Ai hát trên núi Cà Tang

27/07/2018 - 06:24

PNO - Họ hát như nhắc người sống, rằng linh hồn u uất lắm, không được quay về nhìn mẹ cha, vợ con, bản quán.

Bà hàng xóm nói: “Hắn ở bệnh viện, chuyền nước, hôm kia cũng chuyền nước rồi rút dây chạy về làm. Đúng là…”. Chấm lửng ấy đọng trong mắt bà vẻ trìu mến, thân ái. Một xe máy ào tới. “Ủa, hắn về tề”. Tay trái vẫn còn nguyên vết băng trắng, “tố cáo” chị cãi lệnh bác sĩ. “Nghe tụi bay lên, tau rút dây chuyền, bác sĩ Lý um sùm “bà lì quá, chết ráng chịu đừng kêu tôi”. Biết răng chừ em…”. Tôi ngó chị, quần ống thấp ống cao, mệt lử như vừa cõng than cõng củi trên núi về.

***

Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam), xứ của trầm hương, hoa trái Đại Bường, dầu rái, của voi đôi tháng lại về phá rẫy đuổi người, của những tay sơn tràng lì lợm chịu chơi tới số, và đó cũng là xứ sở của những giấc mơ lang thang đau đớn gieo vào óc kẻ đi rừng lắm xót thương và sợ hãi. Từ Trung Phước bật thẳng lên vùng Quế Lâm, Quế Ninh, núi và suối sâu giấu những viên gạch Chăm có ký tự hẳn hoi nằm bên vực thác dựng đứng như lưỡi kiếm từ cao xanh cắm xuống; những lời kể không dám thì thào vào ban đêm; những cái nhìn kính sợ… Ai đi đến đó, hát câu: “Ngó lên Hòn Kẽm, Đá Dừng/ Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi/ Thương cha nhớ mẹ thì về/ Nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng”. 

Ai hat tren nui Ca Tang
Chị Nguyễn Thị Bích: “Tau không cần hiểu, tau làm vì lòng không yên”

Tôi nhớ có dạo trên báo Quảng Nam - Đà Nẵng, người ta tranh luận hai câu cuối, rằng về hay không, là tại sao? Có người bảo ông ấy bị tình phụ, chán quê mà đi, mất cha mẹ thì sẽ không bao giờ “quy cố hương”… Cãi mãi cũng chỉ để cãi mà thôi, nhưng điều có thực, là có biết bao linh hồn không được về quê, thân xác vĩnh viễn hóa thành đất chốn này, vì họ là những người lính đã ra đi để thung xanh bây giờ không còn tiếng súng, nhưng lại gieo tiếng nổ đớn đau hậu chiến khôn nguôi trong lòng những người như chị Nguyễn Thị Bích, như trói buộc chị phải trả cái nghĩa mà ai trong chúng ta hiện thời, đều không vô can.

Chúng tôi đi vào rừng. Cây xanh lả bóng, hun hút. Đã không ít gièm pha, rằng chị khùng dữ, rảnh quá mà, về hưu rồi, bệnh tật đầy người, việc chi phải đèo bòng, ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng, chuyện đó Nhà nước lo. “Chị hỏi em, tau ăn cái chi mà làm, nhưng tau phải làm, em có đi làm như chị rồi mới biết, thương lắm em ơi, cũng thân xác mẹ cha cho, rứa mà cuối cùng chẳng còn chi”.

Bốn năm rồi, kể từ ngày nhận sổ hưu là chị bắt đầu đi xin tiền làm bia tưởng niệm, dù trước đó, khi đang là thanh tra giao thông đường bộ ở Đà Nẵng, chị đã miệt mài đi tìm mộ liệt sĩ. Ở đây có một khúc mắc thuộc về hành chính, rằng Nhà nước chỉ lo nhà tưởng niệm to, chung cho cả một xã một vùng, hoặc chỗ nào quá đặc biệt, chứ không thể làm cho tất cả. “Ừ thì đúng rồi, nhưng chị hỏi em, hàng chục hàng trăm anh em chết, ví dụ như nơi ni, xa lắc xa lơ,  dân thương lắm, muốn có một chỗ để hương khói, mình làm được, tại sao không làm?”.

Âm sắc quyết liệt, gắt gọn như song hành với đôi mắt ầng ậng nước khi quay lại nhìn tôi, khiến tôi hiểu rằng, mọi lý giải có lý và vô lý, đều bất lực trước lẽ sống thiện tâm. “Mười mấy tuổi chị đã theo cách mạng, mi không sống thời chiến, chưa biết cực khổ đau đớn thế nào đâu em, mình còn sống là hột gạo trên sàng, cũng anh em đồng chí mình mà họ có được về quê nhìn mẹ cha đâu. Đây, đây này, khe Chín Khúc, cả trăm người đang ở dưới đó”.

***

Nhà bia đang xây gấp rút, chính vì cho kịp khánh thành dịp kỷ niệm thương binh liệt sĩ mà chị Bích phải… trốn bệnh viện chạy về làm. Có ai thay đâu. Hãy hình dung, nơi xa lắc xa lơ, bốn bề là núi hiểm thuộc thôn Thạch Bích xã Quế Lâm, có một người đàn bà lặng lẽ đến đó, với sự trợ giúp của người dân, chính quyền, vạt một nền đất khi đã xác định nơi đây là nơi yên nghỉ của 7 người có mật danh X15 thuộc Đặc khu ủy Quảng Đà, rồi dựng nhà bia, làm khuôn viên với diện tích 300m2. Chị chỉ huy thợ làm, chọn từng viên gạch, họa tiết, kết cấu.

Ông Trương Thành Duyên, nguyên bí thư xã Quế Lâm thời chống Mỹ, nhớ lại: “Họ hy sinh ngày 19/12/1969. Lần đó, 3 ngày sau khi họ bị bắn, ngay chỗ mình đứng đây, chú lén về ban đêm, thấy 7 anh em ôm nhau, nhưng bất lực không thể chuyển đi được”. Bất giác, tôi dịch chân như vô thức. Tôi đang chạm vào những linh hồn. Xác họ có còn đâu. Bao nhiêu năm dân hương khói mỗi dịp lễ tết, lúc đó mồ mả họ còn, nhưng rồi sau đó, những nấm mồ mất dấu. Dân làng thương lắm nhưng không biết làm sao.

Ai hat tren nui Ca Tang
 

Khi biết chuyện, chị Bích đã làm một bia tưởng niệm ở Quế Ninh, thì dân Quế Lâm đi tìm chị, tha thiết làm sao dựng được nhà bia để cúng liệt sĩ, chứ muốn lắm mà chịu. Tôi biết, nơi đây nghèo kiết xác, bao nhóm từ thiện đồng bằng đã chọn đây làm điểm đến. “Em biết không, khi chị cúng, vô nhà con bé đó nói mượn hai cái dĩa, hắn nói… trất quơ cô ơi, nhà con không có dĩa! Ủa chứ ăn bằng chi? Dạ, chỉ có tô và chén, quanh năm ăn rau rừng, ốc đá và mắm cái thôi. Chị nghe tới đó mà khóc òa lên”.

Tôi đã gặp cô bé đó. Em học giỏi, nhưng nghèo quá, hết lớp 12 đành nghỉ, giờ làm trưởng thôn, chị rủ rê về dưới thị trấn buôn bán, thì nhận được cái lắc đầu rằng, con theo cô để giúp bà con kiếm tiền làm đường làm sá, chứ đi bộ miết cực quá…

Tôi theo ông Duyên ra suối. Nơi đây là đường hành lang nối từ Lào về Nông Sơn, độc đạo, nhưng hiểm ở chỗ là sát đường có suối kéo dài, đồi cao cạnh suối, Mỹ phục kích ở đó, hễ bộ đội qua là chết. Suối này, lội cho hết, phải qua chín khúc nhấp nhô, nên bộ đội đặt tên là khe Chín Khúc. “Dưới khe, chú biết còn hơn cả trăm xác bộ đội bị bắn”, giọng người già trầm ngâm như khúc hồn sĩ tử cất lên. “Có còn chi đâu con, nó bắn xong, giữ không cho lấy xác, mục nát, heo, chó rừng ăn hết, rồi mưa, trôi sạch. Đó là anh em thuộc Sư đoàn 2, Quân khu 5, toàn từ Bắc vào, trẻ măng… Bích làm được cái nhà bia, thiệt là công quá lớn, tội nghiệp nó hễ đi xin tiền chưa được, về kể là nó khóc”.

Chuyện chị khóc với các Mạnh Thường Quân, chị có kể. Nhiều người khi cho tiền, cũng khóc. Đời sống bây giờ, dẫu sự vô cảm, thậm chí tàn độc lên ngôi, cả khi người ta lợi dụng cái chết để làm điều phi nhân, thì vẫn còn đó những tấm lòng thiết tha. “Nhà bia này bao nhiêu tiền chị?”. “Tau có biết đâu, xin được chừng mô, làm chừng nấy, thiếu thì xin tiếp”. Ông Ba Tá, giao liên thời chống Mỹ thuộc xã Quế Ninh, chen vào: “Thiếu thì tiền hưu của con, vay ngân hàng trả…”.

Chị cười, ông cũng cười. Mà thiệt, sổ đỏ nhà chị cầm ở ngân hàng, tiền hưu hơn 6 triệu đồng, chị giữ lại 1 triệu để dùng, còn bao nhiêu dồn hết làm bia, làm đường… Sẽ chẳng ai ngờ nổi một ngày đẹp trời, đường vô thôn Ninh Khánh 1 xã Quế Ninh gần 4 cây số bê tông, thêm một cây cầu, một khu tưởng niệm tại Trại Tiệp, hiện ra. Bốn mươi ba năm rồi, đó là khao khát cháy bỏng của dân làng. “Anh em khắp nơi giúp đó, từ Bắc vô Nam, cá nhân, tập thể, không có họ chị không làm được đâu, hơn 5 tỷ đồng chứ ít đâu”. 

***

Trại Tiệp, nơi 21 liệt sĩ, cũng lính Sư đoàn 2 yên nghỉ. Đã có một tranh luận, nói đúng hơn là phẫn nộ của dân làng ở đây, khi một vị có chức sắc nói rằng, chỗ nớ làm chi có người chết, phải chỗ kia kìa, mà cái chỗ kia ấy là gần nơi vị đó ở, hàm ý sẽ gắn với công trạng của ông ta. Dân Ninh Khánh họp, chửi um trời. Ông Tá e hèm: “Chú là giao liên, cũng năm 1969 đó, bộ đội chết nằm xếp lớp, heo rừng ăn thịt, đến nỗi bà Hồng (Mẹ Việt Nam anh hùng ở xã Quế Ninh) sau ni không dám ăn heo rừng luôn. Mấy ổng nói bậy, kèn cựa tào lao… Bộ đội bị thương từ Trà Linh, mà trúng càn, buổi sáng họ đi xuống 10 người, chiều 11 người, thì dính phục kích”.

Rồi khu tưởng niệm cũng được dựng lên trong nỗi vui mừng của dân làng, khánh thành năm 2016. Có nhà nghỉ, võng bộ đội, vài ống thuốc lào, bàn cờ tướng, cả bếp Hoàng Cầm, gọn gàng, đủ đầy mà không thiếu trang nghiêm. “Chị muốn dựng lại không gian sinh hoạt của bộ đội thời đó”. Tôi nhìn chị, không giấu được ngưỡng mộ. Người ta binh hùng tướng mạnh, đầy đủ ban bệ, tiền bạc rủng rỉnh, mới dựng nổi nhà tưởng niệm, đằng này chị “một tay gây dựng cơ đồ”. Bạn tôi nói: “Chị đi xin tiền, làm nhà bia, đường sá, bòn mót từng đồng, khổ như cửu vạn, cu li, có ai hiểu cho”.

Chị lắc đầu: “Tau không cần hiểu, tau làm vì lòng không yên”. Đã quá nhiều lý giải vô hình và hữu hình về những người như bị cái nghiệp phải “nối dài” với thế giới bên kia. Tôi không tìm hiểu chị điều đó. Tôi chỉ bị ám ảnh tiếng hát. Thì đó, văng vẳng  những trưa, những tối, những chiều ở Ngã ba Đồng Lộc, Nghĩa trang Trường Sơn, Hang Tám Cô, những “rải rác biên cương mồ viễn xứ” (Tây Tiến - Quang Dũng), cả tiếng hú hét rồi hát của ma nữ tóc dài rùng rợn và thê lương trong những trang sách không thể buồn hơn của Bảo Ninh về thân phận người lính…

Họ hát như nhắc người sống, rằng linh hồn u uất lắm, không được quay về nhìn mẹ cha, vợ con, bản quán. Quê chị ở núi Cà Tang xã Quế Trung. Chị, ba chị lúc còn sống, cả em gái nữa, đã bao lần cơm nắm gạo đùm lên núi đốn củi, nghe hát mà rợn người khi giữa lam sơn chướng khí tịch lặng không một bóng người, như trang sách Bảo  Ninh “chim chỉ bay mà không kêu, măng rừng nhuốm máu” thì ai hát? Rồi ba chị, một tay sơn tràng lão luyện, bật hiểu rằng, đó là chính những người lính đầu xanh tuổi trẻ vĩnh viễn nằm lại chốn này. Vì thế trước khi về với đất, ông có trăn trối rằng, chị hãy thay ông mà giỗ, mà lo hương khói cho anh em, còn nhiều lắm, nằm khắp núi rừng.

Tôi nghĩ, chị làm theo lời ba dặn, đó cũng là ân nghĩa của những người dân thiếu cơm nhạt muối, mà lòng thì mênh mông với người đã khuất… Chị nói với tôi như khất nợ: “Thôn Hóc Thượng xã Quế Trung có 198 liệt sĩ đã xác định được tên, còn 20 người chưa biết. Bà con họ nói: “Làm răng đây Bích?”. Chắc phải từ từ rồi tính…”. 

Trung Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI