Ai khiến nữ sinh phải tự tử sau án kỷ luật?

06/12/2020 - 12:49

PNO - Khi học trò bế tắc, tìm đến cái chết thì đó là sự thất bại của nhà trường, của ngành giáo dục, kể cả khi nguyên nhân khiến học sinh tự vẫn không xuất phát từ phía nhà trường.

Bởi nó đủ để chứng minh tất cả thầy cô ở ngôi trường ấy đã không có nổi một người làm chỗ dựa tinh thần cho học trò của mình.

Trường học đầy đủ ban bệ, từ ban giám hiệu, trợ lý thanh niên, giáo viên chủ nhiệm đến tham vấn tâm lý học đường… không thiếu gì, nhưng chỉ thiếu người phát hiện ra học sinh đang có vấn đề cần giúp đỡ.

Nữ sinh Y nằm viện sau khi được phát hiện đã uống thuốc tự tử
Nữ sinh Y . nằm viện sau khi được phát hiện đã uống thuốc tự tử  - Ảnh: Vietnamnet

Trường hợp nữ sinh lớp 10 Trường THPT Vĩnh Xương (thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang) để lại thư tuyệt mệnh và uống thuốc tự tử ngay tại trường để chứng minh không vi phạm như quyết định xử lý của trường, tôi xin gọi đây là một “cái tát” vào ngành giáo dục. Nhà trường đã không thể làm chỗ dựa, mà còn có dấu hiệu gián tiếp đẩy em đến uất ức, tự vẫn.

Hành động nông nổi này cho thấy nhà trường đã không dạy cho học sinh kỹ năng sống cần thiết, khi gặp khó khăn không tự giải quyết được thì tìm đến người lớn giúp đỡ. Em đã không được dạy phải biết quý trọng cuộc sống và yêu bản thân, cho đến khi bước một chân đến… cửa tử.

Em được cứu sống chỉ là cơ may, nhưng lỡ như… Tôi không dám nghĩ đến tình huống đó. Điều tôi mong là giá như em được dạy và biết tất cả những kỹ năng sống cần thiết đó trước khi lắp đầy kiến thức để mang đủ thứ danh hiệu, thì tốt biết mấy.

Nếu như "quên” dạy kỹ năng cho học trò chỉ là thiếu sót thì chuỗi hành vi ứng xử tình huống sư phạm đối với em nữ sinh trên, từ giáo viên đến hiệu trưởng, đều đáng lên án. Đó là sự yếu kém gây ra tội ác.

Bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh Y
Bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh Y . - Ảnh: Báo CA TP

Một cô giáo dạy toán của trường cho rằng em mặc áo dài mỏng lộ “nội y” trước cả lớp là cách ứng xử thiếu tế nhị, kiến thức giáo dục. Cô là giáo viên đứng trên bục giảng, mỗi lời góp ý của cô còn được gắn thêm thứ quyền lực của người thầy. Cô nói vậy, trò sao dám cãi. Thay vì phê phán sao cô không tế nhị hướng dẫn em mặc sao cho "đẹp'' hơn?

Đó là chưa kể, khi cô dùng những từ ngữ nhạy cảm để nhắc nhở một nữ sinh mới 15 tuổi trước đông người thì đó còn là sự thóa mạ, sỉ nhục. Ở nhiều nước, cô giáo hành xử như vậy đã có thể bị khởi kiện ra tòa.

Học trò tự tử, thay vì thương xót, một cô giáo khác của trường lên mạng xã hội mỉa mai, bàn luận. Cô không thấy sai cho đến khi được lãnh đạo yêu cầu gỡ xuống. Nếu cô không thể đồng cảm với nỗi đau của học trò, vô cảm trước sinh mệnh của người khác thì xin cô hãy rời bục giảng. Bởi nghề cao quý không phù hợp với một sản phẩm... lỗi.

Chẳng biết một nữ sinh lớp 10 có thể phạm những lỗi tày đình gì nhưng khi đọc thông báo về học sinh vi phạm điều lệ của trường thì thật hoảng hồn. Văn bản ký vào 27/11, em N.T.N.Y (học lớp 10A4) đã sai phạm: ''phản ánh không đúng sự thật; gây hiểm lầm trong quan hệ nhà trường và gia đình; gây ảnh hưởng không tốt đến danh dự và uy tín nhà giáo; sử dụng điện thoại di động để ghi âm giáo viên trong giờ học''. Trường xử lý Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến 12/12.

Theo báo Thanh Niên, trong quyết định, hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6g30 phút đến 6g50 phút từ thứ hai đến thứ bảy hàng tuần để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường.

Đọc “tội danh” rồi “hình phạt”, tôi rùng mình. Nhà trường là nơi lạnh lùng và khắc nghiệt vậy sao? Vậy mà thầy hiệu trưởng nói nhẹ tênh, hứa “đây là bài học kinh nghiệm quản lý học sinh, sẽ điều chỉnh trong thời gian tới”. Có những thứ, nếu đã xảy ra, không thể điều chỉnh được, thưa thầy hiệu trưởng! Đó là sự đổ vỡ niềm tin của học sinh vào thầy cô và ngôi trường đang học. Đó là sức khỏe, tinh thần và tính mạng đã bị ảnh hưởng, càng không thể xem như không.

Văn bản, hướng dẫn xử lý kỷ luật học sinh không thiếu. Nhưng, áp dụng vào mỗi trường hợp học trò cụ thể là một thực thể đầy nhạy cảm. Muốn xử lý kỷ luật học sinh tốt nhất chỉ có thể xuất phát bằng tình yêu thương của người thầy, chọn phương pháp giáo dục uốn nắn hơn là răn đe trừng trị. Thế mà, những người thầy cô đã sử dụng các cách thức phản sư phạm nhất với học trò của mình.

Xã hội tôn vinh người thầy là kỹ sư tâm hồn không chỉ để ngợi ca, mà còn nói lên cốt cách của một con người được hình thành có sự ảnh hưởng từ những người thầy. Học trò nên hay hư, thành hay bại đều có vai trò của người thầy. Khi một học trò chọn cách chứng minh bản thân trong sạch bằng con đường nghiệt ngã như vậy, xin hỏi trách nhiệm của người thầy ở đâu? Câu hỏi xin dành cho các nhà sư phạm!

Gia Tuệ

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI