng lượng: 182kcal; protein: 21,5g; lipid: 10,7g; vitamin: vitamin A (12mcg), vitamin PP (4,5mg), vitamin B6 (0,44mg), vitamin B12 (3,05mcg)…; chất khoáng: sắt (3,1mg); magie (28mg), kẽm (3,64mg), đồng (160mg), canxi (12mg)… 

Với giá trị dinh dưỡng như vậy, thịt bò là nguồn protein chất lượng, chứa lượng protein cao cần thiết cho quá trình tăng trưởng và phát triển cơ thể. Nó chứa đầy đủ các a-xít amin cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được, người lớn tuổi nên có thịt bò trong chế độ ăn. Thịt bò giàu vitamin B6, giúp tăng cường khả năng miễn dịch, thúc đẩy sự phân hủy và tổng hợp protein, thúc đẩy phục hồi thể chất. Vitamin B12 đóng vai trò thiết yếu trong việc hình thành tế bào hồng cầu, chuyển hóa tế bào, chức năng thần kinh và sản xuất AND.

Thịt bò còn là nguồn cung cấp sắt dồi dào. Sắt rất có lợi cho sức khỏe, bởi nó vận chuyển ô-xy tới cơ bắp thông qua các tế bào máu đỏ. Sắt còn có tác dụng to lớn đối với hoạt động của gan, thúc đẩy gan làm việc hiệu quả hơn. Thịt bò có chứa hàm lượng các chất béo khác nhau. Các a-xít béo chính có trong chất béo của thịt bò gồm: a-xít stearic, a-xít oleic, a-xít palmitic.

Món bổ dưỡng với thịt bò: Theo y học cổ truyền, thịt bò vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, lợi huyết, mạnh gân xương. Theo đó, thịt bò nấu nhừ với hồ tiêu, sa nhân, trần bì, vỏ quế, gừng tươi là món ăn bổ tỳ vị, kích thích tiêu hóa. Thịt bò nấu với thảo quả chữa đau dạ dày do hàn; nấu với thường sơn, hầm nhừ ăn chữa chứng tích trệ, trướng bụng. Dạ dày bò ninh với hoàng kỳ chữa tiêu hóa kém, đầy bụng. Đuôi bò ninh nhừ với đương quy chữa đau lưng, liệt dương do thận hư. Gan bò nấu với khởi tử chữa váng đầu, hoa mắt do gan, huyết kém. Dương vật bò hấp cách thủy với khởi tử và gừng chữa liệt dương. Kinh nghiệm dân gian cho rằng thịt bò có tác dụng co rút nên phụ nữ sau sinh thường ăn thịt bò để chóng hồi phục tử cung bị giãn khi sinh.

Người không nên ăn thịt bò: trẻ em và nhóm người tiêu hóa kém. Do thịt bò cần một thời gian dài mới có thể tiêu hóa hết. Đối với người lớn tuổi và trẻ em hệ tiêu hóa yếu nên sử dụng các món hầm, lượng vừa phải. Người có bệnh sỏi thận không nên ăn thịt bò: do thịt bò giàu protein, khiến lượng oxalate trong nước tiểu tăng lên, hình thành các loại sỏi. Người mắc bệnh gout cũng không nên ăn thịt bò do có thành phần đạm cao, sẽ làm tăng a-xít uric. Người có tăng mỡ máu, tăng huyết áp, tiểu đường: nên ăn lượng phù hợp vì thịt bò chứa một lượng chất béo bão hòa.

Thận trọng với nội tạng bò: Mặc dù ngon miệng và có giá trị dinh dưỡng nhất định nhưng đi kèm nguy cơ bệnh tật vì lượng cholesterol cao và nguy cơ nhiễm vi khuẩn, vi-rút, ký sinh trùng (giun sán), chất độc (gan, thận động vật là cơ quan lọc chất độc). Ăn óc bò không rõ nguồn gốc, mô hệ thống thần kinh có thể bị truyền bệnh não xốp bò (bệnh bò điên). Sử dụng hóa chất tẩy rửa để làm trắng lá sách bò, tẩy mùi làm tăng nguy cơ tích tụ hóa chất trong cơ thể người.

Chế biến đúng cách: Không nên ăn thịt bò tái, ăn thịt bò đã được nấu chín để đề phòng ký sinh trùng hoặc sán thâm nhập cơ thể. Không nên chế biến thịt bò ở nhiệt độ cao do các amin dị vòng là chất gây ung thư được tạo ra khi thịt được chế biến ở nhiệt độ cao. Không nên ăn thịt bò đã qua chế biến công nghệ như xúc xích, thịt nguội, thịt xông khói... vì làm tăng nguy cơ ung thư đại tràng. 

Tóm lại, tùy chế độ ăn của mỗi người mà có lượng ăn phù hợp, không nên ăn quá 500g thịt đỏ đã qua nấu chín mỗi tuần.

 Bác sĩ chuyên khoa 2 Huỳnh Tấn Vũ
giảng viên Trường đại học Y Dược TPHCM

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI