AI giúp phát hiện người trầm cảm và có ý định tự tử

09/04/2024 - 20:08

PNO - Thái Lan đang triển khai mô hình DMIND ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ các cá nhân có nguy cơ bị trầm cảm và có ý định tự tử, giúp họ nhanh chóng tiếp cận được sự trợ giúp chuyên nghiệp, nhằm giảm tỉ lệ tử vong và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Nhân viên đường dây nóng của Văn phòng An ninh y tế quốc gia đang trực điện thoại để tiếp nhận phản ánh về tình trạng sức khỏe của người dân - Nguồn ảnh: NHSO
Nhân viên đường dây nóng của Văn phòng An ninh y tế quốc gia đang trực điện thoại để tiếp nhận phản ánh về tình trạng sức khỏe của người dân - Nguồn ảnh: NHSO

Mô hình DMIND được tích hợp vào dịch vụ đường dây nóng sức khỏe tâm thần 1323 của Văn phòng An ninh y tế quốc gia (NHSO).

DMIND được phát triển bởi các nhóm chuyên gia từ Khoa Y và Kỹ thuật của Đại học Chulalongkorn, cùng với NHSO và Khoa Sức khỏe tâm thần để nhận biết các dấu hiệu trầm cảm và ý định tự tử. Dù vậy, DMIND không thể thay thế bác sĩ tâm thần. Tất cả những gì nó làm là giúp sàng lọc mức độ khẩn cấp và trình tự các trường hợp cần được ưu tiên quan tâm.

Bộ Y tế công cộng đã phát triển một bảng điều khiển tập trung hiển thị số lượng cá nhân đã hoàn thành đánh giá DMIND và đồng ý nhận hỗ trợ thêm từ nhân viên y tế công cộng, bao gồm quyền tiếp cận tư vấn và hỗ trợ thông qua đường dây nóng. Bằng cách phân tích các giọng nói được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu, mô hình này vừa hỗ trợ phát hiện sớm vừa mở rộng phạm vi tiếp cận của các chuyên gia sức khỏe tâm thần, tạo điều kiện can thiệp nhanh hơn cho người có nhu cầu.

Một nhóm bác sĩ đã xác minh tính hiệu quả của mô hình này trong sàng lọc ban đầu về tình trạng sức khỏe tâm thần. Khi người dùng được đánh giá qua đường dây nóng của NHSO, nhóm các nhà tâm lý học sẽ được thông báo ngay lập tức. Sau đó, các nhà tâm lý học sẽ liên hệ với các cá nhân để đánh giá thêm tình trạng và hướng dẫn họ đến các dịch vụ chăm sóc hoặc cấp cứu phù hợp nếu cần thiết.

Giáo sư, tiến sĩ Nijasri Charnnarong - Phó trưởng khoa Y của Đại học Chulalongkorn - nhấn mạnh sự chênh lệch ngày càng lớn giữa số lượng bệnh nhân sức khỏe tâm thần ngày càng tăng và sự hạn chế của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe chuyên khoa. Bà chỉ ra rằng số ca mắc bệnh tâm thần được chẩn đoán đã tăng gần gấp đôi từ năm 2015 đến năm 2021, trong khi năm ngoái có tới 1,5 triệu người từ 15 tuổi trở lên được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm. Chỉ 1/3 trong số đó được tiếp cận điều trị thích hợp.

Hà Thụy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI