Ba tháng đầu năm 2020, giá heo có lúc lên đến 90.000 đồng/kg hơi. Sang tháng Tư, 15/15 doanh nghiệp chăn nuôi lớn cam kết giảm giá heo hơi xuống mức 70.000 đồng/kg, nhưng người tiêu dùng chưa bao giờ mua được thịt heo với giá giảm tương ứng. Oái oăm thay, sau cam kết của các doanh nghiệp, giá heo còn cao hơn: ngày 7/5, tại chợ đầu mối gia súc, gia cầm Hà Nam, giá heo hơi lên đến 95.000-96.000 đồng/kg. Trong khi đó, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp chăn nuôi, kinh doanh thịt heo vẫn tăng vùn vụt.
“Muốn ăn thịt heo rẻ, lên ti vi mà mua”
Ngày 7/5, đứng trước quầy thịt heo ở chợ Bằng, H.Thường Tín, TP.Hà Nội, chị Trần Thị Huệ tần ngần hỏi giá từng loại thịt. Chủ quầy báo giá 170.000 đồng/kg thịt ba rọi, 150.000 đồng/kg nạc vai. Chị Huệ nhẩm tính rồi quyết định mua 30.000 đồng/200g thịt xay để nấu canh, 85.000 đồng/500g thịt ba rọi về kho trứng. Đó là đồ ăn cả ngày cho gia đình ba thế hệ với sáu thành viên.
|
Người dân chưa bao giờ mua được thịt heo giá thấp sau khi 15 doanh nghiệp lớn cam kết hạ giá |
Chị cười méo xẹo: “Rau cỏ thì gia đình tôi trồng được nên cũng đỡ một khoản. Đợt trước, nghe tin thịt heo giảm giá theo chỉ đạo của Chính phủ, khấp khởi ra chợ mua, nhưng giá ngoài chợ vẫn rất cao. Tôi cùng mấy người nữa thắc mắc, bà chủ quầy cắm phập con dao xuống bàn gỗ bảo: “Muốn ăn thịt heo rẻ thì lên ti vi mà mua”.
Bà chủ quầy phốp pháp đưa tay áo quệt mồ hôi phân trần: “Gần hai chục năm gắn với phản thịt, chưa bao giờ tôi bán thịt heo mà giá cao như bây giờ, cũng chưa bao giờ ế ẩm như bây giờ. Giá cao quá, dân ăn ít, cả ngày trời, tôi mới bán được nửa con heo. Chúng tôi nhập heo móc giá đã cao rồi, hôm nào ế đôi cân là có khi mất lãi”. Hỏi giá thịt nhập khẩu thấp hơn từ 20.000-30.000 đồng/kg, bà có sợ mất khách không, bà trả lời tưng tửng: “Mất làm sao được. Trong nội thành, tôi không biết có dễ mua không, chứ ở ngoại thành này, muốn ăn thịt heo ngoại cũng không có mà mua”.
Nghe nhắc đến thịt ngoại, chị Huệ bực bội: “Cánh trẻ chúng tôi còn biết lên mạng tìm thịt heo nhập, tầm trung tuổi trở lên thì chịu. Mà thịt heo nhập cũng năm bảy loại, mấy chị em trong cơ quan tôi tìm chỗ bán online rồi mua chung để họ giao hàng tận nơi. Nhưng ba lần mua ở ba nơi thì cả ba lần chất lượng thịt đều kém”.
Là thương lái thu mua heo hơi trong dân về giết mổ nhiều năm, đến bây giờ, anh Nguyễn Văn Thắng (TP.Hà Nội) vẫn không thể tin được là dịch tả heo châu Phi lại khiến thị trường heo xáo động thế này. Anh nhớ, năm 2017, số điện thoại của anh là “kênh” giải cứu heo ế cho không ít hộ chăn nuôi. Giai đoạn đó, giá heo tăng lên 58.000 đồng/kg hơi, người nuôi heo đã mừng húm. Từ đầu năm 2019 đến nay, khi dịch tả heo châu Phi quét qua các trại heo, giá heo hơi anh thu mua cũng như giá heo móc hàm anh bán ra cứ tăng dần đều. Nhưng, các nông hộ chăn nuôi giữ được heo sau dịch tả không nhiều.
Những con số biết nói
Tại hội nghị trực tuyến bàn giải pháp thúc đẩy chăn nuôi heo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngày 6/5, Cục Chăn nuôi lý giải, giá heo thịt liên tục tăng cao trong thời gian qua là do dịch bệnh khiến nguồn cung giảm mạnh. Theo báo cáo của các địa phương, đến hết tháng 4/2020, tổng đàn heo của cả nước khoảng 24,89 triệu con, tương đương 80,3% so với tổng đàn trước khi có dịch tả heo châu Phi.
|
Giá thịt heo nhập “nhảy múa” trên các chợ online |
Về việc giá heo vẫn ở mức trên dưới 90.000 đồng/kg hơi dù 15 doanh nghiệp chăn nuôi heo quy mô lớn cam kết đưa giá heo hơi về mốc 70.000 đồng/kg từ ngày 1/4, Cục Chăn nuôi lý giải, 15 doanh nghiệp đó chỉ nuôi giữ khoảng 35% đàn heo thương phẩm, 65% còn lại nằm ở các doanh nghiệp nhỏ, trang trại, hộ nông dân (65% này không giảm giá); giá thịt heo bị đội lên đến 43% là do phải đi qua từ 2-5 khâu trung gian mới đến được tay người tiêu dùng.
Khi khảo sát ở các hộ dân, các hợp tác xã chăn nuôi heo, chúng tôi nhận thấy, nguồn cung quá thấp khiến giá heo tăng mạnh. Nhiều ý kiến cho rằng, số heo bị chết do dịch tả heo châu Phi lớn hơn con số được báo cáo. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hà Nam, dịch tả heo châu Phi đã làm chết 50% tổng đàn heo bố mẹ của tỉnh. Trước dịch, trang trại của Tập đoàn Dabaco đặt ở tỉnh Hà Nam có 3.200 con heo nái nhưng sau dịch, số heo nái còn lại chỉ hơn 800 con. Tại xã Ngọc Lũ, H.Bình Lục, tỉnh Hà Nam, trước khi xảy ra dịch, có 400 hộ chăn nuôi, sau dịch chỉ 40 hộ còn heo.
Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ nhiệm Hợp tác xã Chăn nuôi Hòa Mỹ (xã Vạn Thái, H. Ứng Hòa, TP. Hà Nội) - cho biết, dịch tả heo châu Phi đã “lấy” mất 40% số heo của địa phương. Chúng tôi ướm hỏi: “Có vẻ khâu trung gian đã đẩy giá heo lên mức ngất ngưởng như hiện nay?”. Ông Thanh nói ngay: “Quan trọng nhất vẫn là nguồn cung không có, heo trong dân còn ít lắm. Người buôn tất nhiên cũng đẩy giá lên nhưng họ không nâng giá nhiều đến thế”. Ông thẳng thắn: “Vừa rồi 15 đơn vị chăn nuôi lớn cam kết giảm, nhưng mức giá giảm đó có khi chỉ là trên giấy tờ. Nếu Nhà nước không có biện pháp giám sát chặt thì thiệt hại về thuế là không nhỏ”.
Chủ một trang trại của xã Hưng Giáo, H. Thanh Oai, TP. Hà Nội nói: “Nhiều đơn vị chăn nuôi nói giá heo cao còn do giá thức ăn chăn nuôi và các chi phí phòng chống dịch tăng. Là người chăn nuôi, tôi thừa nhận các chi phí này có tăng, nhưng không tăng quá nhiều như con số họ đưa ra. Lý do này không thuyết phục”.
Theo công bố của các đơn vị chăn nuôi lớn, Công ty cổ phần Tập đoàn Dabaco (chuyên chăn nuôi và kinh doanh thịt heo) có lãi tăng gấp 17 lần trong quý I/2020. Trong quý này, doanh thu của Dabaco đạt 3.248 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt trên 340 tỷ đồng, lợi nhuận của quý I đã hoàn thành 84% kế hoạch năm. Công ty cổ phần Chăn nuôi Mitraco (chuyên chăn nuôi heo siêu nạc, sản xuất và kinh doanh heo thương phẩm, heo giống), có tỷ suất lợi nhuận sau thuế trong quý I/2020 tăng gần 34% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Công ty Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), trong quý I/2020, doanh thu thuần đạt hơn 1.453 tỷ đồng, tăng 21%, lãi sau thuế đạt 46,5 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2019…
Dân chưa yên tâm tái đàn
Đầu năm 2019, dịch tả heo châu Phi quét qua xã Nghĩa Trung, H.Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khiến gia đình ông Thân Văn Hòa tán gia bại sản. Ông đã nuôi lại đàn heo mới nhưng bị dịch làm chết sạch. Khi chúng tôi hỏi thăm tình hình hiện tại, ông Hòa rớm nước mắt: “Khánh kiệt rồi. Hai lần bị dịch làm tôi nghĩ đến việc tái đàn là sợ”. Vợ ông Hòa nói chen vào: “Heo giống bây giờ hiếm lắm, lại đắt, những 3 triệu đồng/con, tiền đâu ra mà mua. Thấy nhiều nơi dịch xuất hiện lại nên cũng sợ”.
Ông Thân Văn Thế - ở cùng xã, có trại heo khá quy mô thông tin: “Chuồng trại cũng khử trùng, vệ sinh mấy lần rồi nhưng vẫn để đấy. Chúng tôi chưa dám “tự tin” tái đàn. Xã cũng có vài hộ gầy lại heo giống, còn phần lớn vẫn để chuồng trại không”.
Ông Lê Năng Công - một điển hình làm kinh tế giỏi của xã Hưng Giáo, H.Thanh Oai, TP.Hà Nội, người đã “bảo toàn” được 120/220 con heo sau dịch tả heo châu Phi - nhận định: “Nhà nước tăng nhập khẩu thịt heo để kìm giá heo trên thị trường là chủ trương đúng đắn, nhưng theo tôi, cần đưa rộng hơn thịt heo nhập ra thị trường, công bố các điểm bán. Điều quan trọng nhất vẫn là tăng sản xuất, đồng thời công bố nguyên nhân dịch bệnh để người dân có thông tin, tính phương án tái đàn. Chúng tôi thấy những thông tin được đưa ra thường chung chung, yêu cầu các trang trại, các hộ chăn nuôi phải thực hiện tốt công tác an toàn sinh học, còn cách phòng chống dịch cụ thể ra sao, vẫn chưa nghe nói. Theo tôi, những khuyến cáo đến người nông dân cũng cần dễ hiểu”.
Ông Chủ nhiệm Nguyễn Văn Thanh cũng thừa nhận: “Các hướng dẫn phòng tránh dịch của ngành thú y thường chung chung, không cụ thể. Chúng tôi phải tự xem xét tình hình trang trại nhà mình để tìm những biện pháp phòng tránh”.
“Theo tôi, nói giá heo cao do các khâu trung gian đẩy giá là không công bằng. Trên thị trường, trung gian có nhiệm vụ của trung gian. Khách quan mà nói, chính người buôn bây giờ cũng khó khăn do không mua được heo trong dân; giá thịt heo đắt, dân mua ít, họ cũng không bán được. Giá heo cao thì người chăn nuôi có lợi, nhưng số heo còn trong các hộ chăn nuôi không nhiều, nên lợi nhuận nằm trong túi họ không đáng kể ", ông Lê Năng Công - nông dân sản xuất giỏi xã Hưng Giáo, H. Thanh Oai, TP. Hà Nội bày tỏ. |
Uông Ngọc