Ai được lợi khi cắt khuyến mại 50% thẻ nạp thuê bao trả trước?

01/03/2018 - 00:00

PNO - Theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, khuyến mại nạp thẻ cào đối với thuê bao trả trước (TBTT) chỉ còn được ở mức tối đa 20% giá trị thẻ nạp thay vì 50% như trước.

Theo Thông tư số 47/2017/TT-BTTTT của Bộ Thông tin & Truyền thông có hiệu lực từ ngày 1/3/2018, khuyến mại nạp thẻ cào đối với thuê bao trả trước (TBTT) chỉ còn được ở mức tối đa 20% giá trị thẻ nạp thay vì 50% như trước.

Người dùng thuê bao trả trước thiệt hơn

Nếu nhìn nhận vấn đề một cách trực diện thì là thế. Bởi những năm qua, áp dụng theo Thông tư số 11/2010/TT-BTTTT, thì mức khuyến mại thẻ cào tối đa đối với thuê bao di động nói chung là được cộng tới 50% giá trị thẻ nạp.

Nhưng với qui định mới, lại chia ra làm hai: đối với thuê bao trả sau (TBTS) vẫn được giữ nguyên mức tối đa khuyến mại thẻ nạp là 50% giá trị thẻ; trong khi đối với TBTT giảm mức tối đa xuống chỉ còn 20%, tức là TBTT mất đi tới 60% giá trị khuyến mại.

Ai duoc loi khi cat khuyen mai 50% the nap thue bao tra truoc?
Thuê bao trả trước giảm mức tối đa xuống chỉ còn 20%, tức là mất đi tới 60% giá trị khuyến mại.

Các nhà mạng lâu nay thường có thông lệ hàng tháng sẽ khuyến mại thẻ nạp 3 lần. Như vậy, nếu mỗi TBTT nạp thẻ 3 lần mỗi tháng, thì họ sẽ mất đi 60% giá trị khuyến mại của mỗi lần nạp, một tỉ lệ không hề nhỏ - đặc biệt là đối với đối tượng sinh viên, học sinh, công nhân lao động, người có thu nhập thấp.

Hơn thế nữa, trường hợp như VinaPhone, gần đây cho phép người dùng sử dụng tài khoản khuyến mại để mua data, thì việc cắt đi 60% giá trị khuyến mại sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của không ít người dùng TBTT.

Thị trường thông tin di động hiện đã ngày càng bão hòa đặc biệt là các dịch vụ cơ bản như thoại và tin nhắn SMS. Việc sử dụng internet di động (3G, 4G) giúp người dùng có thể chat, gọi điện video thông qua các ứng dụng OTT khiến các nhà mạng mất đi nguồn thu lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Trong khi đó, theo một nhà mạng, nguồn thu tăng từ các dịch vụ data lại chưa tương xứng.

Theo qui định mới thì TBTS vẫn được hưởng mức 50% khuyến mại thẻ nạp, cho thấy Thông tư số 47 nhằm mục tiêu siết chặt hơn việc quản lí đối với TBTT.

Có giúp nhà mạng tăng được nguồn thu?

Lấy trường hợp một TBTT thường mỗi tháng nạp từ 2-3 lần thẻ vào dịp khuyến mại, nhưng sắp tới bị cắt tới 60% giá trị khuyến mại, thì liệu họ có chịu bỏ tiền ra nạp thêm thẻ, hay sẽ tìm các cách chi tiêu tiết kiệm hơn đối với dịch vụ thông tin di động?

Câu hỏi này, cũng chính là bài toán mà các đối tượng người dùng là thanh niên, sinh viên, học sinh, người lao động thu nhập thấp… phải đối mặt giải quyết.

Ai duoc loi khi cat khuyen mai 50% the nap thue bao tra truoc?
Liệu người dùng có chịu bỏ tiền ra nạp thêm thẻ, hay sẽ tìm các cách chi tiêu tiết kiệm hơn đối với dịch vụ thông tin di động? 

Có nhiều ý kiến cho rằng, khi còn khuyến mại ở mức cao 50% giá trị thẻ nạp, thì người dùng trẻ có thể sử dụng các dịch vụ thông tin di động “xông xênh” hơn. Nhu cầu gọi và nhắn tin SMS cơ bản ngày nay đối với giới trẻ cũng không còn lớn như trước, thay vào đó sắp tới họ sẽ tận dụng nhiều hơn lưu lượng wifi ở bất cứ nơi nào đó để chat, gọi video call thông qua Viber, Messenger, Zalo.v.v… nhằm tiết kiệm chi phí.

Chính vì thế, việc giảm khuyến mại đối với TBTT chưa hẳn đã giúp được nhà mạng tăng nguồn thu từ việc tăng chi tiêu của hơn 90% thuê bao tại Việt Nam vốn là TBTT.

Cần biết rằng, theo Thông tin 47 áp dụng từ ngày 1/3/2018, không có qui định về tần suất khuyến mại. Cũng có nghĩa là, nhà mạng có thể tăng số lần khuyến mại thẻ nạp thay vì 3 lần/tháng như lâu nay lên mức 5-6 lần/tháng, và người dùng trẻ có thể chẻ nhỏ số tiền nạp mỗi lần để có thẻ hưởng lợi nhiều hơn.

Tất cả các nhà mạng tại Việt Nam cũng như trên thế giới hiện nay đều đang đối mặt với thách thức sụt giảm doanh thu của các dịch vụ cơ bản như thoại và SMS.

Tuy nhiên ở nhiều quốc gia khác, khi tỉ lệ doanh thu dịch vụ cơ bản giảm thì tỉ lệ doanh thu data (3G, 4G và sắp tới là 5G) lại tăng khá cao bù đắp được không ít cho sự sụt giảm từ dịch vụ cơ bản.

Theo một nguồn tin, tỉ lệ nguồn thu từ data tại nhiều quốc gia lên đến trên 40%, hay như Thái Lan cũng trên 30%, trong khi đó tại Việt Nam tỉ lệ này mới chỉ khoảng 20-22% chưa thể đáp ứng được kì vọng, cũng chính vì thế các đầu tư nâng cấp, cải tiến… đối với mạng lưới cũng như chất lượng 4G cũng bị hạn chế theo.

Thụy Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI