Ai hậu phương, ai tiền tuyến?

21/12/2020 - 09:20

PNO - Việc bảo rằng em hay anh phải là hậu phương để ai đó tiến lên, băng xa, là một sự thiệt thòi cho cả hai vợ chồng.

“Anh sẽ là một căn gác xép bí mật, nơi em có thể cất giữ những vụn vặt khó khăn, những điều nhỏ nhoi nhưng khó giải quyết. Em biết đấy, hôn nhân, gia đình không có nhiều chuyện lớn, hầu hết các bất hòa đều từ những việc nhỏ, rất nhỏ. Anh muốn điều ấy được nói ra, được giải quyết, hay chỉ là cùng cất giữ”, đó là lời tôi nói với vợ, những ngày cưới nhau chưa lâu.

Thật may, sau 12 năm, cô ấy vẫn nhớ và tôi vẫn còn là một căn gác xép, bừa bộn nhưng tiện dụng và đa năng.

Như mọi phụ nữ khác, vợ tôi cầu toàn và lo lắng. Suốt nhiều năm, sau khi có con, cô đã không cho phép mình vắng mặt khỏi trách nhiệm gia đình, con cái quá tám tiếng đồng hồ. Vì thế, với công việc kinh doanh tự do, đòi hỏi nhiều di chuyển, nhiều gặp gỡ, vợ tôi đã khá khó khăn trong việc làm việc đúng như mình mong muốn.

Những đêm ngủ, vợ tôi lại giật mình từng canh một, thói quen từ khi con tôi còn nhỏ, khóc và đòi bú. Những giấc ngủ chập chờn, công việc không thuận lợi, những bí bách giao tiếp xã hội… đã khiến cô nàng thở dài, cáu gắt, buồn bã, lo lắng. Đó là lúc căn gác xép phải mở ra, để cô nàng bỏ vào đó một vài điều.

“Em đã không tin và không cho anh tham gia nhiều vào việc chăm sóc con, em sợ anh vụng về, anh có thể gây ra điều không hay, anh không chăm sóc con đủ. Em nhận quá nhiều trách nhiệm về mình. Nay con lớn hơn rồi, anh và con sẽ đi cùng nhau xa nhà ba ngày mà không có em. Nếu tất cả đều ổn, em có thể trở lại các hoạt động sống mà em mong muốn, anh sẽ chia sẻ phần chăm con, nhé!”. Cô nàng đồng ý và chuyến đi ngập những hỏi han, thăm dò. Thật may, tất cả đều ổn, con tôi thích thú với chuyến đi, vui vẻ với những trải nghiệm mới. Vợ tôi có thể xót xa về “con hơi đen”, “con ăn không nhiều”… nhưng đã đồng ý mọi việc có thể vận hành mà không buộc phải có mặt mẹ liên tục.

Những chuyến đi được nối lại, những mối quan hệ được xúc tiến, vợ tôi vui hơn, chăm sóc bản thân nhiều hơn. Hai cha con cố gắng ổn thỏa nhất cho mẹ yên tâm khi vắng mặt. Vợ tôi vỗ vai tôi “gác xép được đấy”. Đấy là một kiểu trao huy chương sống, phải không?

Ở đời sống hiện đại, có lẽ, phân định ai hậu phương, ai tiền tuyến đã thành việc khó khăn. Cuộc sống của một gia đình bình thường ở đô thị đã là cuộc hòa trộn, đổi vai, thay nhau gách vác, chung tay cho một dự định.

Việc bảo rằng em hay anh phải là hậu phương để ai đó tiến lên, băng xa, là một sự thiệt thòi cho cả hai. Hàng triệu điều vụn vặt đời thường, đón con, nấu ăn, rửa chén, chăm sóc nhà cửa… tại sao phải bó buộc là trách nhiệm của một hậu phương có vẻ vô danh nào đó.

Không ai có thể sống giúp cho ai, kể cả là vợ chồng, chỉ cần một thỏa thuận giữa hai người, chỉ cần một cuộc điện thoại “làm việc này cho em, cho anh”, là đủ. Những việc làm tưởng nhỏ nhoi ấy, nghĩ mà xem, chính là điều hấp dẫn và kỳ diệu của đời sống đấy. Một bữa cơm thay nhau nấu được nô nức khen. Một buổi đón con nghe con kể bao nhiêu chuyện hấp dẫn ở trường, với bè bạn. Đứng ngắm sau khi treo một bức tranh lên tường vào chỗ mình thích…

Tôi chỉ mong muốn làm căn gác xép nhỏ, nơi gia đình có thể trú trong một cơn bão lũ, cất giữ những điều hay ho của tất cả đời sống tưởng chừng đã bị quên lãng, được mang ra khi cần gọi lại yêu thương. 

Nhưng tất nhiên đời sống gia đình cần có lúc chúng ta là hậu phương của nhau. Như khi tôi muốn có thêm một đứa con nhưng vợ tôi nói “em chưa sẵn sàng và về tài chính, chúng ta chưa đủ sức để chăm thêm một đứa con cho tốt”. Tôi đồng ý, tôi sẽ gác lại ý muốn của mình để làm hậu phương cho cô ấy.

Cô ấy là mẹ của con tôi, cô ấy phải được quyết định. Và vợ tôi, khi xoa đầu tôi thủ thỉ “thôi, mình ráng trước mắt cứ chăm một đứa cho thật tốt nha anh”, cô ấy đang làm hậu phương cho tôi, đỡ đần cảm giác của một người cha.

Phan Thành

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI