Ðại gia đình nhà giáo Đàm Lê Đức: Lấy đức, trí làm đầu

07/02/2017 - 11:41

PNO - Giờ đây, đại gia đình lớn gồm ba thế hệ ấy vẫn đang quần tụ trong ngôi nhà lớn trên đường Lý Tự Trọng.

Tôi còn nhớ ngày ấy, khoảng năm 1973-1974, chừng vài bữa sau Đại hội cháu ngoan Bác Hồ toàn thành TP.Hải Phòng, có một phụ nữ tìm đến nhà đề nghị ba tôi kết nghĩa bạn bè với lý do duy nhất: cô là giáo viên dạy toán, các cháu cô đều giỏi toán, còn ba tôi dạy văn và ba đứa con là chị em chúng tôi đều giỏi văn.

Ðai gia dinh nha giao Dam Le Duc: Lay duc, tri lam dau
Đến giờ cô giáo Đàm Lê Đức vẫn miệt mài với những tiết học đạo đức trên bục giảng

Khi kết nghĩa, chị em tôi và các cháu của cô sẽ học chéo văn và toán với ba tôi và cô. Nép sau lưng ba, ngắm nhìn người phụ nữ tươi cười, mạnh mẽ và phóng khoáng ấy, tôi cảm nhận được sự ấm áp, chân thành, và năng lượng mà cô đem đến cho mọi người. Gia đình tôi đồng ý với điều cô đề nghị và đó chính là cột mốc để tôi thật sự làm quen và trở thành một người thân của gia đình nhà giáo Đàm Lê Đức.

 1. Đến bây giờ, rất nhiều phụ huynh và học sinh của TP.HCM biết về cô Đàm Lê Đức, “bà giáo già” 85 tuổi vẫn đứng trên bục giảng, trí óc minh mẫn, tinh tường và trái tim hồn hậu, mang đến cho học trò kiến thức, tư tưởng và tình cảm đẹp. Nhiều người biết đến Trường bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng, với bề dày hơn 20 năm, nhưng ít ai biết bà giáo và ngôi trường ấy ra đời và phát triển từ một đại gia đình tuyệt vời, có truyền thống học hành và nền nếp gia phong được ghi chép rõ ràng trong gia phả. Thế hệ cô Đức là đời thứ 19 và hiện đã đến đời thứ 21 luôn ghi nhớ để giữ gìn, phát huy truyền thống ấy.

Hồi ấy, chúng tôi thường được cô Đức mời về chơi ở một ngôi nhà thờ nhỏ trong khu vườn rộng rãi, yên tĩnh ở thị xã Quảng Yên. Trí nhớ trẻ con của tôi còn lưu lại những hình ảnh rất giản dị nhưng đầy tôn nghiêm của căn nhà thờ ấy. Đó là nơi bắt đầu đời thứ 10 của dòng họ Đàm, một dòng họ có ông tổ từ đời thứ ba đã làm tới chức thượng thư bộ lễ.

Ở đời thứ 10, lo lắng vì thấy con cháu trong dòng họ cứ theo quy định của triều đình, con trưởng thì nhận ấn làm quan, sợ các con không chịu học hành mà cứ thế hưởng phước từ công lao của cha ông, người đứng đầu dòng họ khi đó đã đưa các con rời quê nhà ở Bắc Ninh về Quảng Yên, bắt đầu lại tất cả mọi việc dựng nghiệp với lời căn dặn: chừng nào các con tự làm quan được thì mới được về quê nhận họ.

Các thế hệ trong dòng họ Đàm từ nhỏ đã được nghe kể về các đời trước. Những câu chuyện bước ra từ gia phả hấp dẫn sống động như tiểu thuyết, mang đến cho con cháu niềm tự hào to lớn, khiến cho bất kỳ đứa trẻ nào lớn lên cũng hiểu được nghĩa vụ của mình. Những kỷ niệm ngoài trang gia phả của cô Đàm Lê Đức còn sống động hơn: “Ông bà ngoại của tôi, rồi đến bố tôi sau này làm đến chức quan thừa phái, nhưng thanh liêm lắm, nếp gia đình sống thanh bạch, chỉ lấy sự học làm quan trọng.

Ngôi nhà thờ ở Quảng Yên đến tận đời mẹ tôi vẫn chỉ là nhà lá vách đất thôi. Khi mẹ tôi về làm dâu, ba tôi phải làm thêm nghề đổ bánh cuốn để nuôi tới 26 người vừa con, vừa cháu trong nhà đi học. Đêm đêm, ông đi từ nhà trên xuống nhà dưới nhắc vang vang “học đi, học đi”. Tất cả các con từ trai đến gái đều được học, phải học. Con gái trong gia đình cũng phải học và được đi học ở trường Đồng Khánh. Bà ngoại của tôi lo hết mọi việc giặt giũ, nấu ăn cho cả nhà, để “bọn trẻ” chuyên tâm mà học”. 

Sau thế hệ của cô Đức, bác Mậu, những người đã phải vượt qua những khó khăn gian khổ của cuộc sống, của đổi thay thời cuộc mà học, đến thời con cháu sau này đều được các bậc trưởng lão dạy dỗ phải cố gắng học, không phải để làm quan mà để vươn lên những tầm cao mới của tri thức. Theo nền nếp gia đình, các anh, các chị người thi toán quốc tế, người có bằng tiến sĩ, tất cả đều phải phấn đấu học tập tùy theo khả năng của mình, trong sự hỗ trợ, động viên, dìu dắt của cả gia đình.

 2. Đã hơn 40 năm sau ngày trở thành người thân của gia đình cô Đàm Lê Đức, tôi vẫn còn nhớ những kỷ niệm đẹp đẽ về một gia đình sống quần tụ dưới một mái nhà, ấm áp, nền nếp, tôn nghiêm. Tôi nhớ những đám giỗ lớn của gia đình cô, trong thời bao cấp khó khăn, nhưng món cúng vẫn tươm tất, chỉn chu. Vui nhất là con cháu lớn nhỏ trong nhà tề tựu đầy đủ quây quần vui vẻ hạnh phúc. Tôi nhớ không khí tôn nghiêm có trên có dưới, người trên có quyền bảo ban, dạy dỗ người dưới, người dưới phải lắng nghe, lễ phép và hiểu mọi nghĩa vụ của mình với người trên.

Hồi còn nhỏ, có lần tôi hỏi cô, vì sao bác Mậu - anh trai cô, từng là học sinh của chính lớp cô Đức dạy, thế mà lúc nào cô cũng cung kính, lễ phép với bác như vậy, cô “hốt hoảng” ra mặt vì câu hỏi ngốc nghếch của tôi: “Cô nể phục anh cô lắm. Do hoàn cảnh khó khăn, sự học của bác Mậu bị gián đoạn, nhớ lời dạy của bố, truyền thống của gia đình mà bác vẫn luôn phấn đấu học hành. Bác phải đi học tại chức, là học sinh của cô, nhưng ý chí của bác khiến cô khâm phục. Điều đó mới làm nên sự kính trọng, chứ không phải là thứ bậc của xã hội”.

Ðai gia dinh nha giao Dam Le Duc: Lay duc, tri lam dau
Gia đình họ Đàm luôn yêu thương, kính trên nhường dưới

Giờ đây, đại gia đình lớn gồm ba thế hệ ấy vẫn đang quần tụ trong ngôi nhà lớn trên đường Lý Tự Trọng. Hàng ngày, buổi sáng, cô Đức, bác Mậu dậy sớm xuống vấn an người chị cả, thường được cả gia đình gọi một cách trìu mến, yêu thương là bác Cả. Bác Cả 94 tuổi nhưng vẫn tươi vui, minh mẫn. Hàng ngày bác nghe nhạc, xem phim, đọc sách và trông coi việc chi tiêu, cơm nước cho cả đại gia đình. Cô Đức, bác Mậu đi đâu cũng phải xuống chắp tay xin phép chị mình: “Em đi công việc. Đến (mấy) giờ em về”. Các em, con cháu trong nhà muốn đi chơi xa cũng phải vào phòng các bác, cô và bố mẹ, vòng tay xin phép bác Cả, bác Mậu, cô Đức cho chúng con đi du lịch, ngày nào về cũng phải thưa trình đầy đủ.

Kể về việc dạy dỗ con cháu trong gia đình, cô Đức bảo: “Ngày xưa bố mẹ tôi có dạy câu “Tiên trách kỷ, hậu trách kỷ” chứ không phải “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là người khác có làm gì sai thì mình trước tiên trách mình, sau đó cũng là trách mình. Đó chính là một trong những điều dẫn dắt người lớn gia đình chúng tôi trong việc dạy dỗ con cháu.

Trong nhà chúng tôi không có chuyện kỷ luật, trừng phạt ai. Con cháu có mắc sai lầm thì lỗi trước hết là ở người lớn, phải ôn tồn, điềm tĩnh mà lắng nghe, phân tích, bảo ban các con. Người nhỏ sẽ nể phục, tôn trọng người lớn bởi cái uy trong hiểu biết, đức độ, chứ không phải là sự sợ hãi. Kính trên, nhường dưới, yêu thương nhau đã thành nền nếp, con cháu lớn lên cứ theo đó mà sống, những thành viên dâu rể mới vào nhà cũng cứ theo đó mà làm thôi”.

Có lẽ đó cũng là lý do khiến cho con cháu dòng họ Đàm dù biết nể, biết trọng, biết cả sợ người lớn, nhưng điều lớn hơn trong lòng họ là yêu thương, gắn bó và tin cậy. Chỉ có bằng tình cảm đó, một người cháu khi đỗ tiến sĩ đã biết băng hàng nghìn cây số, về Việt Nam, hai tay nâng tấm bằng lên tặng người cô của mình để nói rằng đó là công lao của cô; để một đứa cháu sau khi tốt nghiệp thạc sĩ, vẫn về ngồi trong phòng người bà 85 tuổi mà trình bày lý do xin được đi làm một thời gian rồi mới học tiếp lên tiến sĩ. Với các thế hệ của gia đình họ Đàm, nền nếp gia phong là niềm tự hào, là chỗ dựa, là sự ấm cúng mà họ tự nguyện đặt mình vào đó trong một sự ràng buộc hết sức thiêng liêng.

Hôm trò chuyện với bác Cả, cô Đức về, xuống sân nhà, tôi gặp cô con dâu Hoàng Anh đang cùng mọi người sắp đặt công việc của trường, của gia đình. Hỏi Hoàng Anh, về làm dâu một gia đình nền nếp truyền thống quá có mệt, có cực không, cô mỉm cười hồn hậu, nhẹ nhàng: “Trong gia đình em, mọi người cư xử với nhau theo đúng thứ bậc trên dưới phân minh, rõ ràng. Em chưa biết làm gì thì được người lớn chỉ bảo, nhắc nhở nhẹ nhàng. Hình như chưa bao giờ em nghĩ mình chỉ là dâu. Em đang ở trong nhà của mình mà”. Và gần 20 năm về sống trong gia đình họ Đàm, Hoàng Anh đã có phong thái và cách cư xử trò chuyện của bác Cả, cô Đức, của những người trong ngôi nhà 40 Lý Tự Trọng ấy.

Khánh Chi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI